Ngành chuyên môn xã Trường Long A đang hoàn thiện quy trình đăng ký mã vùng trồng sầu riêng cho bà con nông dân trong xã.
Với diện tích khoảng 25ha trồng sầu riêng, nhà vườn ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, mỗi năm cung ứng cho thị trường gần 630 tấn trái. Tuy nhiên, phần lớn sản lượng đều bán dưới dạng trái thô, giá cả thị trường thường xuyên không ổn định.
Ông Trần Văn Muôn, Trưởng ấp Trường Hiệp chia sẻ, mấy năm qua người dân trồng sầu riêng ở đây phải “vật lộn” với bài toán giá cả. Hiểu được hết nỗi lo của nông dân và tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng cho cây ăn trái để xuất khẩu, vì thế, khi có kế hoạch triển khai xây dựng mã số vùng trồng cho cây sầu riêng tại xã, ông đã mạnh dạn đăng ký và vận động bà con cùng tham gia.
“Làm được mã số vùng trồng thì cây sầu riêng sẽ đủ điều kiện để xuất khẩu, khi đó doanh nghiệp sẽ mạnh dạn ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân. Người hưởng lợi sẽ là nông dân, vì biết trước được sản phẩm của mình được thu mua với giá bao nhiêu để cân đối sản xuất. Hạn chế được tình trạng đầu tư nhiều nhưng giá bán thấp dẫn đến thua lỗ”, ông Muôn chia sẻ thêm.
Một số nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn xã Trường Long A cho biết, sầu riêng được mệnh danh là vua của các loại trái cây, do giá trị cao gấp nhiều lần so với những loại trái cây khác nên chỉ cần đầu ra ổn định là người dân sống khỏe. Tuy nhiên, do đa phần sản lượng sầu riêng của nước ta tiêu thụ nội địa hoặc xuất theo đường tiểu ngạch nên giá trị thấp. Nhưng khi được xuất khẩu chính ngạch, giá bán sẽ được cải thiện.
Theo thống kê, tổng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn xã Trường Long A là 532ha, trong đó diện tích trồng sầu siêng là 167ha. Hiện nay, ngành chức năng địa phương đang lên kế hoạch đăng ký mã vùng trồng cho 5/10 ấp với diện tích 99ha. Thời điểm hiện tại đã lấy tọa độ cho mã vùng trồng được 25ha ở ấp Trường Hiệp, còn lại 74ha tiếp tục thực hiện lấy tọa độ trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Văn Nhịn, Bí thư Đảng ủy xã Trường Long A cho biết, tham gia xây dựng mã số vùng trồng, bà con được các cán bộ ở xã hướng dẫn ghi chép nhật ký xử lý phân, thuốc và các cách chăm sóc cho vườn đạt năng suất, hiệu quả theo tiêu chuẩn. Việc giám sát, đảm bảo kỹ thuật được các cán bộ nông nghiệp địa phương thường xuyên thực hiện, từ đó có thể kịp thời tháo gỡ những khó khăn của bà con.
“Được cấp mã vùng trồng đồng nghĩa với việc đầu ra nông sản rộng mở, từ đó nâng cao thu nhập của người dân. Thời gian tới, bà con ở những ấp đăng ký mã vùng trồng sẽ chuyển sang trồng các loại sầu riêng chất lượng cao để nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc nên đây sẽ là thị trường tiêu thụ chính mà xã đang hướng tới”, ông Nhịn cho hay.
Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, với tầm quan trọng của khoa học công nghệ và nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu ngày càng cao và đòi hỏi khắt khe về sản phẩm an toàn, phải truy được nguồn gốc nên những năm gần đây, từ các nguồn kinh phí khuyến nông, ngành nông nghiệp tỉnh luôn quan tâm xây dựng những mô hình hướng tới những sản phẩm nông nghiệp phải đạt những tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP và phải có mã số vùng trồng. Chính vì thế, trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu không chỉ cải thiện kinh tế cho nhà vườn, mà còn giải được bài toán về đầu ra thời gian qua. Đây là động lực để nhà vườn tập trung sản xuất và phát triển diện tích theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp... đặt ra cho ngành nông nghiệp phải có sự đổi mới mạnh mẽ để phát triển. Do đó, trong xây dựng mô hình canh tác về nông nghiệp để chuyển giao đến người nông dân, ngành nông nghiệp luôn quan tâm đến những mô hình ứng dụng công nghệ, sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn và gắn với truy xuất nguồn gốc, liên kết bao tiêu đầu ra hướng tới phục vụ tốt cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định sản xuất nông nghiệp, hướng tới sự bền vững...