|
  • :
  • :

Để nông dân “ly nông bất ly hương”

Ngày 29/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc đối thoại với nông dân cả nước. Tại cuộc đối thoại, vấn đề nóng được đưa ra "mổ xẻ" là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Làm sao để nông dân “ly nông bất ly hương”? Đó là câu hỏi mà ông Võ Viết Minh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nêu ra tại cuộc đối thoại. Ông Châu cho biết, chứng kiến từng đoàn người trở về quê hương trong đại dịch Covid-19, ông cảm thấy rất đau lòng.

Là lao động tự do, khi về quê, họ không có việc làm và thu nhập. Điều này đặt ra thách thức lớn để giúp người nông dân có việc làm, cuộc sống ổn định hơn. "Phải có giải pháp chuyển đổi lao động để nông dân “ly nông” mà không phải “ly hương”", ông Châu nhấn mạnh.

Trước vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là chủ đề rất nóng hổi, một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả.

Còn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng, phải thúc đẩy tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Hiện nay, nước ta có khoảng 7 triệu lao động, nên việc di cư tìm việc làm là điều không thể tránh khỏi.

Đảng, Nhà nước đã có các cơ chế, chính sách đặc biệt, chưa bao giờ có tiền lệ đối với người lao động. Đến nay, Chính phủ đã bố trí 89.000 tỷ đồng hỗ trợ trên 55 triệu lượt người để phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký Quyết định 08 tiếp tục giải ngân gói 6.600 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi kinh tế để hỗ trợ cho lao động, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong chương trình này, Chính phủ cố gắng tập trung 2 việc là xây dựng nông thôn mới gắn liền với đô thị hóa; phát triển mạnh hệ thống công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo tại nông thôn.

Nông dân xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) áp dụng kỹ thuật trồng hồ tiêu hữu nâng cao giá trị kinh tế

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Vấn đề này đã có những thành công nhất định, góp phần tạo việc làm cho nông dân, phát triển kinh tế nông thôn.

Chúng ta xác định nông dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Do đó, đòi hỏi phải chú trọng nâng cao trình độ, năng lực, khả năng làm chủ của nông dân theo tinh thần mà Nghị quyết Trung ương 5 đề ra.

Thời gian tới, chúng ta phải đổi mới tuyên truyền để cho nông dân có một nếp quen là tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình. Hội Nông dân cần phối hợp với Bộ NN-PTNT để đổi mới tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp và định hướng cho nông nghiệp, nông dân.

Cả nước có 55 triệu lao động, trong đó 70% đã được đào tạo, nhưng chỉ có 24,5% được đào tạo có chứng chỉ nghề nghiệp. Thủ tướng đã ban hành chương trình chiến lược về đào tạo nghề.

"Thời gian tới phải coi đào tạo nghề là bước đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo Sở LĐTBXH Đắk Nông, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai giải pháp hỗ trợ người dân, nhất là lao động nông thôn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Tính đến tháng 4/2022, tỉnh hỗ trợ tổng cộng 121.888 đối tượng, với tổng số tiền hơn 148 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Còn về lâu, về dài vẫn cần đến các phương án giải quyết việc làm, tạo kế sinh nhai cho người lao động tại địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Nga

Nguồn: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/de-nong-dan-ly-nong-bat-ly-huong-93326.html