Chuỗi liên kết thiếu bền vững
Thời gian qua, mặc dù trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa có mô hình liên kết chăn nuôi dê, cừu, nhưng thực tế người dân vẫn duy trì chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi dê, cừu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như chủ cơ sở giết mổ dê, cừu Bích Huyền, ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm); cơ sở Lê Thị Hoa, ở xã Phước Vinh (Ninh Phước) liên kết với các hộ nuôi cung cấp giống nuôi và tổ chức thu mua sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Tham gia chuỗi giá trị liên kết chăn nuôi dê, cừu thịt vỗ béo này, chủ cơ sở kinh doanh giết mổ sẽ cung cấp cho mỗi hộ nuôi từ 25-50 con giống dê, cừu, với trọng lượng 10-15 kg/con theo giá thị trường và đến kỳ xuất chuồng sẽ thu mua lại. Người chăn nuôi đầu tư chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y, sau thời gian nuôi 4-5 tháng, trọng lượng bình quân 28-40 kg/con. Sau khi trừ hết chi phí, người nuôi lãi từ 0,5-0,6 triệu đồng/con.
Trang trại chăn nuôi cừu ở xã Phước Trung (Bác Ái). Ảnh: CTV
So với cách làm truyền thống, cách làm này hiệu quả hơn, giúp người chăn nuôi chủ động nguồn giống, thời gian nuôi rút ngắn; dê, cừu tăng trọng nhanh, ít dịch bệnh, có nơi tiêu thụ đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Người chăn nuôi còn tận dụng nguồn phân để bón cỏ và bán để tăng thêm thu nhập nên người chăn nuôi ủng hộ. Tuy nhiên chuỗi liên kết này hiện mới có hơn 200 hộ nuôi dê, cừu và các thương lái tại các địa phương tham gia với số lượng khoảng trên 13.000 con dê, cừu mỗi năm. Riêng liên kết nuôi dê, cừu thịt của doanh nghiệp (DN) Triệu Tín và nông dân ở các địa phương từng được kỳ vọng trong hoạt động liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị theo kiểu người dân có chuồng trại, công chăm sóc, đất trồng cỏ, DN cung ứng con giống cho nông dân để phát triển sản xuất, nuôi dê, cừu vỗ béo. Tuy nhiên hiện nay, cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín, đang dừng hoạt động… Trên địa bàn tỉnh, hiện có Công ty Nhật Thành Food, thực hiện giết mổ và sơ chế sản phẩm thịt dê, cừu tươi đóng gói ra thị trường là sản phẩm đặc thù của tỉnh đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP; được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận” do Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp, nhưng hiện chưa tạo được liên kết chuỗi giá trị với người sản xuất.
Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Khó khăn trong chuỗi liên kết chăn nuôi hiện nay là thói quen của người chăn nuôi gia súc, gia cầm đến giai đoạn xuất chuồng thường chỉ bán cho thương lái và giá cả do thương lái quyết định. Thịt gia súc, gia cầm tại tỉnh chủ yếu tiêu thụ tại các chợ và siêu thị trong và ngoài tỉnh. Riêng thịt dê, cừu chủ yếu xuất bán vào TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Bình Thuận, Hà Nội… một số ít tiêu thụ tại các quán ăn, nhà hàng trong tỉnh. Sản phẩm bán ra thị trường chỉ đơn thuần là cừu còn nguyên con, thịt tươi sống, chưa có sản phẩm dê, cừu qua chế biến để khách hàng lựa chọn…
Giải pháp tạo chuỗi giá trị
Nhằm phát triển sản xuất chăn nuôi theo theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, ngành Nông nghiệp đang khuyến khích sản xuất trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị và kinh tế tuần hoàn; thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi (cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm) theo hướng tập trung, giết mổ, chế biến, tiêu thụ nhằm tạo chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ và định hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Với mục tiêu phát triển đàn dê đến năm 2025 đạt 130.000 con và định hướng đến năm 2030 đạt 160.000 con; tốc độ tăng bình quân 2,93%/năm; tăng sản lượng thịt dê bình quân đạt 3,5%/năm. Phát triển đàn cừu đến năm 2025 đạt 150.000 con và định hướng đến năm 2030 đạt 220.000 con, tốc độ tăng bình quân 8,3%/năm; tăng sản lượng thịt cừu bình quân 4-5%/năm.
Theo ông Phan Đình Thịnh, để tạo được chuỗi giá trị trong sản phẩm chăn nuôi, tỉnh tiếp tục thu hút các DN quy mô lớn đầu tư phát triển chăn nuôi dê, cừu. Giữ vững và phát triển dê, cừu là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận” và thương hiệu “Cừu Ninh Thuận”. Cần có giải pháp hỗ trợ về chính sách, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, DN hoạt động sản xuất chăn nuôi, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm dê, cừu có điều kiện đầu tư, liên kết với các trang trại, hộ chăn nuôi từ khâu đầu vào đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả, đặc biệt là chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín. Đầu tư xây dựng hình thành từ 1-2 cơ sở chế biến, chế biến sâu thịt dê, cừu trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố, UBND cấp xã phải xây dựng nguồn lực con người, tài chính, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã chủ trì, liên kết với hộ chăn nuôi gia súc, làm cầu nối bao tiêu sản phẩm cung cấp cho các DN thụ sản phẩm chăn nuôi tại các địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, tiến tới kiểm soát một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong sản xuất cần tổ chức lại cách thức sản xuất theo tổ, nhóm thật bền chặt giữa các thành viên trong tổ, nhóm và giữa người chăn nuôi với cơ sở giết mổ, để tạo nên chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.