|
  • :
  • :

Lợi ích cho nông dân, hiệu quả cho cây lúa

Việc ứng dụng đồng bộ các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa không chỉ giúp đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đem lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Mô hình đem lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp nâng cao chất lượng, giá trị cho cây lúa nên cần tiếp tục duy trì, nhân rộng.

Mô hình đem lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp nâng cao chất lượng, giá trị cho cây lúa nên cần tiếp tục duy trì, nhân rộng.

Tăng hiệu quả kinh tế

Theo ngành nông nghiệp, IPHM được xây dựng trên cơ sở kế thừa Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Nếu IPM chủ yếu tập trung đến vấn đề quản lý dịch hại, thì IPHM tập trung đến mục đích chính nâng cao sức khỏe cây trồng, tự tạo sức đề kháng chống lại sâu bệnh.

Tại Vĩnh Long, mô hình IPHM trên cây lúa đã được triển khai tại Ấp 11, xã Mỹ Lộc (Tam Bình), đem lại kết quả tích cực.

Mô hình sử dụng giống xác nhận OM5451 với mật độ sạ 80 kg/ha và áp dụng phương pháp sạ hàng, với quy mô 2ha, từ tháng 3-7/2023. Mô hình áp dụng đồng bộ các biện pháp IPHM như: giảm mật độ gieo sạ, các biện pháp canh tác, bón phân theo nhu cầu từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và tăng cường sử dụng phân hữu cơ, quản lý dịch hại theo IPM...

Kết quả, theo đánh giá diễn biến chiều cao của cây lúa qua các kỳ điều tra cho thấy ruộng trong mô hình gieo sạ với mật độ thưa (80 kg/ha) tạo độ thông thoáng cho cây lúa hấp thu ánh sáng, dinh dưỡng và nước tốt hơn giúp cây lúa cao hơn so với ruộng ngoài mô hình. Bên cạnh đó, khả năng nảy chồi của cây lúa tốt hơn và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt được cao hơn so với ruộng ngoài mô hình sạ với mật độ dày (150 kg/ha).

Quan trọng, ruộng mô hình do giảm được chi phí giống, phân bón và thuốc BVTV nên tổng chi phí sản xuất (20,52 triệu đồng/ha) thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình (23,25 triệu đồng/ha). Tuy năng suất ước đạt của ruộng trong và ngoài mô hình bằng nhau (6 tấn/ha) nhưng do chi phí đầu tư thấp hơn nên ruộng trong mô hình đạt lợi nhuận cao hơn gần 2,73 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho biết: Mục tiêu của mô hình nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Thay đổi tập quán canh tác như sạ dày, bón thừa phân, sử dụng thuốc BVTV định kỳ… nhằm duy trì sức khỏe cây trồng, đảm bảo canh tác bền vững. Đẩy mạnh việc ứng dụng IPM- IPHM trên các cây trồng, nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Từng bước nhân rộng mô hình

Theo ngành nông nghiệp, việc người dân sử dụng mất cân đối phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ, sử dụng quá mức thuốc BVTV trong nhiều năm qua đã làm cây trồng yếu đi và làm đất cũng như hệ sinh vật trong đất bị suy thoái. Chính vì vậy, ứng dụng IPHM sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó, để nông dân hiểu rõ hơn về các chuyên đề IPM và IPHM, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tổ chức lớp tập huấn cho 25 hộ tham gia mô hình. Cụ thể, giúp các hộ nông dân nhận diện đúng các đối tượng dịch hại, thiên địch trên ruộng lúa; nhận thức được nhu cầu dinh dưỡng cây lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng nhằm xác định đúng thời điểm bón phân và lượng phân bón, sức khỏe đất, giống tốt,...

Đặc biệt thấy được lợi ích của việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” và loại bỏ thói quen phun thuốc định kỳ. Từ đó, giúp nông dân mạnh dạn giảm mật độ gieo sạ. Đồng thời, hiểu được như thế nào là an toàn thực phẩm, thời gian cách ly thuốc BVTV, nâng cao ý thức trong việc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV để đúng nơi quy định nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Chú Dương Văn Khâm (Ấp 11, xã Mỹ Lộc) cho hay: “Tôi thấy mô hình này rất hay, đem lại rất nhiều lợi ích cho nông dân. Trước đây sạ dày vừa tốn giống, tốn công lại phát sinh nhiều sâu bệnh, mô hình này sạ thưa, vừa giảm giống, giảm công lao động, ít sâu bệnh. Nhất là nông dân có thể phân biệt được loại côn trùng nào có hại, loại nào có lợi để tận dụng bảo vệ ruộng lúa.

Đồng thời, xác định được mức độ dịch hại để có biện pháp xử lý. Nếu như trước đây thấy vài con sâu cuốn lá, dù tỷ lệ gây hại chưa đến 5% cũng phun thuốc thì giờ tỷ lệ gây hại ít thì đã có biện pháp quản lý dịch hại. Tôi sẽ áp dụng cho 15 công lúa của tôi ở vụ sau”.

Tuy vậy, việc thực hiện mô hình cũng còn gặp một số khó khăn như: do thói quen canh tác theo tập quán cũ nên ban đầu nông dân còn tâm lý e ngại khi áp dụng biện pháp IPHM sợ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Đa phần nông dân trong lớp tập huấn có độ tuổi cao nên khâu điều tra hệ sinh thái và ghi chép nhật ký sản xuất gặp khó.

Ông Lê Văn Chiến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tam Bình, cho biết: Mô hình thực hiện nhằm giảm thiểu các mối nguy hại do việc lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường. Thay đổi tập quán canh tác của nông dân, góp phần duy trì sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng, đảm bảo canh tác bền vững. Thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc cũng cho biết: Mô hình đã góp phần khắc phục điểm yếu của sản xuất nông nghiệp như mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, góp phần nâng cao giá trị cũng như vị thế mặt hàng nông sản. Từ đó, mở rộng và phát triển các vùng sản xuất “nông nghiệp xanh”.

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/202306/loi-ich-cho-nong-dan-hieu-qua-cho-cay-lua-3169298/
Tin liên quan
Chưa có thông tin