|
  • :
  • :

Nuôi dê lấy sữa – Hướng đi triển vọng cho nông dân

Mạnh dạn, sáng tạo và không lùi bước trước khó khăn, thất bại, anh Đỗ Cao Chí (ấp 1, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) từng bước thành công với mô hình nuôi dê lấy sữa.

Hiện trang trại của anh Đỗ Cao Chí có 200 con dê

Năm 2016, anh Cao Chí rời quê hương Củ Chi, TP.HCM, đến ấp 1, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa mua 10,4ha đất nông nghiệp mở trang trại nuôi bò kết hợp nuôi lươn và trùn quế. Tuy nhiên, những năm gần đây, bò không có giá, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên lợi nhuận không nhiều. Trước thực trạng này, anh nghiên cứu các mô hình chăn nuôi khác nhau và thử nghiệm nuôi dê lấy sữa bởi sữa dê có chứa nhiều vitamin, khoáng chất và có thị trường tiêu thụ lớn. Cuối năm 2021, anh đến các tỉnh miền Trung, miền Bắc học tập kỹ thuật chăn nuôi dê lấy sữa như thiết kế chuồng trại, quản lý dinh dưỡng, phòng bệnh, môi trường, cách phối giống, vắt sữa,… Anh Cao Chí chia sẻ: “Tôi cải tạo trang trại nuôi bò thành trang trại nuôi dê lấy sữa với thiết kế nhà sàn cao ráo, thoáng mát, chia theo từng khu vực như dê lấy sữa, dê thương phẩm. Năm 2022, tôi mua 40 con dê giống Saanen với giá 20 triệu đồng/con và bắt đầu phối giống. Đây là giống dê cho nhiều sữa, dễ chăm sóc. Nhờ áp dụng các kỹ thuật trong chăn nuôi nên đàn dê phát triển nhanh. Đến nay, trang trại có hơn 200 con dê, trong đó, 10 con dê đực, còn lại là dê đang vắt sữa và dê hậu bị, bình quân thu hoạch trên 50 lít sữa/ngày”.

Nuôi dê lấy sữa đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật, quy trình sinh sản để thu được nguồn sữa chất lượng, đồng đều, tuyệt đối không sử dụng các loại kháng sinh. Hiểu được điều này, anh Cao Chí chỉ phối giống cho dê đẻ 1 năm/lần (bình thường 2 năm/lần), mỗi lứa 1-2 con; tăng cường thức ăn có độ đạm cao vào 2 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt để hạn chế sữa dê có mùi, anh còn cho dê ăn thêm mít chín. Anh Cao Chí cho biết: “Dê thường mắc bệnh tiêu chảy, do đó, khi cắt cỏ cho dê ăn phải chọn thời điểm thích hợp nhất, từ 8-9 giờ; đồng thời, phải thường xuyên bổ sung thêm các loại cây cỏ có vị thuốc Nam và men vi sinh. Để chủ động nguồn cỏ và bảo đảm chất lượng, tôi trồng gần 3ha cỏ sả lá lớn xen mít.

Thời gian lấy sữa vào buổi sáng sớm và chiều tối, bình quân gần 2 lít sữa/ngày/con, chi phí thức ăn cho dê gần 12.000 đồng/ngày/con. Ngoài có nguồn thu nhập từ sữa dê, tôi còn có thu nhập từ bán dê đực và dê nái sau khi khai thác sữa, bán với giá từ 100.000-150.000 đồng/kg”.

Sau khi có nguồn sữa ổn định, anh Cao Chí thành lập Công ty TNHH Thái Ý Phương và tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị làm các sản phẩm từ sữa dê. Hiện công ty cho ra thị trường sản phẩm sữa chua dê sấy thăng hoa Sala được đóng gói, mỗi gói 20g, bình quân bán 5.000 gói/tháng với giá bán 45.000 đồng/gói. Dự kiến, công ty tiếp tục cho ra thị trường các dòng sản phẩm như mặt nạ sữa dê, sữa chua dê, sữa thanh trùng,… Để có nguồn sữa ổn định, thời gian tới, anh Cao Chí sẽ mở rộng chuồng trại lên gần 1.000 con.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Thủ Thừa – Nguyễn Văn Như nhận xét: “Anh Cao Chí là nông dân dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn, thất bại. Mô hình nuôi dê lấy sữa của anh đang mở ra nhiều hướng đi mới cho nông dân trên địa bàn huyện. Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam huyện phối hợp các ngành chức năng tạo điều kiện cho anh Cao Chí làm các hồ sơ, thủ tục để các sản phẩm từ sữa dê đạt chuẩn OCOP, góp phần quảng bá thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm”.

Theo xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại, nông dân cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Và anh Đỗ Cao Chí đang làm được điều này./.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/nuoi-de-lay-sua-huong-di-trien-vong-cho-nong-dan/
Tin liên quan
Chưa có thông tin