|
  • :
  • :

Quyết sách mở đường cho kinh tế tập thể vươn xa

Kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Hợp tác xã (HTX) đầu tiên vào tháng 3/1996 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/1997, tiếp đó là Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX phát triển. Các HTX từng bước chuyển đổi, thích ứng tốt hơn với sự biến động của cơ chế thị trường. Mô hình HTX mới, HTX phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành…

Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn cùng sự chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, kinh tế tập thể đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn cùng sự chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, kinh tế tập thể đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính khẳng định, qua gần 3/4 thế kỷ hình thành và phát triển, KTTT mà nòng cốt là HTX đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế hợp tác, HTX phát triển nhanh và bền vững.

Kỳ 1: Quyết sách “bắt đúng mạch”

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách quan trọng về KTTT. Trong đó, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) 13 ngày 18/3/2002, của BCH Trung ương Đảng khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT”, khu vực KTTT, HTX đã có sự thay đổi nhanh chóng.

Gần đây nhất, NQ 20 ngày 16/6/2022 được BCH Trung ương Đảng khóa XIII ban hành đã tái khẳng định và củng cố vai trò của KTTT để phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây chính là những quyết sách “bắt đúng mạch”, tạo đà thúc đẩy KTTT phát triển.

Quyết sách mở đường, khơi thông điểm nghẽn

Được hình thành và phát triển qua các thời kỳ lịch sử, với những bước thăng trầm, vượt qua khó khăn, thử thách, KTTT mà nòng cốt HTX có những đóng góp to lớn và quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có được những thành tựu to lớn đó chính là nhờ vào những quyết sách quan trọng, giúp mở đường, khơi thông điểm nghẽn…

NQ 13 của BCH Trung ương Đảng khóa IX là một trong những quyết sách đó. Sau hơn 20 năm thực hiện NQ này, đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần xây dựng NTM, bảo đảm an sinh xã hội…

Đến năm 2022, cả nước có gần 29.400 HTX; 125 liên hiệp HTX và 71.000 tổ hợp tác. Riêng HTX có hơn 5,9 triệu thành viên, doanh thu bình quân gần 3,6 tỷ đồng/năm/HTX, lợi nhuận bình quân 366 triệu đồng/năm.

Dù vậy, trước thực trạng khu vực KTTT còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu và mong muốn, đặt ra nhu cầu bức thiết cần phải củng cố và phát triển KTTT.

Theo đó, Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành NQ số 20 ngày 16/6/2022. NQ ra đời đã “bắt đúng mạch” yêu cầu, mong muốn của KTTT, từng bước khơi thông những điểm nghẽn thông qua các chính sách phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học- công nghệ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...

Tại Vĩnh Long, việc thúc đẩy phát triển KTTT được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Trong đó, phát huy vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thực hiện chức năng quyết định các vấn đề của địa phương và giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, thời gian qua HĐND tỉnh Vĩnh Long đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, góp phần cùng Đảng, Nhà nước mở đường cho KTTT phát triển.

Từ đầu nhiệm kỳ (2021-2026) đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 158 NQ (gồm 103 NQ cá biệt, 55 NQ quy phạm pháp luật (có 12 NQ đặc thù riêng của tỉnh).

Riêng năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành 3 NQ liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trong đó các HTX cũng được thụ hưởng từ những chính sách này, như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm đối với HTX nông nghiệp; hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030; chi phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2030.

Đặc biệt, để NQ sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thì bên cạnh tăng cường khảo sát, giám sát; lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của cử tri, HĐND tỉnh còn tổ chức tham vấn ý kiến để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, ban hành chính sách mới… phù hợp hơn.

Bổ sung, hoàn thiện chính sách từ yêu cầu thực tiễn

Ông Nguyễn Minh Dũng- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Qua khảo sát, giám sát và tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy có một số NQ được ban hành đã khá lâu nhưng chậm triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tính khả thi còn thấp. Nhiều tổ chức cá nhân chưa tiếp cận hoặc khó tiếp cận với các chính sách đã được ban hành, nhất là các HTX nông nghiệp…

Trước thực trạng trên, HĐND tỉnh đã tổ chức tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu tác động trước khi ban hành NQ.

Đây là điểm mới trong việc hoạch định chính sách của HĐND tỉnh. Các ý kiến đóng góp đều được ghi nhận, tiếp thu một cách bày bản, nghiêm túc nhằm làm cơ sở để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi… chính sách.

Gần đây nhất là vào ngày 23/3/2023, HĐND tỉnh ban hành NQ về “Sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh”.

HĐND tỉnh cũng dự kiến vào kỳ họp giữa năm 2023 sẽ ban hành NQ về “Chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực đối với thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức KTTT và mức hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức KTTT”.

Ông Nguyễn Minh Dũng nhấn mạnh: “Việc tổ chức tham vấn ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trước khi trình HĐND tỉnh ban hành chính sách là rất cần thiết để khi thực hiện NQ sớm đi vào cuộc sống”.

Nhìn chung, thời gian qua, việc ban hành NQ của HĐND đã thể chế kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có tính khả thi cao, giải quyết được nhiều vấn đề mà nhân dân, cử tri bức xúc, mong đợi.

Trong đó, nhiều NQ về chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, nhất là những chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, phát triển KTTT, HTX nông nghiệp đã được HĐND tỉnh quan tâm ban hành và đã tạo được sự đồng thuận tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Điển hình, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2261 về Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020, HĐND tỉnh đã ban hành NQ 260 để thực hiện chương trình này.

Ông Lương Trọng Nghĩa- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết nhiều HTX của tỉnh đã tiếp cận được với chính sách này, điển hình như HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước…

Dẫn chúng tôi xem nhà kho mới, ông Nguyễn Ngọc Nhân- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) phấn khởi cho biết: Đây là công trình mới mà HTX vừa được hỗ trợ xây dựng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HTX trong việc kinh doanh, giúp HTX tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Theo chia sẻ của ông Nhân, lúc mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn do nguồn lực có hạn. Chính nhờ các NQ của HĐND tỉnh được ban hành kịp thời đã giúp HTX có được nguồn trợ lực lớn.

Theo đó, HTX nhận được rất nhiều chính sách hỗ trợ từ các NQ của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh, về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, hỗ trợ lao động trẻ về làm việc…

Cụ thể, “HTX được hỗ trợ phát triển vùng trồng chôm chôm theo chuẩn Global GAP, đầu tư xây dựng nhà sơ chế và đưa kế toán về làm việc tại HTX... Nhờ vậy, HTX mới phát triển được như hôm nay”- ông Nhân cảm kích nói.

Đổi mới, hoàn thiện, đưa “quyết sách” sớm đi vào cuộc sống

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: cần đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa NQ của Trung ương và Chính phủ về phát triển KTTT, HTX. Bên cạnh, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển KTTT, HTX; trọng tâm là dự án Luật HTX (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực KTTT tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Kỳ 2: Hợp tác tạo ra giá trị thật để cùng nhau đi đường dài

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202304/quyet-sach-mo-duong-cho-kinh-te-tap-the-vuon-xa-3164306/