Ngoài các mối đe dọa dịch bệnh địa phương thông thường tới hoạt động chăn nuôi, rất nhiều bệnh ngoại lai trên động vật đã được phát hiện ở cấp độ toàn cầu. Hiện có rất ít bằng chứng cho thấy rằng thức ăn chăn nuôi thường có liên quan đến sự lây truyền các bệnh ngoại lai sang Hoa Kỳ, nhưng việc phòng ngừa sự xâm nhập và lây truyền các bệnh này nên được coi là mục tiêu cho bất kỳ chương trình an toàn sinh học nào (FAO, 2010, Cục Kiểm dịch Động thực vật (APHIS) Bệnh ở động vật, 2018).
Ngày nay, do sự phát triển ngày càng gia tăng của hoạt động vận chuyển toàn cầu và thương mại quốc tế cho ngành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, các vấn đề an toàn sinh học và sự lây lan của các bệnh trên động vật, đặc biệt là các bệnh ngoại lai, là mối quan tâm lớn trong lĩnh vực nông nghiệp chăn nuôi. Các chương trình an toàn sinh học đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu khả năng mầm bệnh xâm nhập vào chuỗi thức ăn chăn nuôi.
Để kế hoạch an toàn sinh học đạt hiệu quả tốt, các cơ sở sản xuất phải kiểm soát sự lây lan các bệnh trên động vật thông qua thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Các bước quan trọng gồm:
- Xác định các mối nguy gây ra dịch bệnh ở động vật có thể thấy trước một cách hợp lý;
- Đánh giá các rủi ro của các mối nguy tiềm ẩn này và lập kế hoạch an toàn sinh học theo quy trình đánh giá rủi ro được nêu rõ bên dưới;
- Phổ biến kế hoạch an toàn sinh học tới nhân sự tại cơ sở sản xuất, bao gồm khuyến khích sự cam kết của quản lý cũng như giáo dục và đào tạo nhân sự để triển khai kế hoạch; và
- Xác minh việc triển khai kế hoạch thông qua các hành động khắc phục hiệu quả đối với các sai lệch để đảm bảo mức độ an toàn sinh học mong muốn.
Xác định mối nguy và đánh giá rủi ro
Mỗi cơ sở sản xuất là khác nhau và một kế hoạch an toàn sinh học để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh ở động vật phải được lập cụ thể cho từng địa điểm. Cần phải thành lập một nhóm giám sát để đảm bảo các thủ tục và quy trình thích hợp được triển khai theo kế hoạch. Nhóm giám sát này có trách nhiệm sau:
- Xác định các khu vực có mối nguy lây lan dịch bệnh ở động vật có thể thấy trước một cách hợp lý;
- Lập kế hoạch an toàn sinh học cụ thể cho từng địa điểm để phòng ngừa dịch bệnh động vật;
- Nâng cao nhận thức về an toàn sinh học và đảm bảo tuân thủ các chính sách;
- Đảm bảo duy trì và hoàn thành chương trình đào tạo thích hợp; và
- Thông báo cho ban quản lý về các rủi ro dịch bệnh động vật tiềm ẩn và cập nhật kế hoạch nâng cao nhận thức về an toàn sinh học khi cần thiết.
Các quy trình sản xuất: Nhiễm bẩn thức ăn chăn nuôi bởi một tác nhân gây bệnh nào đó có thể xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau trong suốt quá trình sản xuất, bao gồm thông qua việc sử dụng các nguyên liệu bị nhiễm bẩn, trong quá trình tiếp nhận tại địa điểm sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhiễm bẩn chéo trong cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, và qua các phương tiện giao hàng (cả thời điểm nhận hàng và chuyển hàng đi) cũng như nhân sự giao hàng. Cần phải xác định, đánh giá và ưu tiên giải quyết các mối nguy tiềm ẩn. Cần phải thực hiện các bước giảm thiểu rủi ro thích hợp. Khi được tuân thủ tốt, một kế hoạch đảm bảo an toàn thức ăn chăn nuôi được xây dựng hiệu quả và được duy trì sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro dịch bệnh và tăng cường an toàn sinh học.
Hình 1 dưới đây biểu diễn mô hình tổng quan về các nguồn tiềm ẩn gây nhiễm bệnh trên động vật trong các quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Sơ đồ quy trình này được phân chia thành các bước trước sản xuất, trong sản xuất và sau sản xuất.
Nguồn dẫn đến các mối nguy tiềm ẩn được liệt kê trong mỗi bước chế biến. Trước sản xuất, cần đánh giá khả năng phơi nhiễm của nguyên liệu thô với mầm bệnh ở động vật. Điều này bao gồm khả năng phơi nhiễm mầm bệnh, hoặc nhiễm bệnh ở động vật trong các quá trình thu hoạch, chế biến tiếp theo, vận chuyển và bảo quản nguyên liệu. Các chương trình xác minh nhà cung cấp nên được kết hợp vào quy trình phân tích mối nguy để đảm bảo với nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi rằng nhà cung cấp đã có các quy trình để ngăn ngừa lây nhiễm mầm bệnh từ các nguyên liệu đã mua. Một chương trình xác minh hiệu quả của nhà cung cấp sẽ giúp giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh ở động vật xâm nhập vào quá trình sản xuất. Sau sản xuất, rủi ro tiếp xúc với mầm bệnh chủ yếu phát sinh từ viêc nhiễm bẩn trên thiết bị vận chuyển, phương tiện, trang thiết bị bảo quản và nhân sự. Nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể kiểm soát được các quá trình này hoặc không (ví dụ như khi khách hàng tới nhận hàng hoặc bên thứ ba giao hàng thức ăn chăn nuôi).
Nhiễm bẩn thức ăn chăn nuôi: Có nhiều con đường lây truyền mầm bệnh, và các đường lây truyền có thể khác nhau tùy theo từng bệnh cụ thể. Những đường lây truyền này bao gồm:
- Lây truyền qua môi trường không khí;
- Phân gia súc và chất độn chuồng.
- Tiếp xúc trực tiếp giữa động vật với động vật;
- Tinh dịch của động vật;
- Tiếp xúc với con người, bao gồm giày ủng bẩn, quần áo hoặc tay bẩn; các bệnh lây truyền từ động vật (các bệnh lây truyền giữa động vật và con người) cũng có thể được đưa vào nhóm này;
- Phương tiện vận chuyển và các đồ vật truyền bệnh;
- Các loài vật trung gian, bao gồm loài gặm nhấm, động vật hoang dã và côn trùng; và
- Thức ăn chăn nuôi, bao gồm nước.
Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi chịu trách nhiệm về an toàn sinh học của chuỗi thức ăn chăn nuôi, bao gồm khâu lựa chọn, tiếp nhận và chế biến các nguyên liệu thành thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cho đến khâu phân phối thức ăn chăn nuôi cuối cùng hoặc cho đến khi đơn vị chăn nuôi sở hữu thức ăn chăn nuôi.
Kế hoạch an toàn sinh học phải dựa trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên, kế hoạch này phải đủ linh hoạt để cho phép thực hiện một số điều chỉnh theo hoàn cảnh thực tế của cơ sở sản xuất. Ví dụ, có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ bổ sung ngay sau khi ghi nhận một bệnh động vật ngoại lai mới trước khi các biện pháp bảo vệ bổ sung được nghiên cứu và xác nhận. Khi thông tin bổ sung được thu thập, cần phải cập nhật kế hoạch an toàn sinh học với các hành động hoặc quy trình hiệu quả hơn.
Quy trình lập một kế hoạch an toàn sinh học bắt đầu từ việc đánh giá các rủi ro về an toàn sinh học. Bước đầu tiên sẽ là xác định và ưu tiên các tác nhân gây bệnh đáng lo ngại nhất đối với cơ sở sản xuất. Sau khi xác định được các tác nhân gây bệnh đáng quan tâm đối với cơ sở sản xuất, nhân sự thích hợp cần phải hiểu rõ cơ chế gây bệnh, sinh thái học và dịch tễ học của các tác nhân gây bệnh, đặc biệt chú ý đến các yếu tố như đường lây truyền, các loài và nhóm tuổi dễ bị ảnh hưởng cũng như các yếu tố môi trường có lợi cho việc lây truyền bệnh. Bước tiếp theo là tiến hành đánh giá cơ sở sản xuất để hiểu xem các đặc điểm của cơ sở sản xuất, chẳng hạn như cách bố trí thiết kế, tuyến lưu thông, đặc điểm địa lý và nhân viên, có thể làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh như thế nào.
Ngoài ra, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y địa phương hoặc phòng thí nghiệm chẩn đoán thú y tại khu vực để giúp xác định các mầm bệnh tiềm ẩn từ thức ăn chăn nuôi.
Biện pháp thực hành an toàn sinh học được khuyến nghị
Có thể kiểm soát nguy cơ tiềm ẩn của việc tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh thông qua việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để giảm nguy cơ lây truyền và xâm nhập dịch bệnh. Có thể lập một kế hoạch an toàn sinh học hiệu quả chống lại nhiều tác nhân gây bệnh khi đã hiểu rõ các đường lây truyền bệnh và xác định được các biện pháp an toàn sinh học đối với các đường lây truyền cụ thể đó.
Các bước thực hành sau đây ở các giai đoạn khác nhau trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể được thực hiện trong một kế hoạch an toàn sinh học để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh ở động vật.
Xác minh nhà cung cấp: Mục đích của việc xác minh nhà cung cấp là để đảm bảo rằng nhà cung cấp có một chương trình thích hợp để kiểm soát nhiễm bẩn với nguyên liệu mà họ đang cung cấp. Nếu nhà cung cấp không có chương trình an toàn sinh học thích hợp, thì nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi có trách nhiệm triển khai một chương trình kiểm tra đầy đủ hoặc các quy trình thủ tục giảm thiểu rủi ro tại địa điểm của nhà cung cấp như một phần của quy trình sản xuất của họ, nếu nhà sản xuất sử dụng nhà cung cấp đó. Các bước mà nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần thực hiện để đảm bảo kiểm soát rủi ro từ các nguyên liệu đầu vào hoặc nguyên liệu thô bao gồm:
- Xác định rủi ro tiềm ẩn liên quan đến từng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ví dụ: L-lysine được mua trực tiếp từ nhà sản xuất có thể có nguy cơ nhiễm mầm bệnh thấp hơn so với sản phẩm phân tách lúa mì được mua từ một nhà môi giới thu mua nguyên liệu này từ một nhà sản xuất không xác định ở một quốc gia khác.
- Tùy thuộc vào rủi ro tương đối của nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nên triển khai một chương trình xác minh nhà cung cấp thích hợp và nên mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp đã được phê duyệt.
- Cần triển khai một chương trình kiểm tra và giảm thiểu rủi ro nếu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được thu mua từ một nhà cung cấp không thực hiện một chương trình an toàn sinh học thích hợp.
- Duy trì các yêu cầu về thông số kỹ thuật đối với thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bao gồm các yêu cầu về an toàn sinh học; và đảm bảo rằng các nhà cung cấp hiểu rõ các thông số kỹ thuật dành cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng như các yêu cầu về an toàn sinh học.
- Xây dựng một chương trình xác minh để đảm bảo rằng các nhà cung cấp duy trì các chương trình an toàn sinh học thích hợp, có thể bao gồm: khảo sát hiện trường cơ sở của nhà cung cấp, xem xét các chương trình đảm bảo chất lượng của nhà cung cấp và/hoặc các thủ tục để kiểm soát các mối nguy tiềm ẩn (bao gồm khả năng lây lan dịch bệnh ở động vật); và có thể dựa trên các chứng nhận từ bên thứ ba để đánh giá, chẳng hạn như chương trình chứng nhận Thức ăn chăn nuôi an toàn/Thực phẩm an toàn.