|
  • :
  • :

Mô hình hội quán trong lĩnh vực nông nghiệp - Phát huy giá trị cộng đồng 

Chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT phải luôn đồng hành cùng hội quán và có những định hướng, giải pháp để cả cộng đồng cùng chung tay phát huy mô hình này.

Mô hình Hội quán nông dân ra đời tại tỉnh Đồng Tháp vào năm 2016, từ sáng kiến của nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Từ khi ra đời đến nay, hoạt động mô hình đã mang lại những hiệu quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Ông Lê Viết Bình (bìa trái) trao tặng sách do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT gửi tặng cho Hội quán sầu riêng Bàu Đồn.

Năm 2024, Sở NN&PTNT Tây Ninh tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Tháp. Trên cơ sở nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và hợp tác xã (HTX) sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở đề xuất UBND tỉnh cho thành lập thí điểm các mô hình hội quán trong lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây, Hội quán sầu riêng Bàu Đồn, Hội quán mãng cầu Tây Ninh chính thức ra mắt.

Theo Sở NN&PTNT, Hội quán có đại diện là Ban chủ nhiệm phối hợp các ngành chuyên môn tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) cho các thành viên; định hướng xây dựng mô hình kinh tế tập thể và tổ chức xúc tiến liên kết tiêu thụ nông sản với định hướng sản xuất gắn với thị trường; định hướng cho các thành viên có điều kiện đóng góp về vật chất, tinh thần cho hoạt động an sinh xã hội.

Các sở, ngành tỉnh sẽ hỗ trợ tập huấn kỹ năng, khai thác, sử dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ Hội quán nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các mô hình hay, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. UBND cấp huyện, xã phối hợp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, ngành chức năng cùng cấp hỗ trợ về quy trình thành lập; phối hợp hỗ trợ hoạt động, nâng cao chất lượng Hội quán và đánh giá kết quả hoạt động mô hình hội quán.

Sở NN&PTNT cho biết thêm, mô hình hội quán tạo sự kết nối giữa những nông dân cần cù, năng động, sáng tạo, tâm huyết với nông nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất nông nghiệp, chung tay góp sức xây dựng nông nghiệp địa phương theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; mô hình thi đua phấn đấu trở thành người “Nông dân chuyên nghiệp”...

Hội quán mãng cầu Tây Ninh trực thuộc HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu), có 42 thành viên, do anh Lê Minh Trung- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX làm chủ nhiệm. Anh Trung cho biết, vào tháng 10.2023, khi tham gia sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”, anh vinh dự được gặp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Sau khi được nghe Bộ trưởng chia sẻ về mô hình hội quán và những điểm hay của mô hình này tại Đồng Tháp, năm 2024, trong một dịp tham gia cùng đoàn công tác của Sở NN&PTNT học tập kinh nghiệm mô hình tại Đồng Tháp, nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, anh Trung và các thành viên HTX mong muốn xây dựng Hội quán mãng cầu trên địa bàn tỉnh.

Theo anh Trung, thời gian qua, HTX từng bước nâng cao khả năng quản trị bảo đảm sinh kế và lợi ích bền vững cho các thành viên tham gia, thành viên liên kết. Nhờ đó, quy mô ngày càng mở rộng, đặc biệt là sự gắn kết giữa các thành viên. Đến nay, HTX có 30 thành viên, sản xuất 100 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm của HTX được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 120 thành viên với quy mô trên 500 ha. Tổng sản lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường hiện nay khoảng 18.000 tấn/năm.

Sở VH,TT&DL, Sở NN&PTNT, Hiệp Hội Du lịch tỉnh khảo sát điểm đến du lịch (Famtrip) tại HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung.

Tuy nhiên, một bộ phận nông dân còn băn khoăn, chưa dám tham gia HTX vì tâm lý ái ngại, sợ ràng buộc phải sử dụng dịch vụ mà HTX cung ứng. Từ đó, vấn đề liên kết, chia sẻ các thông tin về kỹ thuật canh tác mãng cầu... còn khó khăn, không thống nhất về định hướng. Do đó, khi biết đến mô hình Hội quán, anh Trung vô cùng phấn khởi.

“Mong rằng thông qua Hội quán, nông dân canh tác cây mãng cầu sẽ được sinh hoạt, tiếp cận các nguồn thông tin mới, hữu ích từ các chuyên gia nông nghiệp; các thành viên chủ động chia sẻ, sáng tạo, thử nghiệm thí điểm những ứng dụng mới, đột phá trong canh tác. Chính quyền địa phương, các sở, ngành tỉnh cùng đồng hành, quan tâm hỗ trợ, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn cho nông dân”- anh Lê Minh Trung nói.

Theo ông Phan Văn Thoại- Chủ nhiệm Hội quán sầu riêng Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), trong thời gian tới, Ban chủ nhiệm Hội quán sẽ tăng cường tuyên truyền, khuyến khích hội viên áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả, thân thiện với môi trường; hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn, KHKT và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội quán cũng tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu, kết nối giữa các hội viên để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, tạo tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Ban chủ nhiệm Hội quán tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của toàn thể hội viên và sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, Hội quán sầu riêng Bàu Đồn sẽ ngày càng phát triển và trở thành một tổ chức uy tín, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung vào kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lê Viết Bình- Phó Chánh văn phòng Bộ, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam, Bộ NN&PTNT cho biết, sự thành lập Hội quán trong nông nghiệp tại Tây Ninh là kết quả của sự đồng thuận cao giữa chính quyền địa phương, nông dân và định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế nông thôn của ngành NN&PTNT tỉnh; đồng thời cũng là khởi nguồn cho sự thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách làm bao gồm cả cách liên kết, hợp tác của nông dân trên một nền thiết chế cộng đồng mới.

Ông Lê Viết Bình đề nghị, trong thời gian đầu thành lập, các thành viên hội quán tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn nguyên tắc, cơ chế, phương châm hoạt động... từ đó có sự đồng thuận để hoạt động của Hội quán ngày càng tốt hơn, phát huy được những ưu điểm, đạt được những kết quả như kỳ vọng đề ra. Các ngành chức năng từng bước nâng cao năng lực chuyên môn cho các thành viên hội quán, không chỉ về kỹ thuật canh tác, sản xuất mà còn năng lực về quản trị, bán hàng, tiếp cận thị trường; cần gia tăng nguồn lực cho hội quán bằng cách tăng cường mối liên kết giữa hội quán với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, mở rộng ra là các nguồn lực quốc tế.

“Lực lượng, độ tuổi của các thành viên trong Hội quán tại Tây Ninh mặc dù không đồng nhất nhưng đa phần đều còn trẻ, năng động, có điều kiện tiếp cận với khoa học công nghệ mới, do đó nên mạnh dạn hơn trong việc chia sẻ thông tin, truyền đạt, phổ biến những kinh nghiệm trong quản lý, kỹ thuật canh tác, cách làm kinh tế… Chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT phải luôn đồng hành cùng hội quán và có những định hướng, giải pháp để cả cộng đồng cùng chung tay phát huy mô hình này”- ông Lê Viết Bình nhấn mạnh.

Nguồn: https://baotayninh.vn/mo-hinh-hoi-quan-trong-linh-vuc-nong-nghiep-phat-huy-gia-tri-cong-dong-a173313.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin