Sử dụng đệm lót sinh học mang lại nhiều hiệu quả trong chăn nuôi.
Trong hai ngày 13 và 14.6, Trung tâm Khuyến nông phối hợp Văn phòng thường trực Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại Nam bộ tổ chức tập huấn ứng dụng các giải pháp công nghệ xử lý nguồn phế phụ phẩm làm nguyên liệu phục vụ nông nghiệp tuần hoàn. Tham gia lớp tập huấn là cán bộ và cộng tác viên khuyến nông, nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Mô hình kinh tế tuần hoàn là một mô hình khép kín, từ khâu khai thác tài nguyên - sản xuất - phân phối - tiêu dùng - khôi phục… luôn có sự gắn kết với nhau. Trái ngược với kinh tế tuần hoàn là kinh tế tuyến tính, một chiều, từ khai thác - sản xuất - phân phối - tiêu dùng - chất thải. Trong đó, chất thải từ quá trình sản xuất - tiêu dùng không được xử lý hoặc tái sử dụng một cách triệt để, dẫn đến tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn đang được xác định có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hoá lý, nhờ vào đó mà sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng được tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí và thất thoát sau thu hoạch, tạo ra những sản phẩm an toàn và chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ được hệ sinh thái và sức khoẻ của con người.
Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung được quan tâm nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, tận dụng phế phẩm nông nghiệp như một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng thu nhập của nông dân.
Tại buổi tập huấn, cán bộ và cộng tác viên khuyến nông, nông dân, hợp tác xã được thông tin về hiện trạng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, một số giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn; các giải pháp chế biến, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm đầu vào cho ngành chăn nuôi; giải pháp chế biến phân vật nuôi làm đầu vào cho ngành trồng trọt.
Ngoài ra, giảng viên còn hướng dẫn học viên thực hành, giải đáp thắc mắc về các kỹ thuật, mô hình kinh tế tuần hoàn mới để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.