Anh Trần Trung Kiên- Tổ trưởng Tổ hợp tác mãng cầu Na Suối Đá.
Hai bên đường Bời Lời (thuộc phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) dẫn đến Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen có nhiều sạp bán trái cây. Các sạp đều trưng bày mãng cầu ở vị trí bắt mắt nhất để đón các du khách.
Ngay tại thủ phủ mãng cầu, vẫn hiếm hàng loại 1
Bà Bảy- chủ một sạp hàng cho biết, nhiều ngày nay bà chỉ lấy được trên dưới 20kg mãng cầu loại 1 (là loại trái lớn có chất lượng ngon nhất, đạt khoảng 4 trái/kg) vì các đầu mối đã phân phối nguồn hàng cho các khách hàng lớn tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với giá khá cao.
Còn lại các tiểu thương phải lấy loại nhỏ hơn một chút. Bà nói: "Năm nay mãng cầu có giá nhất, giá loại một là 70 ngàn đồng/kg, tui lấy người ta đã hơn 60 ngàn đồng/kg rồi, vậy mà khách thành phố vẫn ghé lựa quá trời, có người lựa 3-4kg. Người ta nói Sài Gòn 85 ngàn đồng/kg mà trái nhỏ chứ không đẹp như ở đây".
Các sạp bán tạm bên lề đường có giá bình dân hơn, từ 25.000 đồng đến 60.000 đồng/kg tuỳ loại, chủ yếu bán trái loại 2 và loại 3. Anh Phong, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành, ra gần chân núi bán mãng cầu từ đầu tháng Giêng cho biết, những ngày cao điểm, anh bán được trên 300kg. Đây là mức tiêu thụ kỷ lục từ trước tới nay. Các năm trước, anh bán không nhiều bằng năm nay.
Bà Mười, nhà ở phường Ninh Sơn, bán hàng khá chạy, trước sạp có biển ghi “Mãng cầu siêu sạch”. Bà thu mua tại vườn về bán và phân bổ lại cho một số tiểu thương xung quanh.
Số lượng trái loại 1 bán lẻ ra ngoài không nhiều, nên sạp của bà cũng chỉ có loại 2 trở xuống. Có nhiều hôm bà chấp nhận gom cả mãng cầu trái nhỏ loại 3, loại 4 với giá bán trên dưới 25 ngàn đồng/kg.
Do bán lâu năm, bà có số lượng khách quen đáng kể. "Từ hai năm trở lại đây, trái mãng cầu Tây Ninh rất ngon, không có dòi. Trước đây mua tại vườn, trái nhìn rất ngon, nhưng chính mình cũng không an tâm, bóc ra vẫn bị dòi. Bây giờ khách hàng yên tâm là mãng cầu Tây Ninh siêu sạch và ngon, nên trái nhỏ nhỏ họ cũng chịu mua hết"- bà Mười cho biết.
Chị Kiều- một du khách chia sẻ: "Đến Tây Ninh, mình phải đi chùa Bà và mua mãng cầu Tây Ninh đem về". Chị mua ủng hộ bà Mười một túi mãng cầu loại 2 để làm quà và mua một túi mãng cầu loại 3 để ăn dọc đường. Chị nhận xét: "Mãng cầu Tây Ninh mùa này ngon nhất trong năm và mọi người trong nhà chị đều rất thích loại trái cây đặc sản này".
Sạp hàng tạm của bà Mười, ngày cao điểm tiêu thụ trên 300kg.
Phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh
Tổ hợp tác mãng cầu Na Suối Đá, huyện Dương Minh Châu có quy mô 10 ha, các đợt thu hoạch trong tháng Giêng vừa qua mang lại lợi nhuận tốt nhất so với các năm trước.
Anh Trần Trung Kiên- Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, trước đây anh tham gia một số hội chợ xúc tiến thương mại nên kết nối với nhiều khách hàng lớn. Sản phẩm của Tổ hợp tác có thị trường chủ lực là Hà Nội, Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) và miền Tây. Nhiều khách hàng lớn liên hệ nhưng sản lượng không đủ cung cấp.
Anh Kiên cho biết: "Mình không bán ở thị trường trong tỉnh, vì trước đây khách hàng lớn ngoài tỉnh đã bao tiêu hết và duy trì tới nay. Họ cho biết mãng cầu Tây Ninh rất được ưa chuộng, lấy bao nhiêu hết bấy nhiêu. Đây cũng là lý do mà trong tỉnh mình nhiều sạp không có đủ để bán".
Tuy nhiên, với việc nhiều nhà vườn đang thu hoạch vét, tiểu thương chấp nhận bán mãng cầu loại 3, loại 4 giá rẻ chiều lòng du khách dễ tính khiến anh Kiên tâm tư. Anh cho rằng cách làm này sẽ góp phần làm giảm danh tiếng của mãng cầu Tây Ninh.
Vì vậy, anh kiên quyết loại bỏ các trái nhỏ, chỉ để lại một số trái vừa đủ để dưỡng. Hầu hết trái trên cây đều đạt loại 1. Theo anh Kiên, việc tập trung nâng cao giá trị thương hiệu mãng cầu Tây Ninh sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người trồng mãng cầu Tây Ninh.
Anh Kiên cũng cho rằng người trồng mãng cầu sẽ còn được hưởng lợi từ sự "ưu ái" của thị trường một vài năm nữa mà không sợ cạnh tranh gay gắt, bởi vì thương hiệu mãng cầu Tây Ninh đang rất mạnh.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tình nhận định của anh Kiên. Ông chia sẻ: "Xung quanh chân núi bà Đen có khoảng 5.000 ha trồng mãng cầu. Mãng cầu khá là kén đất.
Đồng thời lao động trong lĩnh vực này cũng cần chuyên nghiệp. Các vùng khác muốn trồng cũng khó đạt được như ở đây. Dự đoán mãng cầu sẽ có giá tốt trong nhiều năm nữa. Và giá này không phải do may mắn mà do nông dân đã kiên trì phát triển, khẳng định được thương hiệu và uy tín của trái mãng cầu Tây Ninh".
Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật để phòng ngừa sâu bệnh và bao trái, không dùng các hoá chất độc hại. Hầu hết các nhà vườn đều áp dụng biện pháp này vì vừa đạt tiêu chuẩn sạch vừa đạt sản lượng tốt, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Anh Trần Trung Kiên cho biết, thành viên Tổ hợp tác mãng cầu Na Suối Đá có kiến nghị tỉnh nhanh chóng quy hoạch các vùng trồng, quảng bá du lịch kết hợp tham quan các địa chỉ nông nghiệp xanh để du khách thêm yên tâm về chất lượng. Từ đó, du khách sẽ góp phần quảng bá rộng rãi thương hiệu mãng cầu Tây Ninh.