|
  • :
  • :

Người nông dân chuyên nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông dân phải chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp là “chìa khóa” của nền nông nghiệp bền vững và hiện đại, khắc phục điểm yếu vốn được đánh giá là manh mún, nhỏ lẻ...

Bài 1: Làm nông thời hội nhập

Làm nông nghiệp thời đại mới không đơn thuần là câu chuyện về giống, kỹ thuật canh tác, mà còn ở cách người nông dân tự làm mới mình từ suy nghĩ đến hành động. Điều này giúp họ bắt nhịp với cách vận hành của thị trường và ngày càng chuyên nghiệp.

Nông dân tìm hiểu máy móc mới, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất chuyên nghiệp

Đến xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, dễ dàng cảm nhận niềm vui của bà con nơi đây. Cũng trồng khóm, nhưng giờ nông dân đã đổi mới cách canh tác đạt chứng nhận VietGAP và đang thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhờ đó mà khóm thu hoạch đợt nào bán hết đợt nấy, nông dân an tâm sản xuất.

Ông Vu Sủi, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: HTX có hơn 100 bà con nông dân cùng tham gia sản xuất trên quy mô diện tích gần 180ha. Cây khóm mang lại cuộc sống ổn định cho bà con. Doanh nghiệp bao tiêu, thu mua khóm xuất khẩu nên không lo đầu ra, giá cả. 

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, HTX Thạnh Thắng còn đưa vào áp dụng phương pháp tưới thông minh, kết hợp với hệ thống đê bao được đầu tư hoàn thiện nên vùng có nước ngọt phục vụ sản xuất quanh năm.

Khóm to bán trái, khóm nhỏ được lên đời thành nước màu khóm, siro khóm, chế biến rượu và định hướng sắp tới sẽ làm khóm sấy. Củ hủ khóm cũng được làm dưa chua, làm nhân bánh xèo,… Tất cả góp phần nâng cao giá trị cho cây khóm.

Nắm bắt xu hướng để làm nông hiện đại cũng là cách Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, đang hướng tới. Đơn vị có khoảng 120ha đất sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và cũng là nơi tiêu thụ trái cây cho hơn 300 nông dân trong tỉnh thông qua việc ký kết hợp đồng với tổng diện tích bao tiêu gần 400ha.

Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP, chia sẻ: “Thời gian tới, hợp tác xã sẽ khởi công xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến, công suất khoảng 20.000 tấn/năm. Chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu từ 3.000-3.500 tấn trái cây sang thị trường nước ngoài như: Anh, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan…, trong đó chủ lực là bưởi da xanh, chanh không hạt… Trong 9 tháng đầu năm nay, HTX đạt khoảng 60% kế hoạch. Cuối năm, lượng hàng xuất nhiều hơn so với đầu năm, sức tiêu thụ tăng mạnh. Năm nay, HTX tập trung nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu”.

Cũng theo ông Sơn, hiện tất cả sản phẩm xuất khẩu của HTX đều áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, có ghi nhật ký, truy suất nguồn gốc rõ ràng. Đội ngũ kỹ sư nông nghiệp xuống hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tuy nhiên, ông Sơn đánh giá, do đặc thù sản xuất cây ăn trái nên việc ứng dụng cơ giới hóa của đơn vị còn chậm, chỉ một số khâu áp dụng máy móc tự động và bán tự động.

Nông dân Hậu Giang được địa phương hỗ trợ để phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp.

Phải có suy nghĩ mới

Có thể thấy, từng bước chuyên nghiệp và chuyên môn hóa trong từng quy trình sản xuất đang là hướng đi được nhiều bà con nông dân, HTX chọn lựa. Đây được xem là bước đi sống còn trong thời đại 4.0, nông nghiệp không chỉ quẩn quanh trong nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu.

Điển hình như tại HTX nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Đơn vị có 504 thành viên, tham gia liên kết sản xuất trên quy mô 530ha, chia thành 3 khu sản xuất. Mỗi khu chỉ sản xuất một giống lúa, tất cả đều sử dụng giống xác nhận. Vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm đều được thực hiện bằng phương pháp đấu giá, để nông dân có được mức lợi nhuận tốt nhất.

Bên cạnh đó, HTX cũng đưa ra một quy trình sản xuất, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sử dụng đều được các xã viên ghi chép lại bằng sổ nhật ký điện tử và công bố rộng rãi đến các doanh nghiệp. Trong quá trình thu hoạch, các loại máy cắt, máy gặt đập liên hợp cũng được quy định cụ thể đảm bảo hài hòa lợi ích giữa xã viên và doanh nghiệp. Định kỳ 2 lần/tháng, lãnh đạo xã sẽ cùng họp với HTX, lực lượng đoàn viên thanh niên của xã cũng giúp cho xã viên trong việc ghi chép nhật ký điện tử.

Còn tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán chuyên sản xuất nhãn ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, cho hay: Từ hội quán ban đầu, đơn vị đã hình thành Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa. HTX có trên 120 thành viên tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, LocalGAP. HTX đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu trái nhãn sang thị trường châu Âu, Australia, Mỹ, Nhật, Trung Quốc... mở ra cơ hội mới cho nông sản quê nhà.

“Bà con xã viên còn gặp nhiều khó khăn như thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, đặc biệt là kỹ năng đàm phán, tìm kiếm thị trường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mong muốn ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho cây nhãn để có đủ điều kiện vươn ra thị trường bên ngoài; xây dựng kho lạnh bằng công nghệ mới để bảo quản sau thu hoạch”, ông Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.

Trong khi đó, tại Hậu Giang, bên cạnh sự nỗ lực của bà con nông dân, HTX thì chính quyền địa phương cũng đã và đang sát cánh để đưa ngành nông nghiệp tỉnh phát triển. Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II, đánh giá: Hậu Giang rất hay. HĐND tỉnh Hậu Giang có một nghị quyết hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp giải pháp để làm sao nâng cao chất lượng nông sản của tỉnh lên và hỗ trợ rất là cụ thể. Nông dân muốn là tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ được hỗ trợ thực hiện. Nghị quyết 26 tỉnh Hậu Giang là phát triển nông nghiệp bền vững, gắn rất là nhiều chuyện phát triển nông dân chuyên nghiệp.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cùng là một loại nông sản nhưng khi chuyên nghiệp, sẽ bán giá cao hơn, thu lợi nhuận cao hơn. Điều này có nghĩa là thu nhập không chỉ dựa vào sản lượng mà dựa vào kiến thức thị trường, kỹ năng kinh doanh nông sản, bằng sự hợp tác của người nông dân lại trong một không gian rộng hơn không gian gia đình. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Không có tri thức thì không thể chuyên nghiệp. Không có nông dân chuyên nghiệp thì không có ngành nông nghiệp chuyên nghiệp, không có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.

“Chúng ta đã có một bộ phận nông dân chuyên nghiệp rồi. Tôi quan sát thấy trong lúc rủi ro thị trường nhất thì những sản phẩm từ người nông dân chuyên nghiệp ít rủi ro bởi vì người biết cách thích ứng với sự thay đổi. Người nông dân biết lên facebook, zalo tự giới thiệu nông sản để bán hàng, đó cũng là tính chuyên nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm đắc.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/nguoi-nong-dan-chuyen-nghiep-114992.html