|
  • :
  • :

Quan tâm đến giảm phát thải carbon trong chăn nuôi

Chiều ngày 4/8/2023, Hội Chăn nuôi Việt Nam đã buổi làm việc với Công ty tài chính quốc tế – IFC (thuộc Ngân hàng thế giới).

Đoàn làm việc của IFC và lãnh đạo Hội Chăn nuôi Việt Nam chụp ảnh lưu niệm

Tiếp đoàn, về phía Hội Chăn nuôi Việt Nam có: TS Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch, TS Nguyễn Tất Thắng – Tổng Thư kí và ông Đoàn Trọng Lý – Trưởng Ban Tài Chính (Hội Chăn nuôi Việt Nam). Đoàn làm việc của IFC do bà Liên Anh – Trưởng ban thành viên chương trình kiến tạo thị trường tại Việt Nam và một số chuyên gia cao cấp của IFC

Theo đó, IFC tại Việt Nam đang tiến hành khảo sát để xây dựng dự án hỗ trợ thúc đẩy đầu tư tư nhân trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon.  IFC quan tâm đến các ngành phát thải nhiều carbon, mà chăn nuôi là một trong số các ngành đó. Hiện tại, ngành chăn nuôi chưa nằm trong danh sách phải kiểm kê carbon, nhưng sắp tới, về lâu dài chắc chắn phải đưa vào. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng có thể tạo tín chỉ carbon để trao đổi trên thị trường carbon.

Theo bà Liên Anh, hiện nay, IFC đã đầu tư vào một số doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam như Mavin, BAF, GREENFEED, ANOVA… Các doanh nghiệp mà IFC đầu tư đều phải cam kết vấn đề về xử lý môi trường. Hội Chăn nuôi Việt Nam là cơ quan đầu tiên mà Đoàn đến làm việc, để có thêm các tham vấn hữu ích cho dự án.

TS Nguyễn Xuân Dương hoan nghênh IFC đến làm việc, trao đổi với với Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ông cho rằng, giảm phát thải carbon là vấn đề lớn, cần xử lý vì ngành chăn nuôi chiếm khoảng 25% giá trị ngành Nông nghiệp. Chăn nuôi Việt Nam là ngành có nhiều 2 mục tiêu chính là đảm bảo an ninh dinh dưỡng và sinh kế của người Việt Nam.

Hiện nay, không gian chăn nuôi của Việt Nam nhỏ và ngày càng nhỏ đi, do mật độ chăn nuôi thuộc nhóm lớn nhất trên thế giới.  Hiện, Việt Nam là quốc gia có đàn lợn đứng thứ 6 trên thế giới, đàn thủy cầm đứng thứ 2, sản lượng thức ăn chăn nuôi thuộc top 10; trong khi đó mật độ dân số đông nhất thế giới (315 người/km²). Như vậy, áp lực về môi trường với chăn nuôi Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, chăn nuôi cũng là một trong những tác nhân không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn gây hiệu ứng nhà kính rất lớn, chiếm18-20% phát thải khí nhà kính, chủ yếu là do phân gia súc, đặc biệt là gia súc lớn.

Đến năm 2050, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0, thì Chính phủ Việt Nam chắc chắn phải tiến tới kiểm soát các lĩnh vực gây phát thải nhiều, mà chăn nuôi là lĩnh vực  rất quan trọng.

Việc kiểm soát carbon là rất quan trọng với các doanh nghiệp trong thời gian tới. Tài chính và công nghệ với  các doanh nghiệp dù khó, nhưng vẫn có thể tháo gỡ được. Tuy nhiên, vấn đề chính sách liên quan tới kiểm soát phát thải khí, tạo lập thị trường carbon thì cần tới Chính phủ và các cơ quan chức năng vào cuộc.

AHAV xác định việc giảm phát thải carbon trong chăn nuôi là một nhiệm vụ quan trọng. Bởi AHAV có hơn 100 các hội viên là các tập đoàn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… lớn. Trách nhiệm của AHAV là cần tích cực truyền thông, kết nối các tổ chức tài chính với doanh nghiệp để hướng tới ngành chăn nuôi xanh và kiểm soát carbon trong chăn nuôi.

Đoàn làm việc của IFC cho biết, IFC sẽ tiếp cận vấn đề phát thải carbon trong ngành chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đó là sử dụng các loại phụ gia trong thức ăn chăn nuôi, để giảm phát thải trong chính con vật nuôi; và thứ hai đó sử dụng các công nghệ để làm giảm phát thải bên ngoài. Dự án mà IFC đang nghiên cứu còn xây dựng được tiếp cận theo hướng tháo gỡ các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường carbon và mở cửa thị trường carbon, giúp người chăn nuôi có thêm động lực để xử lí môi trường.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/quan-tam-den-giam-phat-thai-carbon-trong-chan-nuoi/