|
  • :
  • :

Phát huy thế mạnh nông nghiệp để đi lên

Huyện Long Mỹ ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Huyện đang tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thu hút đầu tư để tạo đà bứt phá. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Nhãn (ảnh), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ.

Nông nghiệp là thế mạnh của huyện Long Mỹ nên thời gian qua được quan tâm đầu tư, tái cơ cấu theo hướng tập trung, chất lượng và bền vững. Xin ông cho biết cụ thể hơn về kết quả này ?

- Thế mạnh lớn nhất của huyện Long Mỹ chính là nông nghiệp, sản xuất lúa, khóm, mãng cầu, bưởi... và khai thác tiềm năng mặt nước nuôi thủy sản, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đầu tiên của vùng ĐBSCL.

Nông dân huyện Long Mỹ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. 

Những năm gần đây, huyện tập trung mọi giải pháp tốt nhất để đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất lúa, rau màu,… theo hướng hữu cơ hóa nhằm hướng tới một nền nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Đối với sản xuất theo hướng VietGAP và đăng ký mã số vùng trồng trên địa bàn huyện hiện có 97 hộ tham gia với 113,64ha… Trên toàn huyện đã được cấp 12 mã vùng trồng, diện tích 165ha với 107 hộ, trong đó gồm các loại cây trồng như bưởi da xanh, mít, dưa hấu. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung xây dựng và được UBND tỉnh công nhận 10 sản phẩm OCOP, dự kiến đến cuối năm 2022, huyện sẽ hoàn thành và trình tỉnh công nhận thêm 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Trong năm 2022 này, huyện đã tiếp nhận và thực hiện hồ sơ để cấp mới 5 mã số vùng trồng trên địa bàn, diện tích 261,88ha với 171 hộ. Trong đó, vùng trồng chanh không hạt thực hiện tại xã Vĩnh Viễn A; vùng trồng bưởi da xanh thực hiện tại HTX bưởi da xanh, ấp 7, xã Thuận Hưng và ấp 5, xã Thuận Hòa; vùng trồng lúa thực hiện ở ấp 9, xã Thuận Hưng và ấp 7, xã Lương Nghĩa. Còn vùng trồng khóm, thực hiện tại HTX Phúc Thịnh, ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, diện tích 50,2ha với 22 hộ.

Tôi tin tưởng, với nền tảng khá vững, những điểm sáng về nông nghiệp ứng dụng nhiều loại công nghệ, cho ra những nông sản đủ sức cạnh tranh, an toàn; tiềm năng phát triển ở lĩnh vực này còn dồi dào và người dân trong huyện luôn biết chịu khó, học hỏi thì Long Mỹ sẽ sớm có thương hiệu huyện nông nghiệp công nghệ cao...

Năm 2022 là năm thứ 2 của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, cũng là năm được dự báo nền kinh tế cả nước tiếp tục gặp những khó khăn. Vậy kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay, mà cụ thể là những tháng cuối năm ra sao, thưa ông ?

- Với tinh thần chung của tỉnh  “đổi mới, đột phá, quyết liệt và khát vọng”, địa phương tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh và cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch để xây dựng các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả.

Huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, tập trung vào 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, nhất là nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Tập trung phối hợp với Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là vùng viên lang bãi bồi bên ngoài đê bao ngăn mặn; phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng gắn với các điểm di tích lịch sử; tranh thủ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của địa phương.

Tập trung tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với thị trường, phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Tranh thủ sự đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông chính, đường liên tỉnh, đường tỉnh, huyện - xã và duy tu sửa chữa các tuyến hiện có. Vận dụng tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh để thu hút đầu tư trên địa bàn, chính sách khuyến công để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Tập trung khuyến khích các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến hàng nông sản. Tiếp tục thu hút đầu tư vào địa bàn, mở rộng, phát triển các chợ truyền thống, tạo điều kiện tốt cho phát triển thương mại - dịch vụ.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, từng bước xây dựng bộ máy chính quyền hiện đại, thân thiện, phục vụ Nhân dân.

Quan tâm làm tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là dịp lễ, tết.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng - an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự xã hội trên địa bàn, kiềm chế tai nạn giao thông và phạm pháp hình sự.

Năm 2022 là “Năm doanh nghiệp của tỉnh” với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Đối với các doanh nghiệp đã, đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại huyện, ông có chia sẻ, cam kết gì với các nhà đầu tư ?

- Năm 2022 là “Năm doanh nghiệp của tỉnh” với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, với vai trò người đứng đầu cấp ủy cấp huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị huyện nghiên cứu, vận dụng tốt các chính sách, Nghị quyết, chương trình của tỉnh đối với các doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường gặp gỡ, đối thoại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư và cam kết luôn đồng hành chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện, đúng theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh.

Năm 2022 huyện Long Mỹ đặt mục tiêu: Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh) đạt từ 3.861 tỉ đồng; cơ cấu chuyển dịch (giá thực tế): Khu vực I chiếm 64,04%, khu vực II chiếm 20,18%, khu vực III chiếm 15,78%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 572 tỉ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5% trở lên...

 

Xin cảm ơn ông !

MỘNG TOÀN thực hiện

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/phat-huy-the-manh-nong-nghiep-de-di-len-113676.html