Lãnh đạo TP Tuy Hòa đối thoại trực tiếp với các HTX, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: MINH DUYÊN |
Cùng lắng nghe
Năm 2024, các địa phương như TP Tuy Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Tuy An… lần lượt tổ chức các buổi đối thoại với các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh. Ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết: Đây là dịp để chính quyền và các đơn vị trao đổi, tìm ra cách giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn huyện.
Còn ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Tại buổi đối thoại gần đây nhất, HTX nêu khó khăn về trụ sở làm việc, xây dựng công trình ảnh hưởng sản xuất, hỗ trợ hạ tầng chế biến… Nếu có thể giải quyết trực tiếp, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan triển khai. Với những vấn đề cần sự phối hợp, thành phố ghi nhận và làm việc với các cơ quan liên quan, sau đó trả lời bằng văn bản.
Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức đối thoại, tọa đàm với chủ đề “Sản xuất nông nghiệp bền vững theo liên kết chuỗi giá trị” cho nông dân, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, buổi đối thoại có đại diện chính quyền các cấp, các cơ quan có trách nhiệm và các đối tượng liên quan. Vì vậy, các cá nhân, doanh nghiệp, HTX gặp khó ở đâu sẽ được ghi nhận và tháo gỡ ở đó. Đồng thời qua đây nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vướng mắc của các cá nhân, tổ chức trong quá trình liên kết hình thành chuỗi giá trị để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng đơn vị, địa phương.
Theo Sở KH&ĐT, nhiều năm qua, tại các buổi đối thoại, các HTX bày tỏ những vướng mắc liên quan đến thuế, đất đai, các chính sách hỗ trợ... Trong đó có 2 vấn đề liên quan đến quyền lợi của HTX như hỗ trợ các HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 167 ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ; nhu cầu được đầu tư kết cấu hạ tầng chế biến sản phẩm phục vụ sản xuất kinh doanh từ Quyết định 1804 của Thủ tướng Chính phủ.
Từng bước gỡ khó
Theo ông Đặng Kim Ba, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, 2 vướng mắc này tồn tại hơn 3 năm nay bởi còn vướng trong hoàn tất thủ tục giải ngân vốn. Sau khi giải quyết được, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt với kinh phí gần 33 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Hiện nguồn vốn này đã giải ngân cho các địa phương và các địa phương bắt đầu giải ngân cho các HTX để triển khai các hạng mục theo quy định.
Năm 2023, HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội (huyện Phú Hòa) mong muốn được hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi giá trị trên cây ớt chỉ thiên tại buổi tọa đàm do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức. Đến nay, được sự đồng hành của chính quyền các cấp, HTX đã xây dựng được mã vùng trồng cho nông sản này, đang tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP và mở rộng diện tích sản xuất nhằm đảm bảo nguyên liệu cho chế biến sản phẩm tương ớt Hòa Hội.
Ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX này chia sẻ: Sau buổi tọa đàm, HTX được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện HTX được hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến sản phẩm từ trái ớt với diện tích khoảng 400m2. Đồng thời, sau khi có nhà xưởng, HTX còn được hỗ trợ máy móc phục vụ chế biến.
Theo Liên minh HTX tỉnh, nhiều năm trước vào dịp cuối năm, đơn vị thường tổ chức các buổi gặp mặt giữa các thành viên Ban Chấp hành Liên minh HTX tỉnh và các HTX. Tại đây, các HTX trực tiếp bày tỏ khó khăn, vướng mắc cho đại diện các sở, ban ngành và các cơ quan này có trách nhiệm trả lời ngay tại hội nghị. Thời gian gần đây, các địa phương trực tiếp tổ chức đối thoại giữa chính quyền với các thành phần kinh tế, trong đó có HTX, từ đó vấn đề được giải quyết cũng rộng hơn, chi tiết hơn. So với việc giải quyết theo quy trình hành chính thì các cuộc đối thoại mang lại hiệu quả cao hơn, giúp các HTX tiếp cận gần hơn với chính quyền.
Sau buổi tọa đàm, HTX được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện HTX được hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến sản phẩm từ trái ớt với diện tích khoảng 400m2. Đồng thời, sau khi có nhà xưởng, HTX còn được hỗ trợ máy móc phục vụ chế biến. Ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội (huyện Phú Hòa) |
MINH DUYÊN