![]() |
Gió mùa Tây Nam mang đến nhiều mưa cung cấp nguồn nước tưới dồi dào cho sản xuất nông nghiệp, nông dân hưởng lợi. |
Gió mùa Tây Nam mang đến nhiều mưa
Theo báo cáo kết quả dự án “Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 24/2/2025, gió MTN (dân gian thường gọi là gió nồm) hoạt động trong thời kỳ đầu mùa hạ ở nước ta có nguồn gốc từ trung tâm áp cao ở Ấn Độ và Myanmar. Chúng hút không khí từ Bắc Ấn Độ Dương qua vịnh Bengal, thổi vào khu vực Đông Nam Á. Khi vượt qua vùng biển xích đạo này, khối khí này trở nên nóng ẩm hơn gây ra những đợt mưa lớn trong khu vực.
Hướng gió chính của gió MTN là gió hướng Tây, chiếm từ 40-50% số lần xuất hiện trong tháng, tốc độ gió trung bình tháng lớn nhất là 1,8 m/s, tốc độ gió tức thời lớn nhất 20-24 m/s. Do mang theo nhiều hơi nước, ẩm độ cao nên gió MTN mang đến nhiều mưa cho Nam Bộ, nhất là miền Tây (trong đó có Vĩnh Long).
Hàng năm, mùa mưa ở Vĩnh Long kéo dài 7 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 5 đến hết tháng 11, trùng với thời kỳ gió MTN. Tổng lượng mưa trung bình năm của tỉnh là 1.513mm thì lượng mưa trong mùa mưa chiếm đến 93-96% (tức từ 1.400-1.450mm). Lượng mưa trong mùa mưa tăng dần từ tháng 5- 10 và sang tháng 11, số ngày mưa trong tháng mùa mưa vào khoảng 13-26 ngày. Lượng mưa cao nhất xuất hiện vào tháng 10 (267mm). Những năm có hiện tượng La Nina (pha lạnh) thì mưa gia tăng về lượng và diện ảnh hưởng.
Mùa mưa mang đặc tính chung của mùa mưa vùng ĐBSCL: chịu ảnh hưởng đồng thời gió MTN và áp thấp nhiệt đới, bão xảy ra ở Biển Đông. Vì vậy, trong mùa mưa thường có những trận mưa lớn kéo dài và dồn dập từ đợt này sang đợt khác vào các tháng đầu mùa mưa (tháng 5-6), thường có từ 1-2 trận mưa lớn (40-50 mm/ngày) làm cho lúa non, cây trồng cạn dễ bị chết do ngập úng. Đồng thời thường tạo ra lớp nước đệm đáng kể trong thời kỳ từ tháng 7-8 và làm tăng độ ngập sâu trong các tháng 9-10.
Lượng mưa trong tỉnh phân bố không đều theo không gian và thời gian. Các huyện nằm về phía sông Hậu (Trà Ôn, Tam Bình, TX Bình Minh, Bình Tân) có lượng mưa nhiều hơn nằm về phía sông Cổ Chiên (như Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, TP Vĩnh Long).
Cũng theo báo cáo của dự án trên, giai đoạn 1992-2008, lượng mưa ở tỉnh Vĩnh Long thấp hơn trung bình nhiều năm là 16mm; giai đoạn 2009-2023, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm là 18mm.
Tại trạm Vĩnh Long, lượng mưa trung bình năm trong giai đoạn 1992-2019 có xu hướng tăng lên với giá trị 1,2 mm/năm; lượng mưa năm cao nhất đạt 2.000mm (xuất hiện vào năm 2016) và lượng mưa thấp nhất 1.000mm (năm 2015), chênh lệch lượng mưa lớn nhất lên đến 1.000mm; xu thế lượng mưa trung bình năm ở giai đoạn 1992-2023 tăng 5,229 mm/năm, trong đó giai đoạn 1992-2008 tăng 16,876 mm/năm, giai đoạn 2009-2023 tăng 10,605 mm/năm; số ngày mưa ở giai đoạn 1992-2008 ít hơn trung bình nhiều năm là 6 ngày, ở giai đoạn 2009-2023 cao hơn trung bình nhiều năm là 6 ngày và số ngày mưa có xu thế tăng 0,8356 ngày/năm ở giai đoạn 1992-2023.
Gió MTN mang đến hơi ẩm và nhiều mưa, được xem là yếu tố làm mát và sạch môi trường không khí ở các khu vực đô thị và công nghiệp, mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe cộng đồng và cung cấp nguồn nước tưới dồi dào cho sản xuất nông nghiệp, nhưng kèm theo nó cũng lắm thiên tai, dịch bệnh xuất hiện.
Nhiều thiên tai, dịch bệnh xảy ra trong mùa mưa
Theo các chuyên gia, trong thời kỳ gió MTN hoạt động, các loại hình khí hậu, thời tiết, thiên tai “cực đoan” như mưa lớn, giông, lốc xoáy, sạt lở bờ sông, ngập lụt thường xảy ra hơn trong mùa gió chướng. Những hiện tượng này không chỉ gây thiệt hại lớn về kết cấu hạ tầng, nông nghiệp và tài sản của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, yếu tố bất lợi của gió MTN chính là gây gió mạnh và mưa nhiều hơn.
Ở tỉnh ta, nếu như gió mùa Đông Bắc có tốc độ gió tức thời lớn nhất là từ 18-20 m/s, thì gió MTN có tốc độ gió tức thời lớn nhất từ 20-24 m/s (tương đương từ 72-87 km/giờ). Với sức gió này, gió MTN kết hợp song hành với những cơn giông, lốc xoáy có thể gây hư hỏng nhiều công trình có tầm cao, nhà cửa yếu và cây trồng... Bên cạnh, gió MTN gây ra nhiều trận mưa lớn (từ 40-50 mm/ngày) nên thường gây ngập lụt trên diện rộng.
Số liệu thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong vòng 10 năm trở lại đây, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có từ 200-300 căn nhà bị tốc mái, sập cùng với hàng ngàn hecta cây trồng bị hư hỏng, ngập úng do mưa lớn, gió mạnh (thiệt hại về tài sản từ 60-70 tỷ đồng); xảy ra từ 120-130 điểm sạt lở làm mất 3.000-5.000m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… trên đó, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục đến hàng trăm ngôi nhà, thiệt hại về tài sản khoảng từ 10-40 tỷ đồng/năm… trong đó phần lớn đều xảy ra trong mùa mưa.
Mưa nhiều, đặc biệt là xuất hiện nhiều trận mưa lớn cùng thời điểm triều cường dâng cao gây ngập lụt nghiêm trọng tại các đô thị trong tỉnh như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, TT Cái Nhum... Thời gian này, đường phố bị ngập sâu, giao thông bị ách tắc, hoạt động kinh tế- xã hội bị đình trệ hoặc ảnh hưởng đáng kể.
Mưa nhiều, nước ngập kéo dài làm phát sinh nhiều dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hàng năm trong mùa mưa lũ thì tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản trong tỉnh tăng hơn mùa khô. Các bệnh thường xảy ra trên gia súc là bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả và lở mồm long móng; trên gia cầm là bệnh dịch tả, tụ huyết trùng; newcastle, CRD và cúm gia cầm chủng độc lực cao (H5N1), bệnh heo tai xanh...
Bên cạnh, thủy sản nuôi thường bị nhiễm các ký sinh trùng như: trùng bánh xe, trùng mỏ neo, trùng quả dưa, sán lá… gây ra bệnh trùng bánh xe, bệnh rận cá, đốm đỏ, bệnh thối mang mòn vây...
![]() |
Nhưng mưa lớn, gió mạnh gây ngập lụt, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động giao thông, kinh tế và gây hư hỏng nhiều công trình, cây trồng. |
Còn theo ngành y tế, trong mùa mưa, lũ, những thay đổi sinh thái thuận lợi cho sự sinh sản của vật chủ và trung gian truyền bệnh cũng khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn... dễ phát sinh, lây lan, đặc biệt là số các ca bệnh đường tiêu hóa gia tăng hơn so với mùa khô.
Gió MTN mang đến nhiều lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện môi trường không khí, nguồn nước, nhưng mỗi mùa mưa, lũ đến là cũng mỗi kỳ lo toan của nhiều người, nhất là lớp cư dân thành thị.
Hiện nay, thời tiết trong tỉnh đã bắt đầu vào mùa mưa mới, ngay từ bây giờ, mỗi người, mỗi cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị… cần lên kế hoạch để khai thác lợi thế từ gió MTN, từ mưa, lũ mang lại; đồng thời cần có phương án phòng, chống, ứng phó với những bất lợi do mưa lớn, gió mạnh, ngập lụt… gây ra để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại đến sản xuất và đời sống.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH