|
  • :
  • :

Người chăn nuôi phải có tư duy sản xuất hàng hóa

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành chăn nuôi vẫn duy trì được thành quả tăng trưởng suốt 10 năm qua chính là nhờ “chìa khóa” khoa học công nghệ.

Chất lượng nhân lực còn nhiều vấn đề

Trong 2 ngày 23 – 24/8 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực chăn nuôi – thú y.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành chăn nuôi vẫn duy trì tăng trưởng suốt 10 năm qua, đóng góp gần 27% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, vẫn là một trong những trụ cột lớn của ngành nông nghiệp. Trong đó, khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, tích cực vào sự phát triển đó của ngành chăn nuôi.

“Các nhà khoa học đã rất say sưa, đam mê, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều vấn đề. Đây không phải việc riêng của chăn nuôi mà còn là của cả ngành khoa học. Điều này cũng đặt ra cho lãnh đạo Bộ NN-PTNT một câu hỏi lớn là tìm giải pháp để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, có những sản phẩm khoa học mang tính thời đại”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, khoa học công nghệ đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp nói chung. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo ông Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Việt Nam đi lên từ một nước nông nghiệp, nhưng lại không được thiên nhiên ưu đãi như nhiều quốc gia trên thế giới. Thời tiết khí hậu cực đoan. Trước cái khó ló cái khôn, người Việt Nam nói riêng với bản tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo… đã biến những bất lợi thành lợi thế để tạo ra nhiều sản vật địa phương vùng, miền nổi tiếng mà nhiều quốc gia mơ cũng không thể có được.

Đồng quan điểm, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, ngành chăn nuôi đã và đang khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung và đảm bảo an ninh thực phẩm nói riêng của Việt Nam. Từ một đất nước có nền chăn nuôi truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất theo tư duy sản xuất tự cung, tự cấp, đến nay, chăn nuôi đã và đang chuyển dịch theo hướng kinh tế, tập trung, hàng hóa.

Ông Đăng cho biết thêm, dù là quốc gia có tổng diện tích đất tự nhiên ở mức trung bình, mật độ dân số cao so với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển và đạt được một số thành tựu quan trọng.

Trong đó, chăn nuôi lợn đứng trong top 10 thế giới, thủy cầm đứng thứ 2 thế giới, sản lượng sữa tươi nguyên liệu đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á, thứ 12 thế giới…

Giá thành sản xuất gà trắng dưới 1 USD/kg

Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu khẳng định: “Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian luôn duy trì ở mức cao chính là nhờ khoa học và công nghệ, đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới từ thức ăn, con giống, quy trình nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh và xử lý môi trường”.

Ông Thiếu cho hay, hệ thống chăn nuôi lợn 4 cấp (cụ kỵ – ông bà – bố mẹ – thương phẩm) đang hình thành và phát triển mạnh, hiện có 16 doanh nghiệp lớn. Hiện nay, nước ta đã có một số chuỗi sản xuất theo mô hình 4 cấp, với quy mô từ 0,5 – 2 triệu lợn thịt hàng hóa/chuỗi cho hiệu quả cao, an toàn dịch bệnh.

Ngành chăn nuôi đã và đang chuyển dịch theo hướng kinh tế, tập trung, hàng hóa. Ảnh: HT.

Ngoài ra, với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới trong chăn nuôi và sử dụng nguồn thức ăn chất lượng tốt, nhiều trại chăn nuôi lợn đã có giá thành bằng hoặc thấp hơn Thái Lan. Đặc biệt, trong nuôi gà công nghiệp đã có những trại nuôi giá thành chỉ còn chưa đến 1 USD/kg, thấp hơn cả Thái Lan và EU.

Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chia sẻ, việc ứng dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới và sản xuất đã giúp nâng cao năng suất chất lượng giống vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Giai đoạn 2020 – 2023, đã có 31 tiến bộ kỹ thuật được Bộ NN-PTNT công nhận, trong đó có 6 dòng, giống lợn mới; 15 dòng, giống gia cầm; 2 tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng; 5 tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thú y và 3 tiến bộ kỹ thuật về xử lý môi trường chăn nuôi.

Đồng thời, ngành chăn nuôi cũng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 3 Giải thưởng Nhà nước.

Chưa thực sự bền vững

Theo ông Phạm Kim Đăng, ngành chăn nuôi nước ta trong thời gian qua đã phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Dịch bệnh Covid-19, chiến sự Nga – Ukraine kéo dài đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Lạm phát toàn cầu, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, giảm tiêu thụ, chăn nuôi thế giới sản lượng sụt giảm, tồn kho nhiều…

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn duy trì tăng trưởng tốt, ở mức bình quân 4,5 – 5%/năm, từng bước trở thành lĩnh vực quan trọng của ngành nông nghiệp, đóng góp 22,5 – 26,7% trong tổng giá trị sản xuất ngành. Đặc biệt, với nhiều tiềm năng và lợi thế, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn thu hút được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) quan tâm đầu tư và phát triển.

Số liệu: Cục Chăn nuôi. Biểu đồ: Hồng Thắm.

Riêng với lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, báo cáo của Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh. Năm 2022 đã sản xuất hơn 20,8 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, trong đó doanh nghiệp FDI sản xuất hơn 13 triệu tấn, chiếm 62,5%, doanh nghiệp trong nước sản xuất hơn 7,8 triệu tấn, chiếm 37,5%.

Ông Đăng khẳng định, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam đã và đang phát triển chưa thực sự bền vững, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian tới, ngành sẽ tập trung một số giải pháp để phát triển bền vững vừa đảm bảo lợi nhuận kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi động vật.

Đặc biệt, sự chia sẻ lợi nhuận của các tác nhân của chuỗi khi biến động giá sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay người chăn nuôi đang chịu thiệt thòi nhất trong chuỗi. Quan trọng vẫn là sản xuất theo nhu cầu, tín hiệu của thị trường.

Theo ông Đăng, ngành thủy sản đã làm được điều này khi xuất khẩu và chinh phục hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì tín hiệu, nhu cầu, đặc biệt yêu cầu chất lượng của thị trường xuất khẩu rất rõ ràng, minh bạch nên buộc người sản xuất phải tuân thủ điều chỉnh cả nhận thức, ý thức. Nếu không tuân thủ thì mất thị trường, mất công ăn việc làm, thậm chí phá sản nên người nuôi trồng thủy sản thay đổi sản xuất vừa là trách nhiệm với thị trường, cộng đồng và trách nhiệm với chính bản thân họ.

Như vậy, sản xuất sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế, kể cả thị trường khó tính, khắt khe trong điều kiện sản xuất của Việt Nam vẫn khả thi và có thể làm được là bởi chính nông dân Việt, kỹ thuật, quản lý chất lượng vẫn là cán bộ Việt.

“Sự nhận thức, hiểu biết cũng như sự tự giác của người sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững. Người chăn nuôi phải tự giác, thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa, chuyên nghiệp. Nhà nước chỉ hỗ trợ, định hướng, quản lý đầu vào cho sản xuất chứ không thể kiểm tra và bắt người sản xuất phải thay đổi”, ông Đăng nhấn mạnh.

“Để phát huy hơn nữa vai trò của khoa học công nghệ ngành chăn nuôi – thú y, cần nghiên cứu ban hành chính sách nhằm khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước tận tâm với ngành thông qua ưu đãi vật chất và tinh thần. Tăng cường vai trò của Nhà nước trong nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực chăn nuôi – thú y như cung cấp kinh phí xây dựng ngân hàng gen vật nuôi, ngân hàng nguồn bệnh vật nuôi… Có cơ chế thỏa đáng để khuyến khích các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ thay vì chỉ đầu tư vào sản xuất như hiện nay”, ông Nguyễn Duy Hoan, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/nguoi-chan-nuoi-phai-co-tu-duy-san-xuat-hang-hoa/
Tin liên quan
Chưa có thông tin