|
  • :
  • :

Nông dân không bỏ lơ bơ booth

Bơ booth từng là cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân làm giàu. Thế nhưng, vài năm qua, giá bơ booth xuống thấp, đầu ra không ổn định, khiến nhiều người chán nản. Trước thực tế này, nhiều bà con nông dân đã tìm cách xoay xở để duy trì vườn bơ, với hy vọng sẽ khởi sắc trong các vụ tiếp theo.

Hiện nay, nhiều người nông dân đã thấm thía việc chạy theo phong trào trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, những người trồng bơ booth với diện tích lớn gặp nhiều khó khăn vì giá "bắt đáy" nhiều năm qua.

Thời điểm này, giá bơ booth giảm còn 2.000 – 5.000 đồng/kg. Thậm chí, có những thời điểm bơ booth không tiêu thụ được, nên một số người dân chán nản, phá bỏ loại cây trồng này.

Thế nhưng, tại nhiều nhà vườn vẫn kỳ vọng bơ booth sẽ khởi sắc trong thời gian tới và kiên trì giữ lại vườn bơ. Nhiều người đã áp dụng các biện pháp chăm sóc vườn bơ hợp lý, tăng nguồn thu từ cây trồng xen, tránh áp lực chặt bơ lấy đất trồng cây khác.

Vườn bơ booth của ông Đỗ Bá Quý rụng đầy gốc vì không tiêu thụ được

Gia đình ông Đỗ Bá Quý, thôn 4, xã Đắk R’măng (Đắk Glong), có trên 3,5 ha đất sản xuất. Để bảo đảm nguồn thu nhập từ các loại cây trồng, ông đã bố trí 2 ha trồng cà phê xen 3.000 trụ tiêu. Diện tích còn lại ông trồng trên 200 cây bơ booth.

Ông Quý cho biết, vài năm nay, giá bán bơ booth quá thấp. Vườn bơ của gia đình vụ này ước đạt trên 20 tấn quả, nhưng không bán được. Bơ rụng đầy gốc, ông gom lại để ủ làm phân vi sinh bón cho cây trồng.

Để có được vườn bơ như hiện nay, gia đình ông đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của. Trong đó, công chăm sóc vườn bơ từ khi trồng đến nay là không thể tính được. Vì vậy, ông quyết tâm giữ lại vườn bơ booth này.

Hiện nay, vườn bơ vẫn được ông Quý chăm sóc với chế độ phù hợp để dưỡng cây. Ông tiến hành tỉa cành, tạo tán, ghép chồi, khống chế số lượng trái trên cây để giảm bớt lượng phân bón.

"Tôi nghĩ bơ cũng như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… có thời điểm rớt giá, nhưng sau đó phục hồi trở lại. Cây bơ có giá trị kinh tế, phù hợp với khí hậu địa phương, nên nếu chặt bỏ thì hết sức lãng phí", ông Quý cho biết.

Ông Đỗ Bá Quý áp dụng chăm sóc vườn bơ phù hợp để chờ vụ sau khởi sắc hơn

Còn đối với ông Trần Văn Bình, xã Cư K’nia (Cư Jút), để giữ lại vườn và tiếp tục có thu nhập, ông đã thực hiện biện pháp ghép chồi trên thân cây bơ booth trưởng thành.

Ông dùng chồi bơ 034, bơ sáp, hass… để ghép cho vườn bơ booth. Các giống bơ sáp địa phương, bơ đặc sản khi ghép vào gốc bơ booth vẫn phát triển bình thường, chỉ 1 – 2 năm là cho quả.

Ông Bình cho biết, ưu điểm của kỹ thuật ghép chồi bơ là bà con có thể tận dụng được gốc ghép đã lớn, thời gian ra quả nhanh, không phải chặt bỏ cây để trồng mới.

Vụ bơ vừa qua, nhiều vườn trồng bơ booth trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về đầu ra thì vườn bơ ghép của ông Bình vẫn tiêu thụ bình thường. Có thời điểm, sản phẩm bơ của ông được thương lái mua trên 20.000 đồng/kg.

Để phát triển bền vững, Sở NN-PTNT khuyến cáo người dân tập trung chăm sóc diện tích bơ hiện có. Bà con không nên vội vàng chuyển đổi bơ sang cây trồng khác khi giá bơ xuống thấp.

Những năm gần đây, cây bơ đã phát triển mạnh, nên tỉnh đang định hướng, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, hướng tới xuất khẩu. Từ đó, giúp bà con sản xuất bơ hiệu quả, có đầu ra ổn định.

 

Trong 5 năm qua, diện tích bơ của Ðắk Nông đã tăng lên gấp 4 lần, từ 1.000 ha lên mức gần 4.000 ha. Bơ tập trung nhiều nhất tại huyện Ðắk Song, với 42% diện tích; Tuy Ðức, Ðắk Mil, mỗi huyện chiếm 15,77% diện tích bơ toàn tỉnh.

Nguồn: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/nong-dan-khong-bo-lo-bo-booth-95917.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin