Gia đình ông Hoàng Văn Hoan, xã Cẩm Sơn (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện có đàn bò 5 con, trong đó có 1 bò nái mang thai. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông không khỏi lo lắng. Ông Hoan cho biết: Những ngày này, gia đình vừa theo dõi sát sao diễn biến dịch lở mồm long móng trên đàn trâu bò xảy ra trên địa bàn huyện, đồng thời thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh và chăm sóc đàn bò của gia đình mình. Không như trước đây, ông thường chủ quan trong công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi còn bây giờ, trước thực tế diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng phức tạp, cộng thêm được nhân viên thú y tuyên truyền về Luật thú y, nên năm nay, gia đình đã ý thức tuân thủ tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ đàn vật nuôi của mình.
Tiêm phòng vắc xin tại từng hộ chăn nuôi là cách làm được nhiều địa phương triển khai hiệu quả.
Xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên có đàn trâu bò khá lớn với gần 1.700 con, trên địa bàn xã có 6 trang trại lợn với quy mô đàn hơn 5.000 con. Ngoài ra, còn có 500 con lợn nuôi trong hộ dân. Để chủ động phòng chống dịch bệnh và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, UBND xã Cẩm Sơn đã chỉ đạo cán bộ thú y phối hợp với cán bộ thôn rà soát tổng đàn trong diện phải tiêm, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về tác dụng của việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Cán bộ thú y xã khi xuống các thôn đã hướng dẫn kỹ thuật bảo quản và tiêm vắc xin; kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức tiêm phòng, tổng hợp tiến độ tiêm phòng bảo đảm kế hoạch đề ra. Khuyến cáo các hộ dân trước khi tiêm phòng vắc xin phải thực hiện kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi và chú ý giám sát trong cũng như sau khi tiêm phòng.
Còn tại huyện Kỳ Anh, hiện chính quyền địa phương cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tiêm phòng đầy đủ, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gây nên. Quan điểm của huyện là sẽ ưu tiên theo thứ tự: xã có số lượng đàn vật nuôi lớn thì tiêm trước, để từ đó tổ chức rút kinh nghiệm cho các xã triển khai tiếp theo. Mặc dù ý thức của người chăn nuôi đã được nâng lên, song hiện nay vẫn còn không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ coi thường dịch bệnh, có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ vắc xin của nhà nước.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thái – PGĐ Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện Kỳ Anh được biết, huyện Kỳ Anh hiện có tổng đàn trâu bò trong diện tiêm là 15.000 con, đến nay mới tiêm đạt gần 35%. Còn đàn lợn khoảng 17.000 con và đàn gia cầm là 417.000 con chưa triển khai tiêm. Trước thực tế này, huyện Kỳ Anh đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về công tác tiêm phòng để người dân cùng ý thức và vào cuộc nhằm đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.
Cán bộ thú y cần làm tốt công tác tuyên truyền tận hộ để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đảm bảo an toàn trong chăn nuôi
Ngay từ những tháng đầu năm, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chị thị về việc chủ động triển khai, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trong đó khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc đối tượng tiêm được tiêm phòng.
“Theo kế hoạch tiêm phòng đợt 2 năm 2022, toàn tỉnh có hơn 140.000 trâu, bò thuộc diện tiêm vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng, gần 200.000 con lợn tiêm vắc xin tụ huyết trùng và trên 2,4 triệu con gia cầm tiêm vắc xin cúm gia cầm. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ tiêm phòng lở mồm long móng trên đàn trâu, bò toàn tỉnh mới đạt hơn 48%, tụ huyết trùng trâu, bò đạt 45%, tụ huyết trùng trên lợn đạt hơn 70%, cúm gia cầm đạt hơn 40%. Kết quả này đang là quá thấp so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó, kế hoạch tiêm phòng vụ Đông sẽ kết thúc trước ngày 30/11/2022. Nếu thời gian tới các địa phương không quyết liệt chỉ đạo thì rất khó hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi”, bà Hoàng Thị Ngọc Diệp – Trưởng phòng Quản lý Thú y – Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thông tin.
Trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc chủ động triển khai kế hoạch tiêm phòng đợt 2 là giải pháp quan trọng và hiệu quả để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, tạo nguồn cung thực phẩm trong dịp cuối năm. Điều này đòi hỏi chính quyền các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đôn đốc hộ dân chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn tiêm phòng đủ số lượng, đúng số lượng liều cho đàn vật nuôi; rà soát tổng đàn để tiêm phòng bổ sung theo quy định. Ngoài sự nỗ lực từ phía chính quyền, cơ quan chuyên môn và lực lượng thú y, bản thân các hộ chăn nuôi cũng cần nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành tiêm phòng đầy đủ theo quy định để bảo vệ tài sản của gia đình mình trước dịch bệnh.