Tham gia đoàn công tác có TS. Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội, TS Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực, TS Nguyễn Tất Thắng – Tổng thư ký, ông Đoàn Trọng Lý – Trưởng ban Ban Kinh tế, Tài chính và Thị trường, ông Nguyễn Đình Mạnh – Trưởng ban Tư vấn, phản biện chính sách.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Hội Chăn nuôi Việt Nam có ông Nguyễn Văn Tịnh – Nguyên uỷ viên Thường vụ Hội Chăn nuôi Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y Hải Dương, cùng các ông Phạm Văn Định – Quyền Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Quynh – Phó chủ tịch thường trực, ông Nguyễn Văn Cần – Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Ngọc Thái – Chủ nhiệm Ban chuyển giao KHCN, ông Vũ Văn Hoạt – Uỷ viên Ban Thường vụ Hội, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y, ông Lê Văn Tùng – Chánh Văn phòng Hội.
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Hội Chăn nuôi và Thú y Hải Dương, Hội được sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều của UBND tỉnh, đặc biệt sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Hải Dương. Điểm nhấn trong hoạt động thời gian qua đó là Hội đã được UBND tỉnh tạo điều kiện để Hội có trụ sở Văn phòng (khoảng trên 20m² đặt tại 15A- Hưng Quang- Phường Quang Trung – TP Hải Dương); đây là khu liên cơ của các Hội, Hiệp hội thuộc tỉnh Hải Dương nên có nhiều hoạt động chung, tác động tích cực cho các hoạt động liên quan, gắn kết, trao đổi, học hỏi kinh nghiện.
Hội Hội Chăn nuôi Thú y Hải Dương phối hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y Hải Dương tổ chức tập huấn cho cán bộ và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh
Về chuyên môn, Hội là một trong những Hội mạnh, luôn đi đầu trong việc tập huấn, đào tạo, chuyển giao tiến bộ KHKT, đặc biệt việc phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi những năm qua trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Hội đã cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương mở hàng trăm lớp tập huấn chuyên môn đến các cơ sở; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống các bệnh truyền nhiễm cho người chăn nuôi, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về kỹ năng chủ động phòng bệnh, làm tốt truyền đạt kinh nghiệm cho hệ thống cán bộ thú y xã phường, thị trấn.
Về chức năng tư vấn, phản biện xã hội những năm qua, Hội đã cùng các sở ngành liên quan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tư vấn để UBND tập trung chỉ đạo việc xây dựng các chính sách phát triển chăn nuôi, nhất là chính sách về hỗ trợ giống, cải thiện môi trường, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Tham mưu Sở NN&PTNT ban hành văn bản gửi UBND huyện, thành phố, thị xã đề xuất quy định khu vực không được phép chăn nuôi (văn bản số 701/SNN-CNTY ngày 26/4/2023) lấy ý kiến của các địa phương để làm cơ sở xây dựng Dự thảo Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành, nội thị và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo quy định của Luật Chăn nuôi.
Đồng thời tư vấn, tham mưu để tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045” trên địa bàn tỉnh góp phẩn thúc đẩy chăn nuôi của tỉnh có bước phát triển hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó Hội cũng đã làm tốt khâu hướng dẫn truyền kinh nghiệm cho các thế hệ cán bộ chuyên môn, để đảm bảo thường xuyên thực hiện tốt hoạt động tiêm phòng, khám chữa bệnh tại cơ sở, chủ động phát hiện nhanh ổ dịch nhỏ lẻ, không để lây lan dịch bệnh.
Những năm qua, đàn gia súc gia cầm của tỉnh phát triển khá ổn định, không để dịch lớn xảy ra. Tổng đàn trâu, bò hiện có 20.040 con; đàn lợn 426.750 con; đàn gia cầm 16 triệu con tăng 3,15% cùng kỳ năm trước. Hội đã cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các huyện, thị xã triển khai thực hiện đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là những nội dung quan trọng để Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, Hôi Chăn nuôi và Thú y Hải Dương cũng đang gặp không ít khó khăn, tồn tại, thách thức. Đó là các hoạt động của Hội chưa thực sự thu hút được các tổ chức cá nhân tham gia vào các hoạt động của Hội, nhất là việc thu hút các doanh nghiệp, trang trại, HTX chăn nuôi; chức năng tư vấn phản biện chính sách xã hội còn hạn chế, chưa tham mưu được nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội còn nhiều khó khăn, không thu được Hội phí của các thành viên (kể cả thành viên là tập thể, cá nhân) mặc dù số lượng các thành viên tham gia Hội là khá lớn. Các hoạt động chuyên môn với các đơn vị thành viên có nơi, có lúc chưa đồng bộ, phối hợp chưa nhịp nhàng nên hiệu quả hoạt động chưa cao như mong muốn.
Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Hải Dương tổ chức hội thảo về liên kết chuỗi trong chăn nuôi
Tại cuộc họp, hai bên trao đổi thảo luận sôi nổi, cởi mở với nhiều ý kiến đóng góp xây dựng. Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch TS Nguyễn Xuân Dương đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh vai trò của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, đặc biệt của người đứng đầu, đó là Nguyên Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Tịnh rất tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm để giúp cho các hoạt động của Hội có bước phát triển tích cực. Hội đã có trụ sở để làm việc, các hoạt động chuyên môn khá phong phú, công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan rất tốt để từ đó tạo uy tín, khẳng định chỗ đứng với tỉnh Hải Dương; đưa Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương thuộc tốp đầu trong số các tỉnh Hội của Hội Chăn nuôi Việt Nam trên cả nước.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Dương cũng đồng tình, chia sẻ những khó khăn, thách thức của Hội Chăn nuôi và Thú y Hải Dương trong thời gian tới, đây cũng là khó khăn chung của các Hội, hiệp hội trên địa bàn cả nước. Về định hướng hoạt động thời gian tới, TS Nguyễn Xuân Dương đề nghị Hội tiếp tục:
(1) Củng cố tổ chức, kiện toàn Ban Thường vụ, làm tốt hơn công tác phối hợp các sở ngành liên quan để thực hiện chức năng tư vấn phản biện xã hội, nhất là việc tư vấn các chính sách dành quỹ đất cho chăn nuôi, hỗ trợ phát triển giống, xử lý môi trường trong chăn nuôi, hoạt động giết mổ tập trung đẻ đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.
(2) Làm tốt hơn công tác tuyên truyền để thu hút các thành viên tham gia vào Hội, thực hiện việc thu Hội phí để đảm bảo các hoạt động thường xuyên của Hội.
(3) Là cầu nối để giúp các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại tham gia các hoạt động về chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, chăn nuôi hữu cơ, phát triển chăn nuôi gắn với môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
(4) Làm tốt hơn việc truyền lửa cho các thế hệ trẻ thêm yêu nghề, có nhiều đóng góp cho ngành chăn nuôi trong xu thế hội nhập thế giới.
(5) Tiếp tục rà soát các hoạt động chuyên môn, đánh giá sâu cái được, chưa được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đến nay, để chuẩn bị cho nhiệm kỳ Đại hội tới (dự kiến đầu 2025) cả về tổ chức hoạt động chuyên môn, để đưa Hội Chăn nuôi và Thú y Hải Dương tiếp tục có bước phát triển hiệu quả.
Thay mặt Hội Chăn nuôi và Thú y Hải Dương, Quyền Chủ tịch Hội Phạm Văn Định cùng Ban Thường vụ đã tiếp thu toàn bộ ý kiến của lãnh đạo Hội chăn nuôi Việt Nam; ban chấp hành Hội triển khai thực hiện tốt các nội dung trên trong thời gian tới. Buổi làm việc diễn ra trong không khí sôi nổi, cởi mở, các ý kiến đầy tâm huyết và trách nhiệm. Chắc chắn sau buổi làm việc Hội Chăn nuôi và Thú y Hải Dương sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực hoạt động ./.
Thời gian tới, Hội Chăn nuôi Việt Nam sẽ tiếp tục chuỗi hoạt động đi thăm, làm việc với các Hội tỉnh, thành trong cả nước để nắm bắt các hoạt động chung; đồng thời, tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội tỉnh, thành (dự kiến cuối tháng 9/2023), tạo điều kiện tốt nhất để các Hội chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động. |