|
  • :
  • :

Rộn ràng thu hoạch lúa Đông xuân đầu vụ

Năng suất lúa ở mức cao cộng thêm giá bán hấp dẫn nên nhiều nông dân đã, đang và chuẩn bị thu hoạch lúa Đông xuân sớm trên địa bàn tỉnh cảm thấy phấn khởi về một vụ sản xuất thành công.

Lúa trúng mùa, giá bán cao đang tạo nhiều niềm vui cho nông dân khi vào vụ thu hoạch lúa Đông xuân sớm.

Niềm vui được giá

Vào thời điểm này, đến với cánh đồng lúa Đông xuân ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc máy cắt đang tất bật thu hoạch trên ruộng lúa chín vàng trĩu hạt của bà con. Niềm vui hơn khi giá bán lúa đang tăng cao so với vụ lúa Đông xuân năm trước nên không khí mùa vụ thu hoạch rất sôi động và rộn ràng.

Đứng xem máy đang thu hoạch 1ha lúa Đông xuân (giống lúa lùn Bến Tre) của gia đình, ông Trần Văn Thắng, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, tươi cười cho hay: “Do nơi đây là vùng đất bị nhiễm phèn, mặn nên năng suất lúa tươi thường dao động từ 600-700kg/công (một công 1.300m2). Tuy nhiên, bù lại là năm nay giá bán lúa ở mức cao nên phần nào làm giảm gánh nặng cho nông dân trước điều kiện mọi chi phí đầu tư cho cây lúa ở mức cao, nhất là tiền mua phân bón. Cụ thể là hiện thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng có giá từ 7.100-7.200 đồng/kg và đây là mức giá cao nhất trong nhiều vụ lúa Đông xuân vừa qua”. 

Thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, năm nay, ông Thắng cùng bà con ở cánh đồng nơi đây xuống giống vụ lúa Đông xuân sớm hơn nửa tháng so với cùng kỳ nhằm né hạn, mặn vào cuối vụ. Vì vậy, đây là cánh đồng bước vào vụ thu hoạch lúa Đông xuân sớm nhất của tỉnh Hậu Giang và hiện bà con nơi đây đã cắt được hơn 30ha trong tổng số 86ha.

Do là vùng sản xuất thường bị ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm nên bà con ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, chỉ gieo sạ một vụ lúa trong năm (Đông xuân), sau đó chuyển sang mô hình nuôi tôm. Chính vì vậy, khi chuyển sang trồng lúa thì thường nhẹ chi phí đầu tư, nhất là hạn chế việc bón phân cho cây lúa. Theo ước tính của bà con, chi phí đầu tư cho vụ lúa này chỉ dao động khoảng 1 triệu đồng/công. Như vậy, với năng suất và giá bán lúa như trên thì bà con kiếm được nguồn lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha sau khi bán lúa.

Không riêng gì nông dân đang thu hoạch lúa cảm thấy phấn khởi mà những hộ chuẩn bị cắt lúa cũng có chung niềm vui với giá lúa đang ở mức hấp dẫn. Ông Lê Hồng Bảy, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa, chia sẻ: “Còn khoảng 10 ngày nữa thì cánh đồng lúa phía sau nhà tôi sẽ bước vào vụ thu hoạch, với giống lúa chủ lực là ST 25. Những ngày qua, giá lúa nhích nhẹ lên từng ngày nên “cò lúa” thường xuyên đến gặp tôi đòi đưa tiền cọc trước để thu mua hơn 1ha lúa Đông xuân của gia đình với mức giá 7.500 đồng/kg, nhưng tôi chưa chịu bán. Hiện không riêng gì tôi mà hầu hết bà con ở đây cũng chưa muốn nhận tiền cọc từ “cò lúa” trong lúc này. Bởi bà con tính đợi thêm ít ngày nữa để giá lúa tăng thêm đồng nào thì mừng đồng đó vì chi phí đầu tư vụ này đều tăng ở các mặt”.

Việc giá lúa liên tục nhích lên trong những ngày vừa qua đã khiến cho không ít hộ dân đã lỡ lấy tiền cọc trước đó cảm thấy tiếc nuối. Ông Nguyễn Văn Truyền, ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, thông tin: “Cả cánh đồng lúa phía sau nhà có tổng diện tích hơn 141ha, với 2 loại giống chủ lực là OM 18 và Đài thơm 8; một ít diện tích bà con gieo sạ giống ST 25 và Jasmine 85. Hiện còn khoảng 10 ngày nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, vào thời điểm trước tết, tôi và bà con đã nhận tiền cọc của thương lái với giá bán dao động từ 6.500-6.700 đồng/kg (tùy giống); còn giá bán bây giờ đã cao hơn từ 200-400 đồng/kg. Dù có hơi tiếc nuối nhưng với giá bán lúa đã nhận tiền cọc từ thương lái thì nông dân vẫn cảm thấy phấn khởi, vì đây là mức giá bà con có được nguồn lợi nhuận hấp dẫn sau hơn 3 tháng tích cực chăm sóc lúa”.

Qua ghi nhận từ nông dân tại nhiều cánh đồng lúa Đông xuân trong tỉnh thì hiện giá bán lúa tươi tại ruộng được bà con đã cân lúa hoặc nhận tiền cọc trước từ thương lái hay “cò lúa” có mức dao động từ 6.600-7.500 đồng/kg (tùy giống), tăng bình quân từ 500-1.000 đồng/kg so với vụ Đông xuân năm trước.

Theo nhận định của ngành chức năng có liên quan, giá lúa Đông xuân đầu vụ đang ở mức hấp dẫn là do tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm vừa qua có nhiều khởi sắc nhờ thị trường rộng, đồng thời giá gạo xuất khẩu cũng ở mức cao; trong đó có việc Trung Quốc mở cửa thị trường làm cho nhu cầu gạo xuất khẩu tăng mạnh.

Nông dân Hậu Giang tất bật thu hoạch lúa Đông xuân sớm.

Năng suất lúa khả quan

Vụ lúa Đông xuân 2022-2023, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được hơn 75.500ha, vượt hơn 500ha so với kế hoạch. Về cơ cấu giống lúa được bà con tập trung gieo sạ, gồm: OM 18, Đài thơm 8, OM 5451, RVT, ST 25, Jasmine 85… Hiện tại, lúa tập trung ở giai đoạn làm đòng đến trổ chín với diện tích khoảng 70.000ha. Trong đó, một số vùng xuống giống sớm tại huyện Long Mỹ và Châu Thành A đã và đang vào vụ thu hoạch rộ trong vài ngày tới.

Qua chia sẻ của nông dân thì thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho cây lúa phát triển, các loại dịch hại xuất hiện ít, nhất là dịch hại rầy nâu và bệnh bạc lá, đồng thời nông dân chủ động phòng ngừa và áp dụng tốt các quy trình canh tác theo hướng “3 giảm 3 tăng” hay “1 phải 5 giảm” nên nhìn chung các ruộng lúa của nông dân đều trúng mùa.

Theo đó, ngoài vùng lúa tại ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, do mang tính đặc thù là vùng bị nhiễm phèn, mặn nên năng suất lúa chỉ dao động từ 600-700kg/công, nhưng cao hơn khoảng 50kg/công so với cùng kỳ. Riêng các vùng lúa khác trong tỉnh tuy chưa thu hoạch nhưng theo đánh giá của bà con tại các ruộng lúa sắp đến ngày cắt thì đối với giống lúa ST 25 sẽ đạt năng suất khoảng 900kg/công, đối với các giống lúa còn lại cũng đạt từ 1-1,1 tấn/công, thậm chí nhiều ruộng lúa còn đạt năng suất cao hơn mức 1,1 tấn/công.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Qua đánh giá sơ bộ từ các địa phương thì năng suất lúa vụ Đông xuân năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ đạt nhiều khả quan trên các giống lúa. Ngoài năng suất được đảm bảo thì các địa phương trong tỉnh còn đẩy mạnh khuyến cáo và được bà con ủng hộ trong việc sử dụng giống lúa chất lượng cao, giống lúa đặc sản để canh tác, đồng thời triển khai nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất lúa theo hướng thông minh, tiết kiệm chi phí, an toàn thực phẩm; từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt gạo và nguồn thu nhập cho bà con. Tuy mới khởi động vào vụ thu hoạch lúa Đông xuân nhưng có nhiều yếu tố thuận lợi, nhất là về giá bán nên đang tạo niềm phấn khởi và nhiều kỳ vọng cho nông dân tại các cánh đồng lúa trong tỉnh về một vụ mùa thắng lợi trên các mặt.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/ron-rang-thu-hoach-lua-dong-xuan-dau-vu-119725.html