Mô hình chăn nuôi dê tại hộ ông Nguyễn Hoàng Tuấn ở xã Nhơn Ái.
Phong Ðiền có hơn 8.500ha cây ăn trái các loại, trong đó có nhiều loại cỏ, lá cây, trái cây được thải ra từ quá trình chăm sóc vườn, cắt cành tạo tán, tỉa trái… có thể dùng làm thức ăn để nuôi dê. Tận dụng nguồn “cây nhà, lá vườn” dồi dào này, nhiều hộ dân tại huyện Phong Ðiền đã phát triển đàn dê với số lượng lớn. Ðiển hình như hộ ông Nguyễn Hoàng Tuấn ở ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền hiện có đàn dê hơn 45 con, trong đó chủ yếu là dê sinh sản (dê cái) nên đàn dê của ông sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết: “Ðể có được số lượng đàn dê như hiện tại, tôi chọn cách tự sản xuất con giống để nhân dần đàn dê lên. Vào năm 2019, tôi chỉ có 7 con dê bố mẹ, trong đó có 4 con được ngành Nông nghiệp huyện và thành phố hỗ trợ tiền để mua. Qua thời gian cho dê sinh sản, đến nay đàn dê đã tăng lên 13 con dê bố mẹ đang sinh sản và gần 20 con dê cái hậu bị. Từ năm 2021 đến nay, tôi đã xuất bán được hàng chục con dê thịt và dê giống, thu về hơn 100 triệu đồng…”.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn hiện có 24 chuồng dê có diện tích 1,5mx2m, chuồng được làm chủ yếu bằng gỗ, xây dựng theo kiểu nhà sàn, cao lên khỏi mặt đất khoảng 0,7m, mái chuồng được lợp bằng tôn. Dự kiến, tới đây ông Tuấn mở rộng quy mô chuồng trại lên thêm 12 chuồng nữa. Theo ông Tuấn, ông nuôi dê bằng các loại rau, lá cây và trái cây sẵn có trong vườn hoặc của các nhà vườn ở lân cận như lá mít, lá xoài, trái mít non, rau muống, các loại cỏ… nên không phải tốn chi phí tiền mua thức ăn. Chuồng trại cũng được ông tận dụng các loại vật liệu và cây gỗ có sẵn của gia đình, hầu như chỉ tốn tiền mua tôn.
Dê là động vật có khả năng sinh sản nhanh và ăn được rất nhiều loại lá cây và cây cỏ. Do vậy, việc tìm nguồn thức ăn cho dê khá dễ dàng, nhất là đối với những hộ dân làm nghề vườn. Ông Phạm Văn Cơ ngụ xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Tranh thủ thời gian nhàn khi làm vườn, gia đình tôi cũng đã tham gia chăn nuôi dê và có thêm được nguồn thu nhập khá tốt từ loại vật nuôi này, đồng thời sử dụng nguồn phân dê để bón cho vườn cây ăn trái, giúp tiết kiệm chi phí tiền phân bón. Gia đình tôi đang nuôi khoảng 10 con dê và cũng nuôi dê theo hướng sinh sản. Ðể hỗ trợ nhau trong chăn nuôi và thuận lợi trong kết nối với các đơn vị tiêu thụ, thời gian qua nông dân nuôi dê tại các ấp Nhơn Thọ 1, Nhơn Thọ 1A, Nhơn Thọ 2 và Nhơn Bình thuộc xã Nhơn Ái cũng đã liên kết thành lập Câu lạc bộ chăn nuôi dê. Câu lạc bộ đã thu hút hơn 20 hộ dân nuôi dê, với tổng đàn dê hiện đạt hơn 190 con”.
Theo nhiều hộ dân chăn nuôi dê ở xã Nhơn Ái, dê con từ lúc dứt sữa (trọng lượng khoảng 13-15kg/con) nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng 25-30kg và được xuất bán dê thịt. Gần đây, dê thịt loại 20-25kg/con có giá lên tới 140.000-150.000 đồng/kg, còn dê thịt loại 30-38 kg/con có giá 115.000- 120.000 đồng/kg, dê từ 40 kg/con có giá khoảng 100.000 đồng/kg. Còn để nuôi sinh sản phải mất ít nhất 11 tháng dê mới đẻ lứa đầu, sau đó dê có thể sinh sản bình quân 3 lứa/2 năm, mỗi lứa bình quân 2 con dê con. Hiện giá bán dê cái con (dê khoảng 2,5 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 13-15kg/con) ở mức 3 triệu đồng/con. Với giá bán như trên, nếu có đàn dê bố mẹ với số lượng từ 40-50 con, người nuôi có thể kiếm thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm trở lên. Tuy nhiên, nuôi dê sinh sản đòi hỏi phải nắm rành các kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc, đỡ đẻ cho dê và cần lựa chọn con giống tốt. Ðặc biệt, để nuôi dê đạt hiệu quả bằng các loại cỏ và lá cây, đòi hỏi người nuôi phải siêng năng trong chăm sóc, đảm bảo cho dê ăn đủ lượng thức ăn cần thiết và đa dạng về chủng loại cây cỏ để đảm bảo nguồn dinh dưỡng. Thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL cũng đã nuôi dê bằng cách sử dụng các loại thức ăn công nghiệp được chế biến sẵn giúp người nuôi không phải tốn công đi tìm các loại cỏ và cây lá để cho dê ăn. Song, chăn nuôi theo hướng này chi phí tiền thức ăn rất cao, người nuôi dễ đối mặt với nguy cơ bị thua lỗ.
Theo ông Trần Thái Bảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Ái, hiện Hội Nông dân xã đang tiếp tục quan tâm phối hợp cùng các cấp hội nông dân tại huyện, thành phố và ngành Nông nghiệp để tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân lựa chọn mô hình chăn nuôi phù hợp và hỗ trợ về vốn, con giống, kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ðến nay, tại xã cũng đã thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi dê Nhơn Ái, với sự tham gia của hơn 60 hộ dân tại 5/7 ấp của xã, qua đó tạo thuận lợi cho bà con tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi gắn với phát triển kinh tế vườn.