|
  • :
  • :

Giá trâu, bò giảm, người chăn nuôi ở Lào Cai “tiến thoái lưỡng nan”

Gần 1 năm nay, lượng tiêu thụ và giá bán trâu, bò giảm mạnh khiến người chăn nuôi tại Lào Cai lo lắng “tiến thoái lưỡng nan”.

Người chăn nuôi gặp khó khi giá trâu, bò giảm. Ảnh: TTXVN

 

Nhiều năm nay, chăn nuôi và nuôi vỗ béo trâu, bò phát triển ổn định là nghề đem lại thu nhập cao cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, lượng tiêu thụ và giá bán trâu, bò giảm mạnh khiến người chăn nuôi lo lắng “tiến thoái lưỡng nan”.

 

Chợ trâu Cán Cấu, huyện Si Ma Cai là điểm đến hấp dẫn ở tỉnh Lào Cai, được mệnh danh là sàn giao dịch trâu lớn nhất miền Bắc. Nét đặc trưng của chợ phiên là bán hàng trăm chú trâu, bò được người dân từ khắp các thôn, bản làng mang tới.

 

Chợ họp vào thứ 7 hàng tuần, bên dốc Cán Cư Sử. Trên khu đất rộng, hàng trăm con trâu gần thì từ Bắc Hà, Mường Khương… (Lào Cai), xa cho đến tận Xín Mần (Hà Giang) được người dân đưa về giao dịch. Thế nhưng, khu chợ này trong nửa năm trở lại đây trở nên đìu hiu, mất hẳn vẻ sôi động vốn có.

 

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai Thào Seo Lừ cho biết, trước đây, mỗi phiên chợ có hàng trăm con trâu, bò được mang đến giao dịch mua bán thành công, nhưng từ cuối năm 2021 đến nay, lượng mua bán trâu, bò giảm rất mạnh, chỉ còn lác đác vài con. Giá thu mua đại gia súc trên địa bàn giảm trên 30% so với cuối năm 2021.

 

Tại chợ phiên, anh Vàng A Lở (xã Sán Chải, Si Ma Cai) cho biết, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ vốn để mua 1 con trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, gia đình đã có đàn trâu 4 con trọng lượng trung bình gần 2 tạ/con. Thế nhưng, chưa kịp vui mừng vì đàn trâu sinh trưởng tốt, anh vấp phải nỗi lo khi từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường trâu ế ẩm, không tìm được đầu ra khiến gia đình gặp khó.

 

Anh Lở cho biết, thời điểm trước tháng 10/2021, mỗi con trâu mộng khoảng 3 tạ được rao bán với giá 60-70 triệu đồng. Nhưng từ cuối năm 2021 đến nay, giá trâu giảm xuống chỉ còn 35 – 40 triệu đồng/con.

 

Tại khu buôn bán gia súc của chợ phiên vùng cao Lùng Phình (huyện Bắc Hà), bà Giàng Thị Cở mang theo 5 con trâu thì bán được 2 con, mỗi con lỗ gần 1 triệu đồng so với tiền vốn, không kể thức ăn và công chăm sóc suốt 5 tháng. Tuy bán lỗ vốn nhưng bà Cở lại thở phào bởi nếu tiếp tục nuôi thì số lỗ có thể sẽ tăng mỗi ngày.

 

Bà Giàng Thị Cở bộc bạch, trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trâu khoảng 4 – 5 tạ có giá 70 – 80 triệu đồng, nhưng từ sau Tết đến nay, tính ra mỗi con trâu mất gần 30 triệu đồng, mà muốn bán cũng khó vì không ai hỏi mua.

 

Xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn có nhiều hộ chuyên nuôi đại gia súc với số lượng từ 10 – 20 con trâu, bò vỗ béo. Giá trâu, bò bất ngờ lao dốc, thậm chí còn không có người mua đã khiến các hộ dân chăn nuôi lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” bởi càng nuôi lâu càng khó xoay vòng nguồn vốn, thậm chí lỗ vốn, mà bỏ thì không được nhất là đối với những gia đình vay vốn để chăn nuôi.

 

Gia đình chị Lù Thị Mai (thôn Văn Tiến) nuôi trâu sinh sản và vỗ béo hơn chục năm nay, thu nhập khá ổn định. Một chu kỳ nuôi vỗ béo khoảng 3 tháng, mỗi con lãi khoảng 3 – 4 triệu đồng. Hơn 1 năm nay, giá trâu giảm khoảng 20 – 25 triệu đồng/con.

 

Đã nhiều tháng nay không có thương lái về mua trâu, nhà chị càng nuôi càng lỗ, nhất là trâu vỗ béo. Hiện, trong chuồng của gia đình chị Mai có 4 con trâu đã đến kỳ xuất bán, do giá bán thấp, không đủ bù chi phí nên đành nuôi chờ thị trường khởi sắc trở lại.

 

“Giá trâu xuống thấp trong khi giá vật tư đầu vào, giá xăng lại tăng mạnh, cước phí vận chuyển cao đã khiến người nuôi rất khó khăn. Chúng tôi đang rất muốn bán để giảm đàn nhưng không có người mua. Giết thịt bán cũng khó tiêu thụ vì giá thịt bán tại chợ vẫn giữ nguyên như cũ dù giá thu mua tại chuồng đã giảm mạnh”, chị Mai chia sẻ.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Lào Cai, địa phương hiện có hơn 142 nghìn con gia súc; trong đó, có hơn 117 nghìn con trâu, hơn 24 nghìn con bò.

 

Tìm hiểu nguyên nhân của việc trâu, bò rớt giá nhưng khó tiêu thụ, các thương lái tại chợ trâu Cán Cấu, Si Ma Cai cho biết, thị trường tiêu thụ chính của trâu, bò trên địa bàn là xuất bán sang Trung Quốc, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ năm 2021 đến nay, phía Trung Quốc đóng biên, dẫn đến không xuất bán được, chỉ tiêu thụ nhỏ giọt tại thị trường trong nước nên giá giảm mạnh và sức tiêu thụ thấp.

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Tô Mạnh Tiến cho biết, những năm gần đây, việc chăn nuôi đại gia súc đã giúp nhiều người dân thoát nghèo, nhiều hộ chuyển sang nuôi nhốt, vỗ béo.

 

Trước tác động từ thị trường phía Trung Quốc khiến giá trâu, bò trên địa bàn giảm mạnh, ngành nông nghiệp đang báo cáo các cấp chính quyền, đoàn thể có các giải pháp đồng bộ giảm các chi phí vận chuyển và đầu vào, tạo điều kiện cho người dân yên tâm chăn nuôi.

 

Ngành nông nghiệp Lào Cai khuyến cáo người chăn nuôi trâu, bò tiếp tục theo dõi thị trường, không nên tăng đàn trong thời điểm này; cần theo dõi nhu cầu thị trường để ứng biến. Tuy nhiên, giải pháp giảm đàn cần phù hợp, không giảm ồ ạt khiến nguồn cung bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không có để bán.

 

Khi trâu, bò mất giá, người dân cần thực hiện các biện pháp để thích nghi như thay đổi khẩu phần ăn, ủ chua phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, tăng nguồn thu từ việc chế biến phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi.
Ngoài ra, để chăn nuôi phát triển ổn định, các địa phương cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết trong chăn nuôi để tránh bị ép giá, kết nối tiêu thụ để không bí đầu ra./.

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/gia-trau-bo-giam-nguoi-chan-nuoi-o-lao-cai-tien-thoai-luong-nan/
Tin liên quan
Chưa có thông tin