Người chăn nuôi heo đã trải qua một cái Tết ảm đạm chưa từng có.
Áp lực cung quá lớn
Theo Cục Chăn nuôi, tại thời điểm tháng 12/2022, tổng đàn lợn khoảng 26,22 triệu con (chưa bao gồm lợn con theo mẹ), tăng 11,4% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thịt lợn lợn 4,425 triệu tấn. Thời điểm tháng 11/2022, tại 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn hiện đang duy trì đàn lợn trên 6 triệu con.
Theo tính toán từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi heo đang bị lỗ khoảng 500.000-600.000 đồng/con 100 kg với giá xuất chuồng hiện tại (từ 50.000 – 56.000 đồng/kg). Với mức giá này, người chăn nuôi nhỏ lẻ tiếp tục bỏ chuồng nhưng nguồn cung không giảm do nhiều doanh nghiệp liên tục đầu tư vào chăn nuôi heo với số lượng lớn. Cụ thể, lượng heo thịt mà C.P. Việt Nam mỗi ngày cung cấp ra thị trường tăng từ 16.000 con lên 20.000 con, CJ từ 5.500 con lên 7.000 con, Japfa từ 1.000 con lên 1.700-1.800 con, Emivest cũng tăng lên gần 1.500 con.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng đã lên kế hoạch nuôi 1 triệu con “heo ăn chuối” trong năm nay để tận dụng lợi thế là nhà xuất khẩu chuối lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dù vậy, mới đây khi chia sẻ với cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT tập đoàn này, thừa nhận mảng chăn nuôi heo của HAGL trong năm 2023 sẽ không có lời do sức mua yếu và giá heo hơi ở mức thấp.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cũng cho biết do thị trường tiêu thụ thịt heo giảm đáng kể nên công ty cũng phải cân đối cung cầu sao cho phù hợp.
Dưới góc độ công ty nghiên cứu thị trường, ông Quách Phong, Giám đốc bộ phận tư vấn Công ty Ipsos Việt Nam, cho biết nếu chỉ nhìn vào số liệu thống kê về giá sẽ thấy giá heo hơi thời gian qua là bất thường nhưng nhìn các dữ liệu liên quan lại thấy có sự hợp lý vì giá thành của các nhóm chăn nuôi rất khác nhau. Nếu như giá 60.000 đồng/kg, nông hộ lỗ nhưng với giá từ 50.000 – 56.000 đồng/kg thì nhiều công ty chăn nuôi có đầu tư bài bản vẫn có lời. “Tỉ trọng nhóm chăn nuôi chuyên nghiệp này mới chiếm từ 30%-35% nên dư địa tăng trưởng vẫn còn. Giá heo thấp hiện nay là do nguồn cung phục hồi tốt hơn cầu nhưng chưa đến mức khủng hoảng thừa” – ông Quách Phong nhận định.
Theo một chuyên gia trong ngành chăn nuôi (đề nghị giấu tên), giá heo hơi thấp hiện nay còn do các đơn vị chăn nuôi nhận định sai về thị trường Trung Quốc nên sản xuất bị thừa. “Họ kỳ vọng khi nước này mở cửa sẽ bán heo sang nhưng nay Trung Quốc kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch rất chặt. Việc xuất khẩu chính ngạch phải đàm phán rất nhiều năm. Chưa kể, Việt Nam phải cạnh tranh với nguồn heo đông lạnh giá rẻ từ các nước có lợi thế về chăn nuôi như: Mỹ, Canada, Nga… nên ít khả thi” – chuyên gia này cho biết.
Cần đẩy mạnh xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đánh giá việc nguồn cung tăng trong khi sức mua chưa cải thiện là nguyên nhân khiến giá heo hơi thấp kéo dài. “Nguồn cung ở đây không chỉ là hàng trong nước mà còn heo nhập khẩu và các sản phẩm cùng cung cấp nguồn đạm như: thịt bò, thủy sản, thịt gà, trứng… Sau giai đoạn giá thịt heo quá cao, cơ cấu đạm trong bữa ăn thịt heo không còn chiếm trên 70% như khảo sát trước đây mà đã giảm và trở thành thói quen” – ông Nguyễn Xuân Dương lý giải.
Về giải pháp cho ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng phải tiếp tục hạ giá thành vì giá thành nuôi heo của Việt Nam vẫn trong nhóm cao trên thế giới (bình quân 40.000 – 45.000 đồng/kg). Ngoài ra, cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt nhằm giảm áp lực nguồn cung về thịt ra thị trường.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Dương, ngành chăn nuôi heo Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể, cải thiện về chất lượng và an toàn thực phẩm cùng với ưu điểm hàng tươi mới, xứng đáng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. “Đối với nguồn nhập khẩu, ngoài hàng chính ngạch còn có cả hàng nhập lậu không được kiểm soát, không bảo đảm chất lượng. Ví dụ, thịt đông lạnh bị xé bao bì gốc, bán lẻ không rõ hạn sử dụng, bảo quản nhiệt độ không đúng chứa nhiều nguy cơ không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng” – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cảnh báo.
Ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cũng cho rằng nguồn cung thịt heo trong nước đang dư thừa nên cần có giải pháp tập trung cho xuất khẩu. Ngoài ra, phải có biện pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, con giống để giúp người chăn nuôi bớt lỗ.
Tuy vậy, ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, cho biết chăn nuôi hiện nay, đã thay đổi rất nhiều so với trước. Do đó, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ khó có thể tồn tại vì luôn trong tình trạng thua lỗ do phải đối mặt với giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao và dịch bệnh thường xuyên hiện diện gây tổn thất lớn. Chỉ có chăn nuôi theo hướng công nghiệp mới có khả năng trụ được trong ngành này.
Dự báo tiêu thụ thịt nhiều khả năng ở mức thấp
Theo dự báo của Trung tâm Thương mại, Bộ Công thương, trong quý 1/2023, mức tiêu thụ thịt nhiều khả năng ở mức thấp theo thông lệ hàng năm, giá heo dự báo vẫn ở mức thấp.
Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm khi thu nhập thực tế tăng nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của chính phủ và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp một số khó khăn như: Căng thẳng kéo dài giữa Nga và U-crai-na ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu. Bên cạnh đó, do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn vào năm 2023. Trong bối cảnh vắc xin chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung lợn.
Về diễn biến thị trường trong thời gian tới, ông Quách Phong cho rằng dựa theo những dữ liệu hiện tại thì giá heo hơi đang ở mức đáy và sắp phục hồi. “Cơ sở cho nhận định này là do ngành heo có một đợt dịch vào tháng 7 và 8 năm ngoái nên sẽ giảm cung sau 6 tháng, tức là khoảng tháng 3 này. Nếu giá heo hơi vẫn không lên chứng tỏ sức mua rất yếu. Tuy nhiên, các chỉ số chính về kinh tế của Việt Nam vẫn khả quan, nhiều ngành hàng sản xuất khác như: gỗ, thủy sản… cũng dự báo phục hồi từ quý II sẽ kéo theo việc làm, thu nhập của người lao động tăng nên sức mua sẽ cải thiện” – ông Quách Phong dự báo.
Năm 2022, Việt Nam chi 1,5 tỷ USD nhập khẩu thịt
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 680,03 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,49 tỷ USD, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 7,3% về trị giá so với năm 2021. Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 56 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, với 151,43 nghìn tấn, trị giá 482,98 triệu USD, tăng 49,8% về lượng và tăng 49,9% về trị giá so với năm 2021, chiếm 22,27% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam.
Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt lợn và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh giảm so với năm 2021; Trong khi nhập khẩu thịt gia cầm, thịt trâu và thịt bò tăng so với năm 2021. Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 114,66 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 249,35 triệu USD, giảm 29,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá so với năm 2021.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 18,87 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 84,6 USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 3,6% về trị giá so với năm 2021.