Giá heo hơi dao động từ 4,9 – 5,1 triệu đồng/tạ và kéo dài nhiều tháng qua khiến người chăn nuôi không có lãi. Ảnh: Minh Đảm.
Giá thấp kéo dài nhiều tháng
Trong khi tình hình chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ ngày càng ảm đạm nhiều gia trại tầm trung vẫn có lời. Qua chia sẻ của chủ nhân các trang trại này điểm chung lại, để tồn tại là sự chủ động sản xuất được một trong các yếu tố đầu vào thức ăn và con giống.
Huyện Mỏ Cày Nam được xem là thủ phủ ngành chăn nuôi heo ở tỉnh Bến Tre với tổng đàn dao động khoảng 240 nghìn con. Heo Mỏ Cày Nam nổi tiếng từ lâu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ Heo Mỏ Cày Nam.
Tuy nhiên, theo bà Thái Thị Mỹ Duyên, một cán bộ phụ trách lĩnh vực chăn nuôi thuộc Phòng NN-PTNT huyện cho hay: Tại địa phương có một cơ sở giết mổ quy mô lớn khoảng 300 con/ngày đêm. Cơ sở này liên kết với một số nông hộ để thu mua, giết mổ tại chỗ và xuất bán thịt heo đông lạnh tại một số thị trường ngoài tỉnh.
Thế nhưng so với sản lượng của huyện thì sản lượng tiêu thụ qua liên kết vẫn còn rất thấp. Đa số heo của bà con chăn nuôi được tiêu thụ dưới hình thức xuất bán heo hơi, bên cạnh đó chưa khai thác tốt giá trị của chứng nhận bả hộ nên chưa tạo giá trị gia tăng cao.
Chăn nuôi an toàn sinh học tại hộ ông Lê Văn Hoàng. Ảnh: Hữu Đức.
Hiện nay, bối cảnh chung giá cả đầu vào của ngành chăn nuôi heo ngày bất lợi. Giá thức ăn, con giống, thuốc thú y, chi phí đầu tư cơ sở vật chất, tiền nhân công ngày càng tăng cao. Theo chia sẻ từ các nhà chăn nuôi có quy mô nhỏ (nông hộ khoảng từ vài con đến vài chục con) chi phí một số đầu vào đối với heo hơi xuất chuồng khoảng 4,8 – 5 triệu đồng/tạ.
Trong khi đó, chi phí con giống (10-12kg) khoảng 850 nghìn đến 1 triệu đồng, thức ăn khoảng 3,5 triệu đồng, vacxin và thuốc thú y phòng trị bệnh khoảng 300 – 500 nghìn đồng. Đó là chưa kể tiền khấu hao chuồng trại, điện, nước…
Từ tháng 12/2022 đến nay, giá heo hơi dao động từ 4,8 – 5 triệu đồng/tạ, có thời điểm giá heo hơi có nhích lên chút đỉnh nhưng kéo dài không lâu. Về mặt lý thuyết, với giá này mỗi con heo xuất chuồng người nuôi có thể lãi 100 – 200 nghìn đồng. Tuy nhiên, thực tế heo lớn không đồng đều nên người nuôi chỉ hòa vốn và lỗ công chăm sóc, điện, nước.
Theo các cơ quan quản lý cho hay dù chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ đã giảm nhiều do những tác động bất lợi như giá cả thị trường bấp bênh, dịch bệnh nhưng nhìn chung hiện nay vẫn còn chiếm đa số. Dưới tác động của thị trường, nông dân sẽ dễ dàng bị tổn thương và không thể cầm cự lâu dài.
Nông dân, trang trại xoay xở thích ứng
Để thích nghi với tình hình hiện nay, một số trang trại chuyển sang hướng nuôi gia công cho doanh nghiệp và nhận tiền công chăm sóc trên mỗi con heo xuất chuồng. Hình thức thứ hai là nhà chăn nuôi tự chủ một trong hai hoặc cả hai yếu tố có chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn đó là nguồn thức ăn và con giống. Hiện một số trang trại chăn nuôi có quy mô tương đối lớn ở ĐBSCL đã chuyển sang tự chế biến thức ăn, tiết kiệm chi phí này đến thấp nhất có thể.
Ông Hồ Văn Truyền, chủ một trang trại nuôi trên 1.000 con heo thịt tại xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre tâm sự nghề nuôi heo mấy năm nay phần nhiều không lãi bởi giá thức ăn cứ liên tục tăng. Qua tham quan các mô hình tự chế biến thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai, ông học tập kinh nghiệm và trại nuôi của ông đã dần tự chủ được thức ăn cho heo. Ông nói, với cách làm này giá thành thức ăn sẽ giảm xuống và kiểm soát tốt hơn thành phần của thức ăn.
Cụ thể như, ông tìm đến tỉnh Long An để mua bắp nguyên liệu, các nhà máy xay xát gạo ở thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) để mua cám. Song song đó, ông cũng tìm kiếm các đại lý cung cấp đậu nành (đỗ tương) và men vi sinh, axit amin… để phối trộn tạo thành thức ăn có công thức dinh dưỡng tương tự như một số sản phẩm công nghiệp trên thị trường.
“Tôi sử dụng một số chế phẩm sinh học để lên men thức ăn, phòng chống bệnh. Men vi sinh giúp vật nuôi tiếp thu hết độ đạm, sẽ ít tiêu tốn thức ăn hơn, chất thải của heo cũng ít mùi hôi, heo lớn nhanh. Cách làm này, các trại nuôi ở tỉnh Đồng Nai đã thực hiện rất lâu, cách đây chừng 10 năm”, ông Truyền chia sẻ.
Còn đối với việc giá thành đậu nành tăng cao ông cũng cho rằng đây cũng là khó khăn không nhỏ. Bởi thành phần đậu nành cung cấp đạm thực vật chiếm khoảng 15-25% công thức thức ăn tại trại nuôi của ông (tuỳ theo thời điểm heo lớn nhỏ). Ông nói rằng, trường hợp đậu nành tăng rất cao, người nuôi có thể thay thế bằng đạm động vật như bột thịt, bột cá (cá tra, ba sa thuỷ phân).
Hiện nay, bình quân giá mỗi bao thức ăn cho heo trên thị trường khoảng 350 nghìn đồng, riêng thức ăn do trại nuôi của ông tự chủ chế biến có giá thành thấp hơn so với thị trường từ 70.000 đồng/bao. Nếu không tự chế biến thức ăn, ông nói, chi phí này cho mỗi con heo đến khi xuất chuồng là 3,5 triệu đồng. Nhờ tự chủ tiền thức ăn nên chi phí này đã tiết kiệm được ít nhất 500 nghìn đồng/con.
Nhờ lợi thế quy mô, ông Hoàng mua được thức ăn chăn nuôi với chiết khấu cao. Ảnh: Minh Đảm.
Gia đình ông Lê Văn Hoàng ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cũng có thâm niên khoảng 20 năm trong nghề chăn nuôi, nhất là heo. Thời gian qua, trang trại của ông luôn đứng vững trước mọi “cơn bão” của thị trường. Bí quyết của ông là quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tự chủ nguồn con giống. Nếu người nuôi nông hộ quy mô nhỏ hiện đang huề vốn thì ông vẫn có lãi vài trăm nghìn đồng/con nhờ tự sản xuất được con giống.
Hiện trại nuôi của ông Hoàng có 100 con heo nái, mỗi lứa đẻ khoảng 1.000 con. Số heo con này ông tiếp tục nuôi thương phẩm. Về chi phí sản xuất heo giống, nếu bình quân mỗi đàn có 10 heo con chi phí này khoảng 700 – 750 nghìn đồng/con. So với nếu phải mua heo giống thì đã giảm được bình quân 200 nghìn đồng/con.
Bên cạnh đó, nhờ quy mô lớn, ông mua thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ công ty sản xuất, được chiết khấu cao, tương đương với đại lý cấp 1. Yếu tố quan trọng nhất theo ông chia sẻ đó là quy trình chăn nuôi an toàn, khép kín. Về mặt chăm sóc heo, người con trai của ông là bác sỹ thú y sẽ trực tiếp đảm nhiệm quản lý. Nhờ những yếu đó nên nghề chăn nuôi của gia đình ông Lê Văn Hoàng đã có lãi khá so với các nông hộ khác do tiết giảm được nhiều chi phí và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Trong bối cảnh chi phí đầu vào ngày càng tăng cao, nhất là giá thức ăn chăn nuôi nhưng giá heo hơi thị trường luôn biến động ông Hoàng, ông Truyền đều cho rằng, ngành chăn nuôi sẽ chuyển dần sang tập trung, quy mô lớn tại các trang trại của doanh nghiệp. Chăn nuôi nhỏ lẻ, không tự chủ thức ăn, công nghệ, kỹ thuật, tiết giảm chi phí sẽ không tồn tại được, thậm chí các gia trại lớn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nếu như cách đây 10 năm, cả nước có tới 10 triệu hộ chăn nuôi thì đến năm 2021 đã giảm xuống còn 4 triệu hộ, đến cuối tháng 3/2023 chỉ còn không tới 2 triệu hộ. Trước thực tế này, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng nếu không sớm có các giải pháp đồng bộ, nhiều địa phương sẽ đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” về chăn nuôi nông hộ.
Trước tình hình giá cả nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngày càng biến động nhằm chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, từ đầu tháng 4/2023 các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này đã điều chỉnh giảm giá từ 100 – 400 đồng/kg, tương đương 2.500 – 10.000 đồng/bao hoặc tặng 1 bao cùng loại khi khi mua từ 20 – 40 (tuỳ sản phẩm).