|
  • :
  • :

Hiệu quả từ mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất

Để phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa theo hướng bền vững, huyện Long Mỹ rất chú trọng đến mối liên kết “4 nhà” nhằm góp phần ổn định cung - cầu thị trường. Trong đó, các hợp tác xã (HTX) là một trong những mắc xích giữ vai trò kết nối quan trọng.

Chuỗi liên kết theo mô hình Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nông dân được triển khai trên địa bàn huyện Long Mỹ góp phần ổn định cung - cầu thị trường.

Trên địa bàn huyện Long Mỹ, chuỗi liên kết theo mô hình Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nông dân được triển khai phổ biến ở các địa phương. Các dự án liên kết chuỗi phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia liên kết của nhiều doanh nghiệp và HTX đã từng bước cải thiện được hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng trong sản xuất, sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Anh Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thuận Lợi, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cho biết: HTX luôn được Nhà nước và địa phương tạo điều kiện về các chính sách như hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất cho thành viên. Để bảo đảm sản xuất, HTX cũng đã kết nối chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng các đơn vị có liên quan để được hướng dẫn và hỗ trợ áp dụng các kỹ thuật tưới tiêu, sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh hợp lý. Ngoài ra, HTX cũng liên kết với các công ty, doanh nghiệp để bao tiêu lúa cho thành viên, đảm bảo đầu ra.

Từ khi thành lập đến nay, HTX Nông nghiệp Thuận Lợi luôn quan tâm phát triển vùng sản xuất lúa của các thành viên, đồng thời tăng cường liên kết với hộ dân bên ngoài để mở rộng quy mô canh tác và tạo ra sản lượng lúa hàng hóa đủ lớn nhằm cung ứng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đến nay, HTX có 122 thành viên, với tổng diện tích canh tác lúa là 490ha. Ngoài ra, HTX còn làm nhiều dịch vụ khác như: bơm nước, cung ứng lúa giống và phân bón với giá tốt nhất cho thành viên, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, thực hiện dịch vụ cày, xới đầu vụ…

Được biết, HTX Nông nghiệp Thuận Lợi là HTX được tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) của tỉnh và là 1 trong 4 HTX của huyện được chọn tham gia Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Tham gia Dự án VnSAT, các thành viên HTX đã được đào tạo nhiều lớp tập huấn về quy trình sản xuất lúa theo kỹ thuật tiên tiến “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Qua đó, đã nâng cao trình độ canh tác lúa, giúp hạ giá thành, nâng cao chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế.

Xác định phát triển kinh tế tập thể, HTX là điều kiện và cầu nối quan trọng để thúc đẩy liên kết “4 nhà”, từ đó hình thành, phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, huyện Long Mỹ thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ phát triển các HTX, tổ hợp tác và các trang trại, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các HTX tham gia các dự án sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi giá trị.

Ông Trần Văn Lức, viên chức Bảo vệ thực vật xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cho biết: Kinh nghiệm để kết nối hiệu quả giữa HTX, doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học ở xã chính là ngay từ việc tổ chức hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho thành viên HTX, người dân đều phải được triển khai một cách bài bản để có chất lượng nông sản vượt trội..., từ đó làm tiền đề liên kết với doanh nghiệp và thúc đẩy các chính sách nông nghiệp của Nhà nước và huyện đi vào thực tiễn.

Ở chiều ngược lại, các HTX, tổ hợp tác cũng tích cực vận động các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp phân phối. Các HTX cũng chủ động đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh với các sở, ngành và doanh nghiệp để giúp người dân, thành viên nâng cao năng suất, bảo đảm lợi nhuận. Anh Huỳnh Duy Khẩn, thành viên HTX Nông nghiệp Thuận Lợi, cho biết: “Để thu hút ngày càng đông thành viên vào HTX thì phải làm cho người dân thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia vào HTX. Điển hình là bản thân tôi, trước đây khi chưa tham gia, chi phí bơm tưới, phân thuốc cho mỗi vụ lúa thường là khoảng 2,2 triệu đồng/công. Bây giờ tham gia HTX, chi phí giảm còn khoảng 1,7 triệu đồng/công. Ngoài ra, khi vào HTX, chúng tôi còn được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa để giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận; đồng thời được HTX liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với giá cả tốt hơn so với bên ngoài và được bao tiêu đầu ra sản phẩm”.

Thực tế cho thấy, các chuỗi liên kết “4 nhà” không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế từ 18-20%, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân. Mặt khác, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc sử dụng các mặt hàng nông sản có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn chất lượng…

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-moi-lien-ket-4-nha-trong-san-xuat-135124.html