|
  • :
  • :

Hướng dòng tiền thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, căn cứ mục tiêu của tỉnh năm 2025 là tập trung phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực nhằm phấn đấu tổng GRDP tăng 10% so với năm 2024, NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đề ra nhiệm vụ cụ thể của ngành, góp phần hỗ trợ địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra.

Ngành ngân hàng thực hiện tốt các giải pháp giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Ngành ngân hàng thực hiện tốt các giải pháp giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, căn cứ mục tiêu của tỉnh năm 2025 là tập trung phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực nhằm phấn đấu tổng GRDP tăng 10% so với năm 2024, NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đề ra nhiệm vụ cụ thể của ngành, góp phần hỗ trợ địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra. 


Giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh 


Theo NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, phục hồi chậm; tình hình thiên tai, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông… tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sản xuất, đời sống người dân và sự hấp thụ vốn tín dụng (TD). Ngành ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp để giảm lãi suất cho vay, lãi suất cho vay bình quân giảm 1,44 %/năm so với cuối năm 2023, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận TD và giảm chi phí sản xuất kinh doanh. 


Trong năm, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, các tổ chức TD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay… Tuy mặt bằng lãi suất huy động tăng, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động toàn tỉnh đạt thấp nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. 


Đến tháng 12/2024, lãi suất huy động bằng VNĐ tăng từ 0,2-0,5 %/năm tùy kỳ hạn gửi. Nhưng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm, bình quân phát sinh cho vay mới khoảng 0,4 %/năm so với đầu năm 2024, tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ hiện hữu nên lãi suất cho vay bình quân chung toàn tỉnh đến tháng 11/2024 là 8,53 %/năm, giảm 1,44 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Số dư nguồn vốn huy động đạt 54.811 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước. Dư nợ cho vay đạt 55.258 tỷ đồng, tăng 11,49% so với năm trước. 

  Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
  Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Ảnh: TRẦN PHƯỚC


Trong khi đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được các ngân hàng triển khai kịp thời, nhất là thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn.

Cụ thể, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và Thông tư số 06/2024/TT-NHNN, đã có 111 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổng dư nợ được cơ cấu là 238 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là 224 tỷ đồng, nợ lãi là 14 tỷ đồng). Bên cạnh, triển khai gói TD 60.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL; các chương trình cho vay các đối tượng chính sách… 


Các tổ chức TD tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản quy trình, thủ tục, áp dụng các giải pháp công nghệ để rút ngắn thời gian thẩm định cho vay; xem xét miễn giảm các loại phí, triển khai các gói TD ưu đãi, các chương trình giảm lãi suất từng đợt theo quy định của hội sở, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với những khoản nợ cũ...

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng phối hợp các sở, ngành gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn; triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Ngoài ra, các tổ chức TD đã thực hiện hàng trăm cuộc gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp để giới thiệu các sản phẩm, gói TD, các chính sách của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay...


Hướng dòng tiền hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội 


Cùng với kết quả đạt được tích cực, hoạt động ngành ngân hàng còn một số hạn chế, như tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay đạt thấp hơn kế hoạch. Nợ xấu tăng so với năm 2023. Trong khi gói TD 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, đến nay trên địa bàn chưa phát sinh do không có dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện. Dư nợ cho vay một số đối tượng, lĩnh vực còn hạn chế như nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, cho vay liên kết, kinh tế tập thể… 

Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đem lại tiện ích, an toàn và trải nghiệm cho khách hàng. Ảnh: THẢO LY
Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đem lại tiện ích, an toàn và trải nghiệm cho khách hàng. Ảnh: THẢO LY


Qua phân tích và làm rõ nguyên nhân của các hạn chế, NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 nhằm thực hiện tốt chính sách tiền tệ trên địa bàn đạt các chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Khuyến khích giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp TD, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. 


Bên cạnh ưu tiên TD vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh… Ngành ngân hàng quan tâm gắn với nâng cao chất lượng TD đồng thời kiểm soát TD vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cho biết sẽ triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn TD ngân hàng, góp phần hạn chế “TD đen”. 

Ông Đặng Văn Chính- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh 
Năm 2024, đối mặt không ít khó khăn nhưng với sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp cũng như của cả hệ thống chính trị, kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát triển khá toàn diện. Đạt và vượt 21/21 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu. Đồng thời, gợi mở, định hướng một số mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2025, tỉnh phấn đấu GRDP tăng 10%, chú trọng giải ngân sớm nguồn vốn đầu tư công, ODA; cùng nhiều dự án, công trình trọng điểm tạo động lực tăng trưởng… Qua đó, ngành ngân hàng cần có giải pháp, định hướng mức tăng trưởng TD, cũng như chuyển dịch dòng vốn đầu tư, hoạt động TD vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm trong thời gian tới.

TRẦN PHƯỚC 

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/tin-moi/202501/huong-dong-tien-thuc-day-cac-muc-tieu-tang-truong-acf6814/
Tin liên quan
Chưa có thông tin