|
  • :
  • :

Quảng Ngãi xác định trâu, bò là sản phẩm chăn nuôi chủ lực

Tỉnh Quảng Ngãi xác định, sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực của địa phương trong những năm tới là bò thịt và trâu thịt.

Bò thịt, trâu thịt được xác định là sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: LK.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi, trong 6 tháng đầu năm 2022, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Việc tái đàn heo sau dịch tả lợn Châu Phi tiến triển tốt khi tăng đàn theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng đạt kết quả khả quan, việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại đang tiến triển tích cực. Hiện trên địa bàn tỉnh có 81 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó có trang trại bò sữa của Vinamilk với số lượng gần 3.300 con.

Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, tỉnh Quảng Ngãi sẽ có số lượng đàn trâu khoảng 68.000 con, bò 320.000 con (trong đó tỷ lệ bò lai chiếm 74%), lợn 470.000 con, gia cầm 4,5 triệu con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 83.000 tấn.

Theo ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi, địa phương này hiện đã xác định sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực của địa phương trong những năm tới là bò thịt và trâu thịt.

Để đáp ứng được chiến lược này, trong năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng và trình phê duyệt các dự án hỗ trợ phát triển đàn bò theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng để sản xuất hàng hóa và cải tiến nâng cao tầm vóc đàn trâu trên địa bàn. Thời gian thực hiện hai dự án này kéo dài từ 2022 đến hết 2026.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng đã có nhiều trang trại chăn nuôi đang bắt đầu ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

“Nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học sẽ giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, do đó quy mô sản xuất được mở rộng, giúp giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Các cơ sở chăn nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín đã phổ biến tại các trại chăn nuôi giúp người chăn nuôi chủ động trong sản xuất”, ông Hạ chia sẻ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Hạ cho rằng, việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều tồn tại. Trong đó chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư vẫn còn phổ biến gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm và heo.

Công tác phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, truy xuất nguồn gốc trên địa bàn còn hạn chế, chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi chậm, chủ yếu là chăn nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi trang trại chưa phát triển; do hạn chế quỹ đất, thiếu vốn đầu tư, người chăn nuôi không tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi, thiếu trình độ quản lý và kỹ thuật.

Tỉnh Quảng Ngãi sẽ quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung để phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững. Ảnh: LK.

Nhằm hạn chế tác hại tiêu cực trước thực trạng trên đối đời sống của người chăn nuôi, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đang tích cực tìm kiếm, triển khai nhiều giải pháp cơ bản như cơ cấu lại đàn vật nuôi, thắt chặt chi phí đầu tư, cắt giảm đàn cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng dư thừa nguồn cung.

Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi tận dụng nguồn thức ăn hiện có tại địa phương như cám gạo, bột bắp, phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây họ đậu, cây bắp, bã bia, xác đậu nành… cũng như ap dụng các mô hình khuyến nông tận dụng nguồn liệu hiện có tại địa phương và tự phối trộn để hạ giá thành sản xuất.

Song song với đó, tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng vùng cấm chăn nuôi. Từ đó, hình thành phát triển vùng chăn nuôi tập trung an toàn sinh học theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường, sinh thái, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Lê Khánh

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/quang-ngai-xac-dinh-trau-bo-la-san-pham-chan-nuoi-chu-luc/
Tin liên quan
Chưa có thông tin