|
  • :
  • :

Na-soap và hành trình tái chế dầu ăn đã qua chế biến 

Na-soap trước hết sẽ hướng đến những người tiêu dùng thích sản phẩm lành tính, thân thiện với môi trường.

Sản phẩm xà phòng sinh học Na-soap hướng đến những người tiêu dùng thích sản phẩm lành tính, thân thiện với môi trường

Dầu ăn đã qua sử dụng thường bị đổ bỏ không đúng cách, gây nguy hại môi trường tự nhiên, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người. Hiện nay, loại “rác thải” nhà bếp này đã được tái chế trở thành chất tẩy rửa sinh học, ứng dụng vào đời sống hằng ngày.

Hành trình thứ hai sau tái chế của dầu ăn càng ý nghĩa hơn khi được kết hợp với tinh chất polyphenol chiết xuất từ trái non và vỏ mãng cầu Bà Đen, góp thêm một thương hiệu đặc trưng của đất và người Tây Ninh, mang tên Na-soap.

Từ ý tưởng...

Chắc hẳn, khi nhắc đến Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiếu Trang- chuyên viên nghiên cứu Trung tâm Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ), nhiều người sẽ nhớ đến nghiên cứu của cô với sản phẩm gel rửa tay khô và dung dịch sát khuẩn phòng, chống dịch Covid-19 từ vỏ và hạt mãng cầu vào năm 2020.

Còn mới đây, dự án “Tái chế dầu ăn đã qua chế biến thành chất tẩy rửa sinh học” của Hiếu Trang đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh năm 2022-2023.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiếu Trang- CV nghiên cứu Trung tâm Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở KH&CN) chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án tái chế dầu ăn qua sử dụng thành chất tẩy rửa sinh học

Dầu thực vật hiện được sử dụng phổ biến trong đời sống. Đây là nguyên liệu nấu ăn gần như không thể thiếu trong nhà bếp của mỗi gia đình và được sử dụng rất nhiều trong các nhà hàng, quầy chế biến đồ ăn nhanh, quẩy, hành phi... Theo các nghiên cứu khoa học, thói quen sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại cực kỳ không an toàn và có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khoẻ như bệnh tiểu đường, tim mạch, đột quỵ và các bệnh liên quan đến ung thư.

Trong quá trình chế biến thức ăn, nhiều người nội trợ và các cơ sở chế biến thực phẩm, nhà hàng thường đổ trực tiếp dầu ăn thừa xuống đường ống thoát nước của bồn rửa chén bát hằng ngày. Dầu ăn thải sau khi chảy xuống cống sẽ nguội, tạo các mảng bám, tích tụ gây tắc đường ống thoát nước, gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường.

Quá trình tái chế dầu ăn qua sử dụng thành chất tẩy rửa sinh học.

Xuất phát từ thực tế, Hiếu Trang dày công nghiên cứu, đưa ra giải pháp phù hợp để tái chế dầu ăn đã qua chế biến thành sản phẩm chất tẩy rửa có ích, góp phần bảo vệ môi trường.

Chị cho biết: “Dự án sản xuất chất tẩy rửa sinh học từ dầu ăn đã qua sử dụng áp dụng phương pháp phản ứng xà phòng hoá kết hợp với hoạt chất polyphenol được chiết xuất từ trái non và vỏ mãng cầu. Về y học, polyphenol là một trong những hợp chất tự nhiên có nhiều tác dụng như chống oxy hoá mạnh, kháng viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng, chống lão hoá...

Tận dụng phụ phẩm từ mãng cầu để trích ly các hợp chất chống oxy hoá, cụ thể là polyphenol cải thiện sự lão hoá tế bào trên da kết hợp với glycerol được tổng hợp từ phản ứng xà phòng hoá dầu ăn đã qua chế biến tạo ra sản phẩm xà phòng an toàn, lành tính. Giải pháp này mang lại ý nghĩa về lợi ích kinh tế và y học góp phần giảm thiểu các tác nhân ô nhiễm môi trường”.

…Đến hiện thực Na-soap

Hiện tại, Hiếu Trang đã cho ra đời 3 sản phẩm mang tên “Na-soap” gồm: xà phòng sinh học, kem tẩy rửa sinh học và combo nguyên liệu làm xà phòng.

Theo tác giả dự án, tên sản phẩm “Na-soap” được kết hợp từ “Na”- tên gọi khác của trái mãng cầu Tây Ninh. Ngoài ra, “Na” còn là từ viết tắt trong từ tiếng Anh kết hợp giữa “Nature” và “Agriculture” (nghĩa là sản phẩm từ nông nghiệp, thiên nhiên); “Soap” trong tiếng Anh nghĩa là xà phòng. Na-soap là sản phẩm xà phòng sinh học với chiết xuất 100% polyphenol từ phụ phẩm của cây mãng cầu Tây Ninh và là sản phẩm mang thương hiệu quê hương Tây Ninh.

Sản phẩm xà phòng, chất tẩy rửa sinh học Na-soap được sử dụng để vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, tẩy rửa nhà bếp, bát đĩa, tắm gội cho thú cưng… Giải pháp này vừa tiết kiệm chi phí, giảm tác hại của hoá chất tẩy rửa độc hại và từ dầu mỡ thừa đối với môi trường vừa giúp tận dụng được nguồn phụ phẩm trái mãng cầu non sau mỗi vụ tỉa trái trên địa bàn tỉnh.

Hiếu Trang cho biết thêm, qua khảo sát nguồn nguyên liệu để làm sản phẩm Na-soap, mãng cầu là loại trái cây chủ lực của tỉnh Tây Ninh với tổng diện tích sản xuất năm 2022 là gần 5.500 ha, lớn nhất cả nước.

Trong quá trình canh tác mãng cầu, nông dân áp dụng biện pháp tỉa thưa loại bỏ những trái nhiễm sâu bệnh, méo mó, nhỏ, mọc dày nhằm cải thiện chất lượng, kích thước trái.

Việc tỉa thưa trái được thực hiện 2 lần/vụ, ước tính trái mãng cầu non trong quá trình tỉa thưa dao động từ 200 - 500kg/ha/vụ. Để tỉa trái, nông dân trồng mãng cầu phải trả một khoản chi phí khá lớn và sau khi tỉa thưa, phụ phẩm này được bỏ lại trên vườn tự phân huỷ. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho quá trình chiết xuất polyphenol tự nhiên, bổ sung hoạt chất chống oxy hoá cho sản phẩm chất tẩy rửa sinh học Na-soap.

Còn đối với dầu ăn đã qua chế biến, khối lượng các chuỗi nhà hàng sử dụng lên tới hàng tấn dầu mỗi năm, riêng một số chuỗi cửa hàng chuyên chế biến các món chiên có thể lên tới 14 tấn/năm. Đó là chưa kể lượng dầu ăn đã qua sử dụng trong mỗi gia đình.

“Việc tái chế dầu ăn đã qua sử dụng mang lại lợi ích lâu dài, đóng góp vào sự phát triển bền vững. Xà phòng/chất tẩy rửa sinh học và combo tự làm xà phòng mang tên Na-soap trước hết sẽ hướng đến những người tiêu dùng thích sản phẩm lành tính, thân thiện với môi trường” - Hiếu Trang chia sẻ.

Nguồn: https://baotayninh.vn/na-soap-va-hanh-trinh-tai-che-dau-an-da-qua-che-bien-a165637.html