|
  • :
  • :

Gỡ khó cho chuỗi cung ứng giá trị nông sản

Từ lâu, tỉnh Hậu Giang đã được công nhận là tỉnh có tiềm năng nông nghiệp lớn với các sản phẩm chủ lực như lúa gạo và các loại trái cây. Tuy nhiên, liên kết chuỗi cung ứng vẫn là khâu yếu của ngành nông nghiệp tỉnh. 

Khóm Cầu Đúc nổi tiếng gần xa nhưng người dân vẫn còn lo về đầu ra mỗi khi thu hoạch.

Người nông dân gặp khó

Những năm gần đây, người nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, sự thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng đã dẫn đến việc sản phẩm không được tiêu thụ kịp thời, gây ra tình trạng hao tổn, thất thoát cho người dân. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin về thị trường và giá cả khiến người nông dân khó khăn trong việc định giá sản phẩm của mình, dẫn đến thu nhập không ổn định, có khi bị thua lỗ. Trong khi sự biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng nông sản, gây tổn thất về mặt kinh tế của người dân.

Ông Vu Sủi, người có thâm niên nhiều năm trồng khóm ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trồng khóm nhiều năm nay, nhưng mỗi vụ gia đình tôi đều lo lắng vì chưa tìm được đầu ra ổn định cho rẫy khóm của mình. Dù hiện tại đã trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhưng vẫn chưa có công ty nào ký hợp đồng bao tiêu cho sản phẩm, nếu có thì giá thu vào rất thấp, không bằng bán cho thương lái hoặc bán lẻ cho thị trường. Vì lẽ đó mà đến giờ tôi vẫn quyết định bán cho thương lái ở ngoài để cạnh tranh giá”.

Đây không chỉ là vấn đề nan giải của riêng gia đình ông Vu Sủi, mà đa số người dân trên địa bàn tỉnh đều gặp tình trạng tương tự. Để sản phẩm đạt được chất lượng và đáp ứng đủ số lượng thì người nông dân phải đầu tư rất nhiều cho cây trồng, tuy nhiên đến khi thu hoạch thì đầu ra lại không được đảm bảo, giá cả bấp bênh, có khi còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Điều này đã trở thành vấn đề khó đối với người nông dân cũng như cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, chuỗi cung ứng nông nghiệp vẫn còn lỏng lẻo và rời rạc làm cho việc xuất bán nông sản cũng gặp nhiều khó khăn và thu nhập của người nông dân thì rất thấp. Cụ thể, chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp có sự tham gia của quá nhiều bên trung gian, đa số là các thương lái, là những người am hiểu địa phương, có đầy đủ phương tiện vận tải và hệ thống kho vận. Do đó, thương lái đóng vai trò thu mua và vận chuyển nông sản. Như vậy, trong chuỗi giá trị nông sản, thương lái đóng vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ logistics. Nhưng ngược lại, họ lại trở thành thương nhân bán nông sản cho doanh nghiệp và từ đó, họ dễ dàng có các động thái thao túng giá và nguồn cung.

Chuỗi cung ứng rời rạc là nguyên nhân khiến cho tốc độ đưa nông sản ra thị trường bị chậm lại, gây nhiều tổn thất nông sản. Có thể thấy, tốc độ ra thị trường càng nhanh thì các mặt hàng rau quả, trái cây mới giữ được chất lượng cũng như làm vòng quay đồng vốn nhanh hơn. Nhưng hiện nay, tốc độ ra thị trường của nông sản còn rất chậm vì thương lái trực tiếp kiểm soát thu mua, gây ảnh hưởng lên nguồn cung và giá mua nông sản của doanh nghiệp. Không ít trường hợp thương lái có những động thái “găm” hàng, đẩy giá lên cao khiến cho hàng hóa bị giữ lại ở khâu trung gian khá lâu, khó tránh chuyện hư hỏng hao hụt.

Giải pháp về chuỗi cung ứng giá trị nông sản

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng. Đồng thời, việc thực hiện hợp đồng một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh nông sản nói riêng.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, để giải quyết những khó khăn này, cần có các giải pháp đồng bộ từ nhiều phương diện. Trước hết, cần quan tâm hệ thống hạ tầng giao thông để đảm bảo việc vận chuyển và tiêu thụ nông sản được thuận lợi, tập trung xây dựng một mạng lưới thu mua nông sản trên toàn tỉnh và các vùng lân cận để hạn chế tình trạng buôn bán nhỏ lẻ và bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, nên phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa người nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức trung gian để tạo ra chuỗi cung ứng khép kín và bền vững. Đồng thời, nên đào tạo và nâng cao kiến thức cho người nông dân về kỹ thuật sản xuất, quản lý và kinh doanh nông sản.

Cùng với đó, khâu sản xuất với quy mô lớn, phát triển kinh tế hợp tác, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết với các chủ thể kinh tế trong vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp; liên kết chuỗi đầu vào, sản xuất - chế biến - phân phối ứng dụng công nghệ cao bảo đảm năng lực cạnh tranh theo yêu cầu từ thị trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cũng như cần có quy chuẩn chất lượng trong sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài các giải pháp từ phía Nhà nước, người dân cũng có thể tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Các mô hình kinh doanh trực tuyến, chợ nông sản điện tử có thể giúp người nông dân tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, giảm bớt khâu trung gian và nâng cao giá trị sản phẩm.

Mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dâu tằm, chị Nguyễn Thị Hồng Mơ, ở ấp Ba, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp đã thoát nghèo và có được nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Mơ chia sẻ: “Trước đây khi bắt đầu trồng dâu tằm, tôi chủ yếu bán cho bà con hàng xóm ở gần vì chưa tìm được cách đưa ra thị trường hiệu quả. Sau khi tự tìm tòi, học hỏi cách xây dựng thương hiệu, bán hàng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến thì số lượng sản phẩm bán ra ngày càng nhiều, các thương lái liên hệ muốn mua dâu tằm tăng lên nên tôi có cơ hội xem xét về giá cả cho hợp lý. Thu nhập và lợi nhuận của tôi tăng lên nhiều so với trước đây, có hôm tôi bán được tận 50-60kg trên internet, hàng ngày đều có đơn đi trong tỉnh và ngoài tỉnh như Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh,…”.

Tuy nhiên, thực tế vấn đề chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn cần được xem xét và giải quyết như quy trình vận chuyển, đầu ra chưa ổn định, các doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông sản vì bấp bênh từ cả phía cầu lẫn phía cung. Đây là bài toán muôn thuở của nông nghiệp, nhưng ngược lại cũng cho thấy vấn đề mang tính thị trường như liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và nông dân.

Trước tình trạng này, các cơ quan chuyên môn đã có kế hoạch và đề ra các chính sách hỗ trợ thiết thực để giúp người nông dân vượt qua khó khăn và phát triển bền vững. Các chính sách về tín dụng ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ, cũng như khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ là rất cần thiết. Đồng thời, cần có các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/go-kho-cho-chuoi-cung-ung-gia-tri-nong-san-134514.html