Dự lễ khởi công có các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu tham gia lễ khởi công dự án.
Cùng dự có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND thành phố Tam Điệp; các hiệp hội, doanh nghiệp chăn nuôi. Về phía Hàn Quốc có ông Huyn Jong Nae, Giám đốc Chương trình nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam.
Các đại biểu dự lễ khởi công.
Việt Nam là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới. Sản lượng thịt lợn dự kiến tăng lên 4 triệu tấn vào năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021-2030. Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, việc ứng dụng công nghệ cao, số hóa các hoạt động sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, độ an toàn cao, có sức cạnh tranh trên thị trường là một yêu cầu bức thiết.
Do đó, Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã phối hợp với Cục Đào tạo, Xúc tiến và Dịch vụ thông tin về lương thực, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Hàn Quốc (EPIS), Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc xây dựng và thực hiện Dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại: “Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại tỉnh Ninh Bình”.
Trong quá trình khảo sát, Dự án đã lựa chọn Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp làm địa điểm triển khai. Đây là cơ sở lưu giữ được các giống gốc và các dòng lợn có loại gen quý với nguồn nhân lực phát triển và có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, sở hữu hơn 20 ha với hạ tầng chăn nuôi tương đối hiện đại, có nhiều dư địa để phát triển về quy mô, diện tích cũng như tiến hành các nghiên cứu, thử nghiệm khoa học mới.
Thông qua Dự án, 2 bên sẽ phối hợp xây dựng mô hình trình diễn trang trại lợn thịt thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chuyển giao và áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt thông minh của Hàn Quốc, phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, thông qua các chuyên gia Hàn Quốc; nâng cao năng lực trong chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, lưu thông hàng hóa và quản lý dữ liệu hệ thống cho cán bộ và người nông dân tham gia Dự án. Bên cạnh đó, hệ thống sản xuất, cơ sở vật chất về bảo quản, giết mổ, đóng gói cũng được tăng cường.
Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2025. Vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc là 3.097.346 USD, tương đương hơn 73 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 326.275 USD, tương đương khoảng 7,7 tỷ đồng.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng phát biểu tại lễ khởi công.
Phát biểu chào mừng tại lễ khởi công, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng đã giới thiệu khái quát về đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế – xã hội của Ninh Bình. Trong đó nhấn mạnh: Với diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp không lớn, Ninh Bình xác định sẽ phải phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển các sản phẩm có tính đặc hữu, đặc sản, dành riêng phục vụ tiêu dùng nội tỉnh và khách du lịch.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn Bộ Nông nghiệp & PTNT, cá nhân Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thời gian qua đã luôn đồng hành, hỗ trợ Ninh Bình. Đồng thời cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc đã chọn Ninh Bình để triển khai Dự án này. Dự án được Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thể hiện mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, chiến lược, toàn diện 31 năm giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc vừa có chuyến thăm rất thành công tại Việt Nam vào cuối tháng 6 vừa qua.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ hy vọng, sau khi mô hình điểm hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ là điểm sáng, là mô hình trình diễn tiên tiến về chăn nuôi, hiện đại về giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, để các trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, học tập và ứng dụng phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín, đồng bộ, năng suất, hiệu quả cao, bền vững và bảo vệ môi trường; đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp và kinh tế-xã hội địa phương.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND thành phố Tam Điệp phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với đơn vị chủ trì Dự án để hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án.