Biết đến nghề nuôi ong từ năm 2001, anh Hà Văn Thành, ở Mường La, Sơn La đã gắn bó với nghề nuôi ong suốt 20 năm qua. Cứ đến mùa hoa nhãn, anh Thành lại di chuyển đàn ong của mình vào vùng trồng nhãn của huyện Sông Mã để khai thác vụ mật mới. Với 400 đàn ong, dự kiến của anh Thành sẽ thu hoạch khoảng 10 tấn mật trong vụ hoa nhãn năm nay.
“Nghề nuôi ong thường khai thác các nguồn hoa như: hoa nhãn là chủ đạo, mùa hoa cà phê, mật lá keo, cuối năm là mật hoa rừng, hoa cỏ”, anh Thành nói.
Tháng 3, tháng 4 thời điểm hoa nhãn nở rộ cũng là thời gian bận rộn nhất của các trại ong. Sẵn lợi thế về nguồn hoa, cứ 5-7 ngày thì người nuôi ong tiến hành quay mật 1 lần, suốt vụ hoa nhãn, người nuôi ong có thể quay mật từ 3-4 lần. Ngoài giá trị về kinh tế cho người nuôi ong, nghề quay mật cũng đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Người nuôi ong ở Sông Mã phấn khởi thu hoạch mật
“Tôi đi làm nghề này cũng hơn chục năm rồi, họ trả công là 250.000 đồng/ngày, cũng vất vả nhưng cũng đạt ngày công. Đội ong này có 15-16 người, nhưng nếu 2 đàn quay thì phải gần 30 người”, bà Nguyễn Thị Nền, ở bản Thắng Lợi, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã chia sẻ.
Nghề nuôi ong lấy mật vốn có từ nhiều năm nay ở Sông Mã, nhưng trước đây, các hộ nuôi tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu là nuôi các giống ong nội. Từ những năm 2000, một số hộ nuôi ong ở tỉnh khác mang ong vào Sông Mã đặt tại vườn nhãn để khai thác mật, nhiều người dân địa phương đã làm theo. Đến nay, toàn huyện có khoảng 60 hộ nuôi ong mật với tổng số gần 15.000 đàn.
Ngoài giá trị về kinh tế cho người nuôi ong, nghề quay mật cũng đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương
Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề, ông Lê Văn Kính, ở bản Quyết Thắng, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã cho biết, một đàn ong khỏe có thể cho thu hoạch vài chục kg mật/năm. Với 130 đàn ong ngoại, vụ hoa nhãn này, gia đình dự kiến thu được khoảng 3 tấn mật.
“Mỗi năm, nghề nuôi ong mang lại thu nhập cho gia đình tôi tính bình quân trên đầu đàn từ 1-1,2 triệu đồng”, ông Lê Văn Kính phấn khởi.
Với diện tích cây ăn quả lớn, mật ong ở Sông Mã cho thu hoạch nhiều lần trong năm, nhiều nhất là mật ong hoa nhãn, tiếp đến là hoa cỏ kim và hoa rừng. Với uy tín sẵn có trên thị trường cùng với nỗ lực của những người nuôi ong, năm 2020 mật ong hoa nhãn đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, tạo thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm mật ong Sông Mã ra thị trường.
“Hoa nhãn được mùa so với mọi năm, sản lượng của năm nay cũng vượt trội hơn hẳn. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm mật ong tới các tỉnh bạn. Thị trường tiêu thụ mật ong Sông Mã của chúng tôi chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên và 1 số tỉnh miền trong”, ông Hoàng Mạnh Đoàn, Giám đốc HTX Nuôi ong mật Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết.
Cùng với thị trường truyền thống, mật ong Sông Mã hiện nay đã được tiếp cận với các kênh bán hàng online, các sàn thương mại điện tử và tại các hội chợ thương mại.
Mùa thu hoạch mật ong Sông Mã kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 4 hàng năm. Với 15.000 đàn ong ngoại và hàng nghìn đàn ong nội, mỗi năm Sông Mã cung ứng ra thị trường hơn 1.000 tấn mật ong các loại. Cùng với các thị trường truyền thống, mật ong Sông Mã hiện nay đã được tiếp cận với các kênh bán hàng online, các sàn thương mại điện tử và tại các hội chợ thương mại… tạo cơ hội quảng bá, xúc tiến thương mại để mật ong Sông Mã vươn ra thị trường thế giới, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi ong ở vùng cao biên giới này./.