|
  • :
  • :

Kỳ 2: Lúa xanh Hồng Ngự đến Mộc Hóa

Mưa xối xả từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau mới dứt hạt, trời vừa hửng nắng, chú Ba Đức (ở ấp Trung, xã Thường Phước 2, Hồng Ngự, Đồng Tháp) đưa chúng tôi cùng ra đồng tham quan ruộng lúa, thăm bẫy lọp rắn… Cánh đồng rộng lớn ngút tầm nhìn, lúa hơn 30 ngày tuổi đã lên xanh rì, thoảng mùi lúa thơm dịu ngọt.

Mưa xối xả từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau mới dứt hạt, trời vừa hửng nắng, chú Ba Đức (ở ấp Trung, xã Thường Phước 2, Hồng Ngự, Đồng Tháp) đưa chúng tôi cùng ra đồng tham quan ruộng lúa, thăm bẫy lọp rắn… Cánh đồng rộng lớn ngút tầm nhìn, lúa hơn 30 ngày tuổi đã lên xanh rì, thoảng mùi lúa thơm dịu ngọt.

Chú Ba Lợi chăm ruộng lúa hơn 30 ngày tuổi, cho biết năm nay tốn công giặm nhiều do mưa và chuột cắn phá.

Chú Ba Lợi chăm ruộng lúa hơn 30 ngày tuổi, cho biết năm nay tốn công giặm nhiều do mưa và chuột cắn phá.

“Chạy đồng” theo mùa vụ

Tại các huyện biên giới từ Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), đến Vĩnh Hưng, Mộc Hóa (Long An), nhiều cánh đồng “xả lũ” nhưng nước lên không như trông đợi của người dân. Trong khi đó, cánh đồng rộng lớn thuộc xã Thường Thới Tiền, Thường Phước 2 bao bọc bởi tuyến đê cao, lúa đang thì con gái, máy bơm đặt sẵn chủ động tưới tiêu: bơm nước mưa ra và bơm nước từ kênh vào đồng. Đường đan rộng, xe chạy bon bon.

Gặp chúng tôi, anh Long mình trần trùng trục trầm mình dưới kênh, cuốn vội lưới “12 cửa ngục” cột sau xe máy rồi cùng tháp tùng “đi coi dỡ rắn cho biết”.

Anh Long nhà ở huyện Châu Thành (tỉnh Long An), nắm được nhu cầu về rơm chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp cho các nhà hàng… khá lớn, nên anh quyết “chạy đồng” mua rơm về trữ cung cấp cho các nhu cầu đa dạng đó.

“Tới mùa cắt lúa, máy cuốn rơm chạy lềnh đồng, còn nhiều hơn cả máy gặt đập liên hợp”- anh Long kể và cho biết thêm “tui đã đầu tư 3 máy cuộn rơm. Hết đồng này thì chạy qua An Giang, Tiền Giang, rồi quay về Tân Thạnh, Tân Hưng (Long An)… Bây giờ ở các tỉnh miền Tây, lúa rải đều, rơm có quanh năm. Đồng Hồng Ngự vừa hết rơm, thư thư vài hôm tui chạy đồng khác. Ở đâu thu hoạch lúa thì tui chạy tới liền”.

Quy trình thu gom khá đơn giản và “bán như cho trên ruộng”, nhưng lại là mặt hàng không hề rẻ. “Máy cuộn rơm xong, xe kéo vào bờ, chất thành đống, xe tải đút đít “ăn rơm” đầy thì chạy về vựa. Mùa rồi tui thu hơn hai mươi mấy ngàn cuộn rơm. Hiện tui bán ở TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh mỗi cuộn 37.000đ”- anh Long vừa dứt lời đã thấy chú Ba Đức dỡ một cái lọp rắn giơ lên, không có con nào.

Chú Ba Đức nhìn chúng tôi cười trừ: “Ít chạy lắm”. Điểm đặt kế tiếp, tìm hoài không thấy cái lọp đâu, ngầm hiểu “rắn đã chui vào. Ai đó phát hiện, bắt rắn và lấy cái lọp đi luôn”. Cái thứ 3 dính con rắn nước nhỏ cỡ ngón tay cái, nó đã chết, chú Ba tháo khỏi bẫy và vứt ra xa.

“Chỗ cây cối rậm rịt, nhìn thấy đường trống hoặc cỏ rạp xuống, đó là đường rắn đi kiếm ăn. Mình đặt lọp ngay đó, thế nào nó cũng về đường cũ. Giờ đồng trống lỏng, rắn không còn chỗ sinh sống, lại nhiều người bắt nên càng ít dần”- chú Ba thạo nghề bắt rắn như làm hơn chục công ruộng ở đồng Thường Phước 2. Đồng này làm lúa 3 vụ từ năm 2000, khi tuyến đê bị vỡ, được đắp lại cao lên từ đó và tiếp tục nâng cấp thành đường đan kiên cố.

Chuyện ngăn đê làm lúa 3 vụ (kế hoạch 3 năm xả lũ 1 lần) và những mùa nước… không nổi khiến nguồn thủy sản ngày càng ít đi; chuyện chuột gia tăng phá hoại và sự mất cân đối môi trường sinh thái (thu hẹp môi trường sống của các loài thiên địch, như rắn)… Theo chúng tôi nghĩ, hẳn có một sự tác động liên quan nào đó.

Chú Ba Đức cho rằng: “Làm lúa kinh tế hơn xả lũ, nhưng năm nay chuột phá quá. Sạ trúng đợt mưa, giống chết, phải tốn nhiều công giặm lại”.

Còn chú Ba Lợi ở đồng Thường Thới Tiền lại bảo: “Làm lúa đó giờ, tui mới thấy được giá như vụ rồi. Sau khi trừ hết chi phí, còn lời khoảng 30 triệu/ha. Làm lúa giờ khỏe lắm, chỉ cực công giặm, suốt mùa xịt thuốc 4 cữ, nếu có rầy mò thì thêm cữ nữa. Các công đoạn làm đất, gieo sạ, thu hoạch đã có máy móc làm thay”.

Các con chú không ai theo nghề chân lấm tay bùn, người làm tài xế, người làm công ty ở thành phố. Vì thế, chú Ba Lợi “làm hơn hai chục công lúa mình ên khỏe re”, thời gian rỗi việc đồng, chú theo anh em trong xóm đi làm hồ, ngày kiếm 350.000-370.000đ.

Người làm nông bây giờ đã có những cách “chạy đồng” khác hẳn, thích nghi theo từng mùa vụ và thích ứng với cuộc sống hiện đại hơn.

Chợ mùa nước ngày càng ít cá đồng

Dường như mùa nước nổi nhiều hay ít thường liên quan đến sản lượng thủy sản từ đồng về chợ. Người dân miệt đồng bảo có thể “đo mực nước” thông qua lượng cá tép về chợ, năm nào thủy sản đầy ắp là “lũ đẹp”, còn nước thấp như năm nay “cá mồi cũng không có”...

Nằm ở khu vực bờ kè TX Kiến Tường (tỉnh Long An), khu buôn bán đặc sản Đồng Tháp Mười buổi sáng đầu tháng 10 không mấy nhộn nhịp. Dưới bến sông Vàm Cỏ Tây không một chiếc vỏ lãi neo đậu, lục bình giăng kín mặt sông, người dân dựng xe máy cạnh các vựa thu mua cá, cua đồng… bán hàng xong nhanh chóng lên xe vọt đi.

Chúng tôi theo chân chú Chín Hùng ở xã Lân Lập (huyện Mộc Hóa) tìm mua cá mồi từ sáng sớm. Chú cho biết mới thả vèo cá lóc, mỗi ngày cần 5kg cá mồi làm thức ăn. Những năm trước đồng đầy nước, gia đình chú giăng dớn bắt cá mồi (là các loại cá trắng nhỏ) cho cá nuôi ăn không hết, hoặc mua lại chỉ vài ngàn đồng/kg.

Rảo hết vựa cá này tới vựa cá khác, quanh đi quẩn lại mấy vòng vẫn “hổng có con cá mồi nào”, đành “chia lại” mớ cá sặt với giá 20.000 đ/kg. “Cá này cho người ăn, nên giá cao. Nhưng không có cá mồi, tui phải bấm bụng mua về cho cá nuôi ăn đỡ”- chú Chín Hùng nói vừa xách túi cá tòng teng rời khỏi chợ.

“Năm nay cá về chợ nhiều không anh?”- chúng tôi hỏi một chủ vực đang phân loại rắn của người bán vừa mang tới, trả lời: “Nước nôi ít, nên cá mắm không có nhiều”. Các loại rắn, ếch chủ vựa không cân ngang, lựa từng loại lớn nhỏ mà tính tiền. Có người tiếc rẻ khi con rắn nước lớn nhất đem ra tới chợ đã chết, bán giá rẻ bèo.

Còn chú Ba Sáng rời khỏi vựa vừa đếm số tiền bán số ếch bắt được, buồn hiu: “Được có trăm mấy”. Đặt ếch cứ cách ngày chú đi thăm lờ đem ra chợ bán, nhưng nay “nhiều người đánh bắt nên không còn. Mà cá mắm lên đồng nhờ nước, năm nay nước nôi gì đâu…”. Chú Ba nói đến đó rồi bỏ lửng, nhưng ai cũng có thể điền vào dấu 3 chấm đó tìm câu trả lời.

Thực tế mùa nước năm nay, lượng cá đồng về chợ giảm hẳn. Như tại chợ TX Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), giờ trưa chúng tôi tìm mua cá đồng “đỏ con mắt”. Theo nhiều tiểu thương, muốn ăn cá đồng phải đi chợ sáng, nhưng năm nay có đi chợ sớm cá đồng cũng không nhiều. Không như suy nghĩ của chúng tôi “cá ít, giá sẽ cao”, nhưng ngược lại giá cá đồng lại thấp hơn các năm trước, theo giải thích của người bán, do lượng cá ít không đủ đóng xe tải đi các chợ thành phố. Cá rớt lại chợ lẻ, giá cũng rẻ.

Khu chợ cá TX Kiến Tường (tỉnh Long An) mùa nước nổi thiếu hẳn sôi động.
Khu chợ cá TX Kiến Tường (tỉnh Long An) mùa nước nổi thiếu hẳn sôi động.

Miền Tây năm nay có thể nói đón mùa lũ thấp. Lũ không chỉ khiến “cá đồng về chợ ít”, nguồn lợi thủy sản giảm sút, mà còn đồng nghĩa thiếu phù sa bồi đắp cho ruộng đồng... Theo Dự án MDM (giám sát hoạt động các đập thủy điện Mekong) nguyên nhân là do năm nay nhiều nơi ở khu vực trung và thượng nguồn sông Mekong thường xuyên khô hạn, ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.

Bên cạnh đó, các đập thủy điện thượng nguồn đặc biệt là trên dòng chính sông Mekong tích một lượng nước rất lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy tự nhiên của dòng sông. Những tuần gần đây, mỗi tuần có vài tỷ mét khối nước được các con đập giữ lại.

Diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông 2023 tăng cao

Trong vụ Thu Đông năm 2023, khu vực ĐBSCL sẽ nâng diện tích trồng lúa từ 650.000ha lên 700.000ha. Có 12/13 địa phương của khu vực sản xuất vụ Thu Đông (trừ Cà Mau), với sản lượng dự kiến đạt 3,97 triệu tấn.

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/nhip-song-dong-bang/202310/mot-mua-nuoc-noi-tuong-doi-hien-ky-2-lua-xanh-hong-ngu-den-moc-hoa-3176263/