|
  • :
  • :

Gặp gỡ giám đốc hợp tác xã đi đầu trong chăn nuôi công nghệ cao

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Long Thành Phát, xây dựng thành công hợp tác xã nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước theo mô hình hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Lê Văn Quyết kiểm tra các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, độ gió… trong trại gà. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi gà, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) là một trong những nông dân tiên phong đầu tư phát triển ngành chăn nuôi gà công nghiệp.

Không chỉ là một trong những chủ trang trại đầu tiên của Việt Nam đủ điều kiện chăn nuôi gà công nghiệp xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, ông còn xây dựng thành công hợp tác xã nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước là hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao.

Chăn nuôi phải làm chuyên nghiệp, bảo vệ môi trường

Quyết tâm nuôi gà không để gà bị bệnh, bảo vệ môi trường, vì vậy, trước khi bắt tay vào nuôi gà công nghiệp, ông Lê Văn Quyết dành nhiều thời gian tìm hiểu mô hình, cách làm, nắm thông số kỹ thuật cần thiết khi xây dựng trang trại nuôi gà.

Khi tham khảo các trại gà chăn nuôi theo mô hình hở, ông cảm thấy lo lắng về sự phát triển của gà cũng như giải quyết mùi hôi, đảm bảo môi trường. Năm 2003, ông đi thăm một số trang trại nuôi gà theo mô hình kín và nhận thấy ở trang trại này không có mùi hôi, mát mẻ, đặc biệt không có ruồi.

Sau một tuần, ông quyết định triển khai, xây dựng trang trại theo mô hình kín. Ông là người tiên phong làm trại lạnh, trại lầu để nuôi gà tại Đồng Nai, trại gà sử dụng hệ thống làm mát tự động, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió sẽ được điều chỉnh tự động theo từng ngày tuổi của con gà. Đây là những yếu tố tiên quyết quyết định thành công trong việc nuôi gà.

Việc nắm được những thông số kỹ thuật cần thiết trong trang trại, người nuôi có thể chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và tác nhân gây bệnh cho gà từ bên ngoài. Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất chăn nuôi tăng gấp 3 lần so với mô hình nuôi thông thường.

Thời gian đầu, trại gà của ông Quyết hoạt động theo hướng bán tự động, cần lượng lớn nhân công. Ông tiếp tục tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm, đến năm 2006, ông đầu tư, chuyển các hoạt động như cho ăn, uống nước, thuốc, úm gà… sang tự động hóa.

Cám được đưa từ nhà máy bằng xe bồn sau đó bơm vào silo qua hệ thống tự động dẫn vào máng ăn, nước uống, thuốc thú y sử dụng máy pha thuốc qua hệ thống tự động đưa đến từng núm uống. Trại gà sử dụng chất đệm sinh học và công nghệ khử mùi hôi, không có nước thải nên không gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2023, ông Quyết tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trại gà được đầu tư các hệ thống băng chuyền vận chuyển giúp tự động bắt gà, tự động lấy phân. Lịch trình, công đoạn từng lứa gà được lên trước cả năm, gửi đến chủ trang trại, nhà cung cấp giống, thức ăn, thuốc để các bên cùng thực hiện.

Ông Lê Văn Quyết hướng dẫn nhân viên sử dụng công nghệ cao chăm sóc đàn gà tại trang trại. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Chủ trang trại không phải tính toán chuyện mua giống ở đâu, vận chuyển ra sao, mua thức ăn hiệu gì, bán gà cho ai, giá bao nhiêu hay thời điểm gà xuất chuồng thế nào. Tất cả công việc trên được ông Lê Văn Quyết đưa vào phần mềm ứng dụng riêng của Hợp tác xã.

Vì vậy, dù đi công tác, ông vẫn điều hành, theo dõi đàn vật nuôi, việc nhập, xuất chuồng mọi thời điểm cụ thể. Ông trở thành người đầu tiên sử dụng công nghệ cao nhất của Việt Nam trong chăn nuôi.

Ông Lê Văn Quyết cho biết chăn nuôi muốn thành công phải có sự chuyên nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi giúp các trang trại giảm chi phí, nhân công, năng suất chăn nuôi vượt trội, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, tổng đàn gà của hợp tác xã là gần 2 triệu con. Nếu chăn nuôi thông thường cần khoảng hơn 300 lao động làm việc liên tục, tuy nhiên nhờ ứng dụng công nghệ cao, Hợp tác xã chỉ cần 100 người làm việc, trung bình mỗi người có thể nuôi được khoảng 30.000 con gà, ông Lê Văn Quyết chia sẻ.

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Để có được thành công như hôm nay, ông Lê Văn Quyết đã trải qua bao thăng trầm, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi. Sau quá trình tích lũy kinh nghiệm nuôi gà và phát triển đủ mạnh, ông thấy cần thiết phải kết nối quy mô lớn với các trang trại, phát huy sức mạnh, hỗ trợ cùng nhau phát triển.

Ông Lê Văn Quyết kiểm tra hệ thống cho gà ăn tự động trong trại gà. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Ông Lê Văn Quyết nhận định một hộ nông dân cho dù có tiềm lực kinh tế mạnh và quy mô chuồng trại lớn đến đâu cũng không thể xuất ra thị trường trung bình 25.000 con gà đảm bảo tiêu chuẩn mỗi ngày, thực hiện trong nhiều ngày liên tục. Nếu liên kết các hộ chăn nuôi, liên kết người chăn nuôi với đơn vị cung cấp thức ăn, thuốc thú y, tiêu thụ, hoàn toàn được.

Do đó, năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát ra đời. Ông bắt tay với những nông dân giỏi cùng lĩnh vực để gây dựng nên trang trại gà quy mô lớn, hiện đại theo mô hình hợp tác xã tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu.

Đến nay, Hợp tác xã có 17 thành viên trực tiếp sản xuất, 8 thành viên liên kết chủ yếu là doanh nghiệp; trong đó có Công ty Koyu & Unitek để xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Nhật Bản.

Để được là thành viên của hợp tác xã, nông dân phải đảm bảo nhiều điều kiện khắt khe như: có kinh nghiệm chăn nuôi, tài chính và đặc biệt có tinh thần thép.

“Nhiều chủ trang trại đã tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu nhưng buộc phải rút lui vì không đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, cái gốc của hệ thống liên kết Hợp tác xã đang tập trung xây dựng là thu hút người chăn nuôi có kinh nghiệm, có bản lĩnh,” ông Lê Văn Quyết cho biết.

Để hỗ trợ thành viên trong hợp tác xã đủ điều kiện tham gia sản xuất, có thời điểm, ông Lê Văn Quyết trực tiếp đứng ra bảo lãnh cho họ vay vốn thông qua hình thức liên kết tiêu thụ để được vay vốn đầu tư công nghệ chăn nuôi chuồng lạnh khép kín.

Bà Hoàng Thị Thanh (thành viên Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) cho biết, bà tham gia Hợp tác xã từ năm 2017, dù đã có kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng khi tham gia vào chuỗi liên kết, bà được ông Lê Văn Quyết hỗ trợ nhiều.

Thậm chí, ông Quyết sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để bà được vay vốn đầu tư công nghệ chăn nuôi chuồng lạnh khép kín. Đến nay, trang trại của bà đang chăn nuôi khoảng 800.000 con gà phục vụ thị trường xuất khẩu. Nhờ được tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi, mức thu nhập của gia đình bà đã tăng lên.

Bà Huỳnh Thụy Thủy Tiên (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Hiệp, huyện Long Thành) cho biết, trang trại nuôi gà của ông Lê Văn Quyết được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động trên địa bàn xã 20 năm.

Dù là trang trại nuôi gà công nghiệp quy mô lớn nhưng không gây ô nhiễm môi trường, hoạt động chăn nuôi rất hiệu quả, địa phương mong muốn các hộ chăn nuôi học theo cách làm này. Ông Lê Văn Quyết rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh, xã hội tại địa phương.

Nhờ những nỗ lực của mình, nhiều năm liền, ông Lê Văn Quyết được các ban, ngành Trung ương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai trao tặng danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Năm 2021, ông được trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Ông Lê Văn Quyết là một trong những gương điển hình tiên tiến tiêu biểu năm 2023./.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/gap-go-giam-doc-hop-tac-xa-di-dau-trong-chan-nuoi-cong-nghe-cao/
Tin liên quan
Chưa có thông tin