|
  • :
  • :

Tái cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo theo hướng sản xuất xanh, bền vững

Giá lúa gạo tăng là điều kiện để nâng chất lượng, tái cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo theo hướng sản xuất xanh, bền vững. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp (ảnh) cho biết:

- Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn còn lâu hơn nữa, lúa gạo không chỉ là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia mà còn là vấn đề toàn cầu tiếp cận theo góc độ an ninh lương thực. Tuy nhiên, an ninh lương thực ngày nay được nhìn nhận với nhiều góc độ khác nhau và cần sự tích hợp, đó không chỉ đảm bảo đủ lượng lương thực cho nhu cầu của người dân, mà cần được tiếp cận dưới góc độ kinh tế, thương mại để làm sao những người trồng lúa, những tác nhân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo có thể sống được và làm giàu. Đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực còn mang ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội và môi trường. Sản xuất lúa gạo ngoài kinh tế, xã hội ra còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cũng như sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước.

Rõ ràng là những tích cực của thị trường lúa gạo hiện nay, mặc dù cán cân cung cầu trên thế giới có những bất cập, nhưng đây chính là cơ hội cho Việt Nam, với vai trò, vị thế của một trong 3 cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới mà đặc biệt là lần đầu tiên giá gạo Việt Nam đã vượt qua Thái Lan. Mặc dù chưa hết năm 2023, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu đã vượt hơn 4 tỉ USD, điều này cho thấy không chỉ tăng về sản lượng gạo xuất khẩu mà còn tăng giá trị, kèm theo đó là ý nghĩa, cơ hội để có thể tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Theo ông, sản xuất lúa gạo của nước ta còn những hạn chế, bất cập nào ?

- Phải thấy rằng mặc dù ngành lúa gạo Việt Nam chúng ta đang có một bước chuyển mới, chuyển từ lượng sang chất, chuyển từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang kinh tế nông nghiệp nhìn từ hạt gạo. Nhưng còn tồn tại những bất cập, những nỗi lo là người trồng lúa trúng mùa, được giá nhưng tính bền vững cũng đang là vấn đề. Điều đó phải suy nghĩ làm sao giảm được chi phí đầu vào, quá trình tổ chức sản xuất, cũng như đầu ra của hạt gạo để tạo thành chuỗi giá trị hạt gạo thông suốt và mang lại lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, cái tiếp cận ngành hàng lúa gạo không chỉ là trồng lúa mà cần đặt ngành hàng lúa gạo trong một không gian phát triển mới đó là lúa gạo tích hợp. Tức là người nông dân chỉ độc canh cây lúa thì rất khó làm giàu, đặc biệt là với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì phải đòi hỏi phải có sự liên kết của các tác nhân trong chuỗi.

Để khắc phục tình trạng trên và phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, theo ông đâu là giải pháp ?

- Trước khi chúng ta nghĩ đến một không gian phát triển mới của lúa gạo với sự tích hợp đa ngành nghề, không chỉ ngành trồng lúa mà thủy sản, lúa - tôm chẳng hạn, rồi kết hợp du lịch nông nghiệp, tích hợp từ nền tảng của cây lúa, kể cả nghĩ đến giá trị gia tăng từ việc sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính để bán tín chỉ các-bon. Tuy nhiên, để có không gian phát triển lúa gạo tốt hơn, tăng giá trị thì có 3 giải pháp.

Thứ nhất, là phải có quy hoạch không gian vật lý để phát triển, với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi cho cây lúa. ĐBSCL nơi nào cũng có thể trồng lúa, nhưng để trồng lúa mang lại giá trị cao thì chỉ có những vùng phát huy được. Với Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu héc-ta), nếu tổ chức tốt thì sẽ tích hợp được vấn đề này.

Thứ hai, đâu đó vẫn còn thấy điểm nghẽn về cơ chế chính sách, nhất là cơ chế liên kết chuỗi giá trị, những tác nhân trong chuỗi giá trị còn cắt khúc nhỏ lẻ. Liên kết những tiểu vùng gắn với phân bổ không gian và những cơ chế chính sách có liên quan để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành hàng lúa gạo như những quy định liên quan đến đất đai. Vì nhỏ lẻ thì không thể sản xuất ra sản lượng lớn và sản xuất lúa để bán tín chỉ các-bon cũng cần những cơ chế chính sách. Cần có sự hợp tác với tổ chức quốc tế để thể hiện Việt Nam là nơi có nguồn cung lương thực có trách nhiệm với thế giới và cũng đồng thời thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 đến năm 2050.

Thứ ba, là vấn đề liên quan đến thị trường, vì nông dân ngày nay muốn phát triển bền vững phải là những doanh nhân nông nghiệp và phải có thị trường. Vì vậy, cơ chế điều hành về chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó có xuất khẩu gạo, bài toán cung cầu lúa gạo cần phải trả lời được chứ không phải là nỗi lo khi giá gạo lên cao thì sợ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, hoặc giá lúa gạo xuống thấp thì lo giải cứu lúa gạo cho nông dân.

Hậu Giang luôn quan tâm đẩy mạnh sản xuất lúa gạo theo hướng xanh, bền vững.

Để sản xuất giảm phát thải khí nhà kính thì nông dân, doanh nghiệp cần phải làm gì, thưa ông ?

- Phải nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường của doanh nghiệp, của những tác nhân tham gia vào quá trình sản xuất hay thương mại. Việc tiếp cận với thương mại hóa tín chỉ các-bon, việc phối hợp với các tổ chức quốc tế để đưa ra những quy chuẩn cụ thể, đưa ra quy trình canh tác như thế nào thì được giảm phát thải khí nhà kính. Có những tiêu chí đó để sản xuất xanh, tăng trưởng xanh. Quy trình đó phải được công bố rộng rãi và lấy doanh nghiệp làm hạt nhân dẫn dắt và hệ thống vệ tinh xung quanh tạo thành một mạng lưới đó là các HTX và các hộ nông dân để tham gia. Chính những tác nhân này biến những tiêu chí, quy định thành hiện thực và chúng ta phải tạo ra được một thị trường về tín chỉ các-bon.

Hiện nay, thực tế ở Việt Nam rõ ràng cần nhiều hơn nữa những thông tin từ các cơ quan nhà nước, tổ chức tư vấn để người nông dân hiểu rõ hơn. Đây là cơ hội nhưng cơ hội luôn luôn có thách thức. Để tạo ra được giá trị nhìn ở góc độ tín chỉ các-bon có thể bán được thì phải giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó phải thực hiện những quy trình, trong đó bài toán về kinh tế, về tổ chức sản xuất và những quy định pháp lý phải tuân thủ. Câu trả lời ở đây là sự tiếp cận, phối hợp liên ngành, trong đó vai trò của 3 tác nhân là cơ quan nhà nước; nhà khoa học và nhà tư vấn; các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân thì mới giải quyết được câu chuyện người nông dân, doanh nghiệp thu lại một khoản từ bán tín chỉ các-bon, thay vì chỉ đơn thuần là bán lúa gạo.

Xin cảm ơn ông !

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/tai-co-cau-lai-nganh-hang-lua-gao-theo-huong-san-xuat-xanh-ben-vung-128156.html