|
  • :
  • :

Hiệu quả mô hình kinh tế tập thể

Với mục tiêu đẩy mạnh tính liên kết gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất để tạo ra vùng canh tác tập trung nhằm cung ứng sản lượng hàng hóa đủ lớn và đạt chất lượng theo nhu cầu của thị trường; thời gian qua, mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Châu Thành A đã có nhiều bước đi đột phá cho những mục tiêu trên. 

Nhiều HTX Nông nghiệp của huyện Châu Thành A sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP và ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào canh tác đã mang lại hiệu quả tích cực cho thành viên.

Châu Thành A là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương khi có diện tích khoảng 8.000ha. Do đó, việc phát triển mô hình kinh tế tập thể trên cây lúa luôn được ngành chức năng huyện quan tâm bằng việc vận động bà con thành lập các mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để cùng nhau liên kết phát triển, cũng như được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ khoa học kỹ thuật đến đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Điển hình như HTX Nông nghiệp Hiếu Lực, ở ấp Trường Hòa A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A. Được thành lập vào năm 2016, từ đó đến nay, lãnh đạo HTX luôn tổ chức sản xuất và hoạt động kinh doanh có hiệu quả nên hàng năm, HTX đều mang lại nguồn lợi nhuận hấp dẫn cho bà con xã viên. Hiện tại, HTX thực hiện 4 loại hình dịch vụ là cung ứng lúa giống, liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra (dịch vụ thu gom lúa), dịch vụ lưu kho (lúa khô) và cung ứng lúa hàng hóa (lúa tươi), bán buôn gạo các loại. Chính nhờ hoạt động và liên kết sản xuất có hiệu quả nên số lượng thành viên và diện tích sản xuất lúa của HTX ngày càng tăng.

Ông Đặng Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hiếu Lực, thông tin: “Khi mới thành lập, HTX chỉ có 11 thành viên, với 11ha đất sản xuất lúa. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là khi bà con thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia vào mô hình kinh tế tập thể nên số lượng thành viên của HTX hiện là 57 người, diện tích sản xuất lúa tăng lên hơn 100ha. Hàng năm, HTX đều hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra và đảm bảo được lợi ích cho các thành viên”.

Từ khi thành lập đến nay, HTX Nông nghiệp Hiếu Lực luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa hiệu quả từ ngành chức năng của tỉnh, huyện, nhất là mô hình sản xuất lúa theo Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) như mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Hiện hàng năm, HTX đều tổ chức cho thành viên sản xuất theo mô hình lúa an toàn từ 30-40ha nhằm tạo ra sản phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời cũng đảm bảo sức khỏe cho nông dân trực tiếp canh tác. Đặc biệt, vào cuối năm 2021 vừa qua, HTX cho ra sản phẩm gạo sạch mang thương hiệu Hương Quê. Riêng 6 tháng đầu năm nay, HTX đã tổ chức bao tiêu được 410ha lúa của thành viên HTX và hộ nông dân liên kết bên ngoài. Bên cạnh đó là cung ứng khoảng 56 tấn lúa giống các loại và số lượng gạo đã bán ra thị trường khoảng 30 tấn, trong đó gạo thơm Hương Quê chiếm số lượng nhiều khi tiêu thụ từ 3-4 tấn/tháng.

“Tới đây, HTX tiếp tục mở rộng địa bàn đầu tư và tiêu thụ lúa các loại của thành viên, cũng như bà con trong và ngoài tỉnh. Đồng thời thực hiện đăng ký bảo hộ logo HTX và triển khai thực hiện các hợp phần theo danh mục đầu tư thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030” của HTX”, ông Lực thông tin thêm.

Giống như HTX Nông Nghiệp Hiếu Lực thì HTX Nông nghiệp Phước Trung, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A cũng đã và đang đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa với các thành viên, trong đó chú trọng đến việc sản xuất lúa theo hướng an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời không ngừng liên kết hợp tác với bà con bên ngoài để gia tăng diện tích sản xuất nhằm tạo ra sản lượng hàng hóa đủ lớn cho nhu cầu doanh nghiệp.

Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, phấn khởi cho hay: “Vào đầu năm nay, bà con HTX vui mừng khi được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 100ha (sản lượng dự kiến cung ứng cho thị trường khoảng 2.250 tấn/năm) tại ấp Trường Thọ A và Trường Phước A thuộc xã Trường Long Tây. Từ khi bà con có giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP thì HTX luôn gặp thuận lợi trong quá trình tìm đối tác, đồng thời nâng cao giá trị hạt lúa, từ đó tăng thu nhập cho bà con. Ngoài diện tích lúa đạt chuẩn VietGAP thì HTX Phước Trung còn liên kết sản xuất khoảng 300ha lúa hàng hóa để cung ứng cho thị trường; đặc biệt, trong quá trình sản xuất, bà con đã áp dụng mạnh mẽ việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nhất là sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả canh tác trên cùng diện tích”.

Không chỉ được chuyển giao mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật mà nhiều HTX trên địa bàn huyện Châu Thành A còn được hỗ trợ cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh được hiệu quả hơn. Điển hình như tại HTX Phước Lộc, ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A, từ nguồn vốn của Dự án VnSAT, ngành chức năng huyện Châu Thành A đã tạo điều kiện để đầu tư cho HTX 4 lò sấy lúa (công suất sấy một ngày 100 tấn lúa), một nhà kho (sức chứa gần 2.000 tấn lúa khô) và cùng nhiều trang thiết bị máy móc khác để phục vụ sản xuất.

Nhiều thành viên của HTX Phước Lộc cho biết, từ khi được đầu tư lò sấy lúa và nhà kho đến nay thì việc buôn bán lúa của thành viên HTX cũng như bà con bên ngoài đỡ phần áp lực. Bởi trước đây, khi thu hoạch lúa xong thì nông dân thường phải bán lúa tươi ngay tại ruộng nên đôi khi bị “cò lúa” ép giá. Còn bây giờ, nếu không phải giá thì nông dân sẽ sấy lúa khô rồi đem trữ vào kho chờ giá hợp lý mới bán.

Theo đánh giá của ngành chức năng có liên quan của huyện Châu Thành A, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Huyện ủy và UBND huyện, cùng công tác phối hợp chặt chẽ giữa các phòng chuyên môn huyện, cũng như sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân nên mô hình kinh tế tập thể của huyện ngày càng phát triển và hoạt động có hiệu quả. Cụ thể đến thời điểm này, toàn huyện có 76 THT và 21 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó số lượng thành viên của THT là 1.316 người, còn thành viên của HTX là 1.207 người.

Chia sẻ tại buổi thăm HTX Phước Lộc, ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A vào tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả nổi bật mà mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang mang lại cho bà con xã viên, cũng như những hộ dân liên kết bên ngoài. Trong đó, đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và khoa học kỹ thuật, nhất là nhân rộng những mô hình hoạt động, kinh doanh có hiệu quả để mô hình kinh tế tập thể của huyện Châu Thành A nói riêng và của tỉnh nói chung ngày càng phát triển. Đặc biệt là đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ số để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại theo lợi thế của địa phương…

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/hieu-qua-mo-hinh-kinh-te-tap-the-115544.html