|
  • :
  • :

Giải pháp nào để ổn định chất lượng, nâng tầm giá trị sản phẩm?

Theo các chuyên gia, hiện nay thị trường nông sản ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, cùng với đó là các tiêu chuẩn cũng ngày càng nâng cao. Để đáp ứng được những yêu cầu này, các HTX nông nghiệp cần củng cố, thay đổi và phát triển sản xuất.

Nông dân, HTX cần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp.

Nông dân, HTX cần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, hiện nay thị trường nông sản ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, cùng với đó là các tiêu chuẩn cũng ngày càng nâng cao. Để đáp ứng được những yêu cầu này, các HTX nông nghiệp cần củng cố, thay đổi và phát triển sản xuất.

HTX nông nghiệp có tiến bộ nhưng chưa đồng đều

Theo ngành chức năng, hiện nay, mức độ hiểu biết của người tiêu dùng về chất lượng nông sản và thực phẩm ngày càng cao và sâu hơn nên người tiêu dùng luôn có sự đề phòng và nghi ngờ với các sản phẩm nông sản trên thị trường, dù cho đó là những sản phẩm của HTX, doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ được phân phối vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Ông Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Phát triển HTX là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Cùng với doanh nghiệp, HTX là lực lượng nòng cốt để sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Thế nhưng một vấn đề đặt ra nông dân trong nước ngày càng giỏi, các HTX nông nghiệp ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, kết quả sản xuất kinh doanh vẫn chưa như mong đợi.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng luôn có sự đề phòng và nghi ngờ với các sản phẩm nông sản trên thị trường. Bởi thực tế hiện nay, nhiều đơn vị sản xuất chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, chưa khẳng định được chất lượng nông sản trên thị trường.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT cũng cho rằng, thời gian gần đây, việc phát triển nông nghiệp sang hướng bền vững, tuần hoàn không chỉ được đẩy mạnh ở Việt Nam mà còn là xu thế chung của các nước tiên tiến trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản… với những cam kết rất mạnh mẽ. Song, chúng ta có nhiều HTX, có nhiều doanh nghiệp nhưng vẫn còn đó bài toán liên kết hiệu quả để sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường và giá trị cao.

Tại Vĩnh Long, theo một số HTX nông nghiệp, để sản xuất được những nông sản đủ điều kiện phục vụ thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang các thị trường khó tính, khâu đầu tiên là người dân cần phải biết trồng cây gì, sản xuất như thế nào, nhu cầu thị trường ra sao.

Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước Nguyễn Ngọc Nhân cho rằng: “Muốn chọn lựa được sản phẩm để sản xuất, cần tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường. Chúng ta sản xuất những thứ mà thị trường cần chứ không sản xuất ra những gì chúng ta có. Sản phẩm phải vừa có thế mạnh để cung ứng tại thị trường trong nước, vừa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Song song đó, HTX cũng phải mạnh dạn đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.

Tuy nhiên, nhiều HTX nông nghiệp cũng tự nhìn nhận rằng, vấn đề bảo quản sau thu hoạch, lưu kho, đóng gói, vận chuyển,… của HTX cũng còn hạn chế. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm mà còn cản trở lớn đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa đường dài, từ đó, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Các HTX cần củng cố, thay đổi

Theo ngành chức năng, hiện nay thị trường nông sản ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, cùng với đó là các tiêu chuẩn cũng ngày càng nâng cao.

Để đáp ứng được những yêu cầu này, các HTX cần củng cố, thay đổi và phát triển sản xuất. Trong khi đó, người nông dân cần đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm đi cùng với lợi ích. Họ cũng cần có người dẫn đường có tầm và có tâm để giúp họ hiểu được lợi ích khi tuân thủ tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm.

Theo đó, để nâng cao và duy trì chất lượng nông sản ổn định của các HTX nông nghiệp, cần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp.

Qua đó, giúp quá trình sản xuất trở nên chính xác và đảm bảo được các tiêu chuẩn của thị trường. Cụ thể như việc ứng dụng máy bay nông nghiệp đa chức năng trong canh tác lúa hay hệ thống quản lý phân bón, thuốc BVTV thông minh cũng giúp nông dân nắm bắt tình trạng sử dụng thuốc BVTV, phân bón, lượng giống, sâu bệnh hại 24/7 và có sự điều chỉnh phù hợp nếu các thông số kỹ thuật vượt quá ngưỡng cho phép.

Song song đó, khi xác định được sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu, cần phải có kế hoạch, giải pháp cạnh tranh với các quốc gia đang sản xuất sản phẩm đó. Không nên sản xuất theo tiêu chuẩn của từng thị trường cụ thể mà phải xác định sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất đối với loại nông sản đó.

PGS.TS Bùi Bá Bổng cũng cho rằng: “Cần có sự liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp với HTX. Đồng thời, cần thu hẹp khoảng cách từ người sản xuất đến người phân phối và sau đó là người tiêu dùng. Chúng ta phải xóa được tình trạng người tiêu dùng không biết nguồn gốc thế nào, người nông dân không biết sản phẩm mình được phản hồi ra sao”.

TS Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị: Các HTX, nông dân, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và quan niệm - từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.

Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến...

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lưu ý một số điểm trong quy định của thị trường Trung Quốc và một số thị trường chính đối với nông sản xuất khẩu. Cụ thể: Hiện thị trường Trung Quốc mới tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đã nhận cảnh báo từ phía Trung Quốc về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật. Đối với thị trường Nhật Bản, các quy định đều thuận lợi cho doanh nghiệp song yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sang thị trường này. Hàn Quốc cũng là một thị trường khó tính. Họ có quy định cụ thể về dư lượng, các loại hóa chất, thuốc BVTV. Đối với thị trường EU, sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường này cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm...

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202301/hop-tac-xa-nong-nghiep-giai-phap-nao-de-on-dinh-chat-luong-nang-tam-gia-tri-san-pham-3152477/