Chị Hoa thu hoạch trứng gà
Chị Đậu Thị Hoa, nông dân thôn Hòa Bình, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) vốn chuyên canh trồng cây cà phê, như hầu hết nông dân xung quanh. Tuy nhiên, gần đây, chị Hoa đã bỏ xấp xỉ 1 tỷ đồng đầu tư trang trại gà đẻ cao sản. Dù khá nhiều nông hộ còn băn khoăn bởi giá trứng cũng như tình hình dịch bệnh nhưng với chị Hoa, việc liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đã khiến rủi ro trong chăn nuôi giảm rất nhiều.
Chị Đậu Thị Hoa chia sẻ, chị vốn là nông dân trồng cà phê. Nhưng giá cà phê lên xuống thất thường, cộng với giá phân bón, thuốc men cao nên chị quyết tâm chuyển sang chăn nuôi, đa dạng hoá nguồn thu cho gia đình. “Trước khi làm chuồng, tôi cũng đi hỏi thăm nhiều trang trại chăn nuôi trong vùng. Và các trại cũng hướng dẫn nên nuôi theo liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP nên tôi cũng xác định sẽ mua giống từ CP” – chị Hoa kể lại. Tháng 4 năm 2023, chị kí hợp đồng mua gà giống của Công ty CP với 3 ngàn gà đẻ. Công ty đã hướng dẫn chị xây dựng chuồng trại đạt chuẩn với nhà xây rộng, xung quanh vây lưới, thoáng mát, có mái lót xốp cách nhiệt, hệ thống chuồng nuôi nhiều tầng với máng ăn, nước uống được cung cấp tự động. Chuồng nuôi đạt chuẩn sẽ giúp gà mau lớn, dễ quản lý, vệ sinh chuồng trại, giảm khả năng phát sinh bệnh tật. Công ty hướng dẫn rất kỹ về quy trình vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn, dọn vệ sinh hàng ngày để đảm bảo quản lý dịch bệnh.
Sau khi đã khử trùng chuồng nuôi và xung quanh, chị Hoa thả gà đẻ và tuân thủ đúng kỹ thuật chăn nuôi. Chị cho biết, nếu nhiều nông hộ có kinh nghiệm thường nuôi gà giống nhỏ 1 ngày tuổi thì chị mua gà đã được 16 tuần. Đây là gà hậu bị chuẩn bị đẻ, trọng lượng chuẩn 1,25 kg/con. Mang về nhập chuồng, chỉ sau 1 tuần làm quen với chế độ chăm sóc mới, lứa gà đã bắt đầu đẻ. Chị Hoa cho biết, khi bắt đầu đẻ, bầy gà chỉ đạt tầm 80% tỷ lệ gà mái. Sau 3 tháng, tỷ lệ gà đẻ có thể lên tới 95% bầy. Giá của một con gà 16 tuần tuổi là 115 ngàn đồng, một mức đầu tư không nhỏ. Chị đã bỏ ra trên 400 triệu đồng để mua trên 3 ngàn gà, chưa kể tiền xây trại, hệ thống chuồng… Chị Hoa đánh giá: “Mua gà của CP giá cao hơn thị trường bên ngoài khá nhiều, mức đầu tư lớn. Tuy nhiên, bù lại công ty hỗ trợ nông dân kỹ càng, theo dõi sát sao, thường xuyên tới trại kiểm tra sức khoẻ gà, hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật. Gà của CP cũng là giống gà chuẩn, khỏe mạnh, không bệnh tật, tỷ lệ đẻ cao. Công ty cam kết gà đẻ đều trong 15 – 18 tháng nên nông dân yên tâm đầu tư”.
Đặc biệt, ký hợp đồng chăn nuôi với nông hộ, Công ty CP sẽ đảm bảo bao tiêu đầu ra cho trứng gà của nông dân – chị Đậu Thị Hoa cho biết. Chính vì sự đảm bảo của công ty, chị yên tâm đầu tư với số tiền gần 1 tỷ đồng vào trại gà đẻ. Hiện tại, chị đang thu được 2.600 trứng, khoảng 140 kg trứng/ngày. Còn lượng phân gà thu được hàng ngày, chị Hoa vừa sử dụng cho diện tích cà phê, sầu riêng của gia đình, vừa bán cho nông dân xung quanh với giá 30 ngàn đồng/bao. Với giá bán trung bình từ 45 – 50 ngàn đồng/kg trứng gà, hàng tháng chị cũng thu được xấp xỉ 70 – 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Chị Hoa cũng cho biết, sau khi gà hết tuổi đẻ, gà được thu mua với giá 70 ngàn đồng/kg, cũng là khoản thu tốt cho nông dân.
Anh Nguyễn Văn Toán – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thanh nhận xét, mô hình chăn nuôi theo liên kết với doanh nghiệp của gia đình chị Đậu Thị Hoa là mô hình chăn nuôi cho kết quả khả quan. Chị Đậu Thị Hoa đã liên kết với doanh nghiệp, được đảm bảo từ đầu vào – đầu ra và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc thường xuyên, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Từ mô hình cụ thể của chị Hoa, nhiều nông hộ cũng bắt tay vào chăn nuôi theo hướng liên kết với doanh nghiệp, giúp việc chăn nuôi an toàn hơn với người nông dân, giảm rủi ro, tăng năng suất, hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.