Mô hình chăn nuôi vịt đẻ của gia đình chị Nguyễn Thị Nghĩa, thôn Phú Khánh, xã Liên Hòa mang lại hiệu quả kinh tế cao
Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng anh chị vất vả đi làm thuê nhưng vẫn không đủ ăn. Thương các con chịu cảnh thiếu thốn đủ bề, anh chị quyết chí phải thay đổi cuộc sống hiện tại, vươn lên thoát nghèo.
Thời gian đầu chưa có vốn và cần phải học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi nên vợ chồng chị Nghĩa xin đi làm thuê tại một trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn. Nhận thấy vợ chồng chị Nghĩa là người hiền lành, lại chịu khó, chủ trang trại tạo điều kiện cho vợ chồng anh chị ứng trước 2 năm tiền lương để lấy vốn kinh doanh.
Năm 2011, gia đình anh chị nuôi 500 con vịt đẻ. Sau hai năm phát triển đàn vịt tăng lên 2.000 con, do chưa có kinh nghiệm về phòng bệnh cho đàn vật nuôi, có thời điểm xảy ra dịch bệnh, chỉ trong vòng một tuần, gia đình đã thiệt hại hơn 1.000 con vịt.
Không nản chí, anh chị tiếp tục học hỏi qua sách vở và kinh nghiệm của những người đi trước về kỹ thuật chăn nuôi vịt đẻ. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật và ý thức vệ sinh phòng dịch cho đàn vật nuôi, trang trại của gia đình phát triển và duy trì từ 2.000 – 2.500 con vịt đẻ, nhiều năm không để xảy ra dịch bệnh.
Năm 2015, để bắt kịp với sức cạnh tranh của thị trường. Vợ chồng chị Nghĩa đã tìm hiểu quy trình ấp trứng công nghiệp và mạnh dạn đầu tư mua 2 lò ấp trứng công nghiệp với trị giá hơn 100 triệu đồng để sản xuất trứng vịt lộn.
Với đàn vịt 2.500 con sẽ cho đều đặn 1.800 quả trứng. Bình quân 1 tháng gia đình anh chị cung cấp cho thị trường 54.000 quả trứng, trong đó, có khoảng 45.000 quả trứng lộn. Với giá thành 3.700 đồng/quả trứng lộn và 2.700 đồng/quả trứng trắng, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh chị thu lãi gần 400 triệu đồng.
Chị Nghĩa cho biết: “Nuôi vịt đẻ đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật, chú ý từ khâu chọn giống đến chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh. Khi chọn được giống tốt sẽ cho sản lượng trứng cao.
Trong quá trình vịt đẻ, phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng; khẩu phần ăn của vịt được kết hợp giữa thức ăn cám công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn và phụ phẩm nông nghiệp, hơn hết là phải chú trọng công tác vệ sinh môi trường”.
Cùng với mô hình chăn nuôi vịt đẻ, gia đình anh chị còn tận dụng diện tích đất còn lại để nuôi 30 con dê thương phẩm và làm đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các hộ dân trong xã. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trong chăn nuôi, anh chị còn giúp đỡ bằng cách bán trả chậm thức ăn chăn nuôi cho bà con…
Nhờ biết cách tính toán hợp lý, cần cù lao động, đến nay, gia đình chị Nghĩa đã xây được nhà cửa khang trang, mua được xe ô tô tải, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá trong xã.
Bài, ảnh: Trường Khanh
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc