|
  • :
  • :

Tăng cường chăm sóc vật nuôi mùa lũ

Các biện pháp chăm sóc gia súc, gia cầm trong và sau mưa bão, triều cường đang được tăng cường khuyến cáo để giúp nông dân chăn nuôi an toàn, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.

Sau khi triều cường rút, người dân xử lý tiêu độc, sát trùng, theo dõi sức khỏe gia súc, gia cầm thường xuyên.

Cao điểm mùa mưa, lũ, sự thay đổi thường xuyên của thời tiết cộng với điều kiện khí hậu ẩm, tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bộc phát. Vì thế, không riêng các trang trại chăn nuôi quy mô mà những hộ nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ cũng cảnh giác cao với dịch bệnh thời điểm này. Trước diễn biến của triều cường dâng cao, lũ từ thượng nguồn đổ về trong những ngày qua, người dân trong tỉnh đã chủ động các biện pháp bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm, dời vật nuôi đến nơi khô ráo, tránh nước ngập cục bộ tác động xấu đến sức khỏe vật nuôi.

Ông Lê Văn Danh, ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Trước khi con nước về, tôi đã sớm tôn cao nền chuồng gà, che chắn an toàn, không để chúng sống trong môi trường ẩm thấp sẽ dễ bệnh. Hai ba ngày nay, đoạn nước ngập sau nhà bắt đầu rút dần, tôi mua vôi bột rải quanh chuồng, lối ra vào chuồng để giảm mùi hôi và triệt tiêu mầm bệnh tồn lưu. Ban đêm, thắp thêm bóng đèn điện để sưởi ấm con non. Bổ sung thức ăn, nước uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi”.

Xác định từ nay đến cuối năm sẽ là lúc cao điểm phòng bệnh trên gia súc, gia cầm, bà con cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại. Khi phát hiện trường hợp gia súc, gia cầm có biểu hiện bệnh, cần báo ngay với chính quyền địa phương. Tuyệt đối không buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bị bệnh và không rõ nguồn gốc.

Ông Lê Văn Trên, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết: “Chăn nuôi gia cầm đem lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quan trọng là mình không được lơ là phòng bệnh. Mùa mưa, môi trường bên trong chuồng phải được đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ. Bên ngoài, tôi phun thuốc khử trùng thường xuyên. Ngoài kinh nghiệm chăm sóc tự tích lũy, bí quyết giúp tôi thành công hơn trong chăn nuôi là thường xuyên theo dõi đàn để kịp thời phát hiện, phòng, trị bệnh”.

Theo ông Trịnh Hùng cường, Chi cục phó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, qua rà soát từ các trạm chăn nuôi thú y, đợt triều cường dâng cao vừa qua không gây ảnh hưởng nhiều đến chăn nuôi. Một số chuồng trại ở khu vực trũng thấp nguy cơ ngập cục bộ đã được bà con chủ động tôn nền từ trước, do vậy mức độ ảnh hưởng rất ít. Tuy nhiên, sẽ còn con nước tháng 10 dâng cao, bà con cần chủ động hơn các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi, nhất là gia súc.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, để bảo vệ đàn trong mùa mưa bão, bà con lưu ý thường xuyên cập nhật, theo dõi dự báo thời tiết để có kế hoạch chủ động ứng phó trước. Kiểm tra, gia cố lại chuồng trại cho chắc chắn, đề phòng mưa tạt, gió lùa. Đối với hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải cần làm sạch toàn bộ hoặc dọn bớt phân rác thải tránh ô nhiễm, khơi thông cống rãnh, hạn chế ngập khi mưa to.

Những khu vực có nguy cơ ngập cục bộ, bà con cần nâng cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi cần. Xử lý tiêu độc, sát trùng, theo dõi sức khỏe gia súc, gia cầm. Người chăn nuôi cũng nên chủ động phương tiện sưởi ấm vật nuôi, nhất là con non tuyệt đối không để bị lạnh. Đối với thức ăn chăn nuôi, cần kiểm tra, vệ sinh và sắp xếp lại kho thức ăn, loại bỏ thức ăn bị hư hỏng không đảm bảo chất lượng.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/tang-cuong-cham-soc-vat-nuoi-mua-lu-115387.html