|
  • :
  • :

Tạo hướng đi mới cho hợp tác xã

Bên cạnh những kết quả nổi bật trong hoạt động thì theo đánh giá của ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương vùng ĐBSCL, hiện mô hình kinh tế tập thể (KTTT) và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của vùng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế cần có hướng đi mới để tháo gỡ. 

HTX nông nghiệp Hậu Giang đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác để tăng tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Khẳng định vai trò tổ chức kinh tế tập thể

Qua rà soát của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT, đến cuối năm 2022, toàn vùng ĐBSCL có 2.615 HTX nông nghiệp và 20 Liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 13,4% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc. So với thời điểm năm 2016, tổng số HTX nông nghiệp cả vùng tăng gấp 2 lần. Tổng số thành viên HTX là 183.077 người; trung bình có 75 thành viên/HTX nông nghiệp. Riêng tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có 4 liên hiệp HTX nông nghiệp, với 70 thành viên và 219 HTX nông nghiệp (với 6.597 thành viên), chiếm 86,9% so với tổng số HTX trên địa bàn tỉnh.

Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện nhiều chính sách giúp HTX nông nghiệp tiếp cận với thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất hiệu quả.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, thông tin: Các HTX nông nghiệp của ĐBSCL tập trung nhiều ở 2 lĩnh vực là trồng trọt (lúa, cây ăn trái) với 1.266 HTX, chiếm 52% tổng số HTX nông nghiệp của vùng; còn lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (tôm, cá) có 327 HTX, chiếm 13,5% tổng số HTX nông nghiệp của vùng; riêng các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, khai thác thủy sản, cung cấp nước sạch nông thôn thì chiếm tỷ lệ thấp.

Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng thời gian qua có được ngoài các chủ trương, chính sách của Trung ương thì còn nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng trong việc cụ thể hóa triển khai các cơ chế chính sách của Trung ương có liên quan đến mô hình KTTT, HTX. Trong đó, nổi bật là tỉnh Hậu Giang khi ban hành Nghị quyết số 17 để cụ thể hóa Nghị quyết số 20 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới 

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực KTTT, HTX của tỉnh bằng việc tổ chức nhiều cuộc khảo sát và thăm hỏi những mô hình HTX làm ăn có hiệu quả. Qua đây giúp các HTX có thêm sức mạnh và niềm tin từ Đảng và Nhà nước; đồng thời thông qua những chuyến khảo sát thực tế giúp cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nắm được tình hình hoạt động của HTX ở các huyện, thị xã, thành phố nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành phát triển HTX; từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Nhìn chung phong trào KTTT, HTX của tỉnh có bước phát triển khá tốt, hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng và chất lượng hoạt động của các HTX, THT nông nghiệp được tăng lên đáng kể, trong quá trình củng cố nâng chất các HTX cũ và thành lập mới đã được đẩy mạnh theo hướng tích cực, đa dạng hóa về ngành nghề và dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu hợp tác, phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa trong nông nghiệp. Các HTX đã củng cố một bước về tổ chức quản lý, vốn quỹ, về trách nhiệm và quan hệ giữa các thành viên với HTX. Hoạt động của HTX cũng được đổi mới từng bước gắn được với lợi ích của thành viên và HTX.

Hiện hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL đã trở nên khá phổ biến. Cụ thể, toàn vùng hiện có 1.136 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên, chiếm 46,73% HTX nông nghiệp cả vùng. Đây là vùng có tỷ lệ HTX tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên lớn nhất cả nước.

Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX đã phát huy vai trò tổ chức kinh tế tập thể để tổ chức các hành động tập thể giữa các hộ nông dân thành viên cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng. HTX còn là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp là tác nhân điều phối, giám sát thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX trái cây sinh học OCOP, ở ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, thông tin: “Bên cạnh việc liên kết với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất theo công nghệ tiên tiến thì hiện HTX còn tập trung xây dựng vùng nguyên liệu trên 300ha và đang tiêu thụ trái cây cho gần 400 thành viên HTX, cũng như nhiều nông dân trong tỉnh thông qua việc ký kết hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước”.

Nâng cao chất lượng hoạt động cho HTX

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, thông tin thêm: ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển với trên 2,4 triệu héc-ta đất canh tác nông nghiệp và gần 700.000ha đất nuôi trồng thủy sản nhưng hiện là vùng có số lượng HTX nông nghiệp bình quân/tỉnh ít thứ 2 cả nước, với bình quân 194 HTX nông nghiệp/tỉnh, chỉ hơn vùng Đông Nam bộ, với bình quân 120 HTX/tỉnh. Đồng thời quy mô thành viên của HTX cũng ở mức thấp so với mặt bằng của cả nước khi bình quân chỉ có 67 thành viên/HTX.

Ngoài yếu tố trên thì theo đánh giá của ngành chức năng nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thì năng lực của các HTX nông nghiệp trong vùng nhìn chung còn hạn chế về vốn, tài sản, trình độ cán bộ HTX và thiếu cán bộ kỹ thuật. Do đó, HTX gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững (GAP). Kết quả là tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình GAP và mô hình sản xuất thông minh với biến đổi khí hậu còn thấp khi chỉ đạt khoảng 13% trong tổng số HTX của toàn vùng và quy mô ứng dụng công nghệ cao của HTX còn nhỏ.

Ngoài ra, hoạt động của HTX chưa đáp ứng tốt nhu cầu thành viên. Do phần lớn các HTX làm dịch vụ cung ứng đầu vào sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), các dịch vụ phục vụ sản xuất còn ít và chủ yếu là dịch vụ tưới tiêu. Tỷ lệ sản phẩm nông sản được tiêu thụ qua HTX cũng rất thấp. Hiện còn nhiều HTX chưa thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; một số HTX có liên kết nhưng còn lỏng lẻo, chưa tạo thành chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, hiện chưa tỉnh nào ở ĐBSCL tổ chức được bảo hiểm nông nghiệp; nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ HTX còn hạn chế, nhất là hỗ trợ để đầu tư máy móc, cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất;…

Từ những mặt hạn chế trên, ngành chức năng nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã và đang đề ra những giải pháp, hướng đi mới để tháo gỡ. Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho hay: Thực hiện quan điểm chỉ đạo về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, hiện tỉnh đã ban hành nhiều văn bản và các chính sách đặc thù dành cho HTX nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển HTX gắn với xây dựng chuỗi giá trị theo thế mạnh sản phẩm chủ lực của địa phương; nhờ vậy, các HTX nông nghiệp của tỉnh đang dần tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hoạt động. Đặc biệt, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ nhân sự trẻ có trình độ về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó, kế hoạch riêng của năm 2023 này là hỗ trợ 60 cán bộ.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, thông tin: Để giải quyết khó khăn về trình độ cán bộ HTX thì hàng năm ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các viện, trường và địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý điều hành HTX. Đến nay, đã có 3.158 cán bộ của tổ hợp tác, HTX trong tỉnh được nâng cao trình độ chuyên môn để giúp HTX hoạt đồng ngày càng hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cùng đề ra quan điểm chung là việc phát triển HTX nông nghiệp không chạy theo thành tích về số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng hoạt động cho HTX. Trong đó, không ngừng giúp cho các HTX đổi mới tư duy và liên kết sản xuất, đồng thời nâng cao năng lực tự quản lý, quản trị hoạt động của HTX. Ngoài ra, thực hiện hướng dẫn, giới thiệu các HTX tham gia vào nhiều dự án chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất theo các chương trình, đề án của Trung ương và địa phương; tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tìm đối tác để liên kết, liên doanh trong sản xuất kinh doanh cho HTX…

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Hướng đi mới quan trọng trong thực hiện mô hình KTTT là định kỳ vào tháng 3 hàng năm, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng ĐBSCL tổ chức những sự kiện ngày HTX cấp địa phương và cấp vùng. Thông qua sự kiện thường niên này để tổng kết đánh giá bước phát triển HTX và tôn vinh những HTX mạnh, tiêu biểu, hiệu quả, năng động, có nhiều sáng kiến lan toả cộng đồng và có khả năng vươn ra thế giới để tổ chức nhân rộng. Bên cạnh đó là lắng nghe và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc để các HTX ngày càng hoạt động hiệu quả hơn…

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/tao-huong-di-moi-cho-hop-tac-xa-121200.html