Trong thời gian qua, tăng trưởng đàn lợn của nước ta có sự biến động mạnh về tổng đàn và sản lượng. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn đạt cao nhất vào năm 2016 (29,1 triệu con); do có khủng hoảng thừa, còn 27,4 triệu con (năm 2017), tăng trở lại vào năm 2018 (28,1 triệu con). Do dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn giảm sâu kỷ lục vào năm 2019, chỉ còn 19,6 triệu con và hồi phục nhẹ năm 2020 (22,0 triệu con). Năm 2021, tổng đàn lợn cả nước đạt 28 triệu con.
Đàn lợn giống và tổng đàn nái cũng có sự biến động và hiện nay ổn định khoảng 3,1 triệu con nái; đàn nái giống cụ kỵ, ông bà dao động từ 100-135 ngàn con. Sản lượng lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh năm 2019, 2020, xuống còn 3,4-3,5 triệu tấn, hiện nay đã tăng lên 3,8-3,9 triệu tấn.
Bảng 1. Cơ cấu đàn lợn giai đoạn 2015-2021
Chỉ tiêu | ĐVT | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | Tăng BQ giai đoạn (%) |
Tổng đàn | 1.000 con | 27.750 | 29.075 | 27.406 | 28.151 | 19.615 | 22.028 | 28.159 | 0,2 |
Tăng/giảm | % | 3,7 | 4,8 | -5,7 | 2,7 | -30,3 | 12,3 | 27,3 | – |
Đàn nái | 1.000 con | 4.058 | 4.235 | 3.989 | 3.974 | 2.499 | 3.026 | 3.167 | -3,5 |
Tăng/giảm | % | 3,7 | 4,4 | -5,8 | -0,4 | -37,1 | 21,1 | 4,7 | – |
Trong đó: Nái cụ kỵ, ông bà | 1.000 con | 110 | 120 | 120 | 120 | 109 | 121 | 135 | 2,9 |
Tăng/giảm | % | – | 9,1 | 0 | 0 | -9,2 | 11,0 | 11,6 | – |
Số lợn thịt XC | 1.000 con | 50.960 | 51.115 | 49.032 | 49.743 | 42.193 | 44.146 | 50.901 | 0,3 |
Tăng/giảm | % | 7,9 | 0,3 | -4,1 | 1,4 | -15,2 | 4,6 | 15,3 | – |
Lượng thịt hơi XC | 1.000 con | 3.491 | 3.664 | 3.733 | 3.816 | 3.329 | 3.550 | 3.930 | 2,8 |
Tăng/giảm | % | 4.2 | 4.9 | 1,9 | 2,2 | -12,8 | 6,6 | 10,7 | – |
Năm 2021, sản lượng thịt lợn đạt 4,18 triệu tấn, chiếm 62,5% trong tổng sản lượng thịt hơi 6,69 triệu tấn.
Do Dịch tả lợn Châu Phi dẫn đến nguồn cung thịt trong năm 2020 và đầu năm 2021 sụt giảm mạnh, nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam đã tăng cao trong giai đoạn này. Nước ta đã nhập 447,6 ngàn con lợn sống để giết thịt, tương đương 44,8 ngàn tấn thịt. Tổng số lượng thịt lợn và phụ phẩm nhập khẩu khoảng 148 ngàn tấn (tương đương 4,3% tổng sản lượng thịt lợn hơi sản xuất năm 2020). Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 346.000 con lợn sống và nhập khẩu 143.463 tấn thịt lợn từ Nga, Brazil, Mỹ, Đức, Ba Lan; tính riêng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu khoảng 5.000 tấn lợn sữa và lợn choai sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Malaysia…
Về giá thịt lợn hơi của nước ta cũng biến động mạnh, đã tác động đến nhu cầu tiêu thụ lợn giống.
Biểu đồ 1: Giá lợn hơi năm 2021 và đầu năm 2022
Biểu đồ 2: Giá lợn giống năm 2021 và đầu năm 2022
Từng bước chuyển dịch cơ cấu, hiện đại hóa
Ngành chăn nuôi lợn đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Năm 2011, cả nước có khoảng trên 4,13 triệu cơ sở chăn nuôi lợn; đến năm 2016, giảm xuống còn 3,4 triệu; sau đợt khủng hoảng năm 2017 về giá thịt lợn, chỉ còn 2,5 triệu cơ sở. Năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở chăn nuôi lợn.
Năm 2021, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con, chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn lợn của cả nước. Trong đó bao gồm: 1. Cơ sở trang trại chăn nuôi quy mô lớn: có 1.627 cơ sở từ 1.500 con trở lên, tổng số là 6,8 triệu con lợn, chiếm 24,2% tổng đàn của cả nước; 2. Cơ sở chăn nuôi quy mô vừa: có 10.687 cơ sở chăn nuôi từ 100 con trở lên với tổng số đầu lợn là 3,2 triệu con, chiếm tỷ lệ 11,4 % tổng đàn của lợn cả nước; 3. Cơ sở chăn nuôi lợn quy mô nhỏ: có 8.529 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con đến 99 con trở lên với tổng số đầu lợn là 1,7 triệu con chiếm tỷ lệ 6,1 % tổng đàn lợn của cả nước.
Năm 2021, tổng đàn lợn thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn quy mô lớn, đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Tường, Mavin, GREENFEED, Trường Hải, Hòa Phát…) và nước ngoài (C.P, Japfa comfeed, Newhope, CJ, Emivest, Cargill…) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi. Cùng với đó, các doanh nghiệp tích cực xây dựng thương hiệu thịt lợn và hệ thống bán lẻ của mình để tối ưu hóa chuỗi giá trị.
7 thách thức với ngành lợn
Dịch Covid trên người và Dịch tả Châu Phi trên lợn
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, cung ứng nông sản. Ngành chăn nuôi cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh.
Bên cạnh đó Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) vẫn bùng phát tại nhiều địa phương (Theo Cục Thú y, năm 2021 ASF bùng phát gần 700 ổ dịch tại 42 tỉnh thành phố, gây chết và tiêu hủy gần 120.000 con lợn). ASF đã gây sụt giảm mạnh tổng đàn dẫn đến thiếu hụt thực phẩm buộc nước ta phải nhập khẩu thịt lợn, thậm chí cả lợn sống về giết mổ làm thực phẩm.
Chi phí đầu vào sản xuất tăng cao
Việc tăng giá kỷ lục giá nguyên liệu TACN của thị trường quốc tế do tăng giá năng lượng mà chủ yếu là do hậu quả của xung đột giữa Nga – Ukraine đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi.
Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22% (mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý: từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.
Tổ chức sản xuất chăn nuôi gắn với thị trường còn bất cập
Tổ chức sản xuất chăn nuôi lợn theo chuỗi ở nước ta còn yếu, thiếu bền vững, vẫn còn bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, hiệu lực các cam kết trong hợp tác chăn nuôi (theo liên kết dọc và liên kết ngang) không cao và kém hiệu lực; các mô hình tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị còn ít.
Quy mô chăn nuôi nhỏ còn chiếm tỷ trọng cao, việc áp dụng quy trình sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại còn hạn chế. Việc ứng phó với thông tin thị trường chưa tốt của người chăn nuôi là hạn chế lớn, gây nên nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như dự báo thị trường, hầu hết người chăn nuôi còn bị động và phụ thuộc vào thương lái, người tiêu thụ trung gian.
Năng suất sản xuất chăn nuôi lợn còn hạn chế
Năng suất sinh sản của đàn nái vấn còn khá thấp so với khu vực và thế giới, chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi không đồng đều. Hiện nay, năng suất, chất lượng đàn giống lợn vẫn chưa đạt yêu cầu, năng suất chăn nuôi lợn nái của nước ta vẫn còn khá thấp (18-20 con cai sữa/nái/năm); năng suất chăn nuôi lợn trong trang trại đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước có nền chăn nuôi lợn phát triển (năng suất lợn nái đạt 21-25 con cai sữa/nái/năm, trong khi đó, năng suất sinh sản lợn của Đan Mạch là 36-38 con cai sữa/nái/năm, một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan chỉ tiêu này là 24-28 con cai sữa/nái/năm).
An toàn sinh học yếu, phòng chống dịch bệnh khó khăn
Chăn nuôi an toàn sinh học trong các cơ sở chăn nuôi lợn vẫn chưa đảm bảo dẫn đến dịch bệnh xảy ra phức tạp, đặc biệt là tại các trang trại quy mô nhỏ và nông hộ. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ còn chiếm tỷ trọng cao (trên 78%), bố trí chuồng trại trong khu dân cư, sát với nhà ở, mức độ an toàn sinh học rất hạn chế. Do vậy, dịch bệnh truyên nhiễm nguy hiểm trên lợn vẫy xảy ra khá thường xuyên và đe dọa sự bền vững của ngành chăn nuôi lợn. Nếu không cải thiện về chăn nuôi an toàn sinh học, không nâng cao trình độ về kiểm soát dịch bệnh, tổng đàn lợn sẽ biến động mạnh dẫn đến mất cân đối cung cầu và gây ra khủng hoảng thiếu hoặc khủng hoảng thừa trong tương lai.
Chưa phát triển được các thương hiệu lợn bản địa, đặc hữu
Đến nay, chăn nuôi lợn nước ta đã hình thành và phát triển lâu đời. Theo thống kê hiện nước ta có 24 giống lợn bản địa với nhiều đặc tính sinh học quý và về chất lượng thịt thơm ngon. Các giống lợn bản địa được phân bố khắp các vùng sinh thái cả nước. Tuy vậy, số lượng lợn bản địa ngày càng suy giảm, nguồn gen quý ngày càng mai một. Rõ ràng, việc phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế) trong chăn nuôi lợn chưa được khai thác.
Mức độ cạnh tranh thực phẩm tăng, sức tiêu dùng thịt giảm
Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó, có các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTTP, EVFTA; ngoài ra, nước ta cũng ký kết các hiệp định song phương với nhiều nước có nền chăn nuôi tiên tiến. Do vậy, việc sản phẩm chăn nuôi nói chung và sản phẩm thịt lợn nói riêng của nước ta sẽ gặp khó khăn hơn khi ta buộc phải mở cửa cho thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ và Đức, sản phẩm nhập khẩu sẽ cạnh tranh mạnh với sản phẩm trong nước (Năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 143.463 tấn thịt lợn làm thực phẩm). Bên cạnh đó, sức tiêu dùng thịt lợn cũng suy giảm thời gian qua do đóng cửa trường học, khu công nghiệp, dừng các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, cộng với thu nhập người dân giảm sút do dịch bệnh.
Tâm An