|
  • :
  • :

Thăm vùng chuyên canh củ cải trắng xã Mỹ An

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng NTM, mới đây sản phẩm củ cải trắng của HTX Nông nghiệp An Hưng (xã Mỹ An) được UBND huyện Mang Thít công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với nâng chất tiêu chí thu nhập của xã Mỹ An.

Lãnh đạo tỉnh, huyện tham quan mô hình trồng củ cải trắng của xã Mỹ An.

Lãnh đạo tỉnh, huyện tham quan mô hình trồng củ cải trắng của xã Mỹ An.

Chuyển ruộng sang màu cho hiệu quả cao

Đến vùng chuyên canh màu ở ấp An Hưng, trước mắt chúng tôi là những rẫy màu xanh mướt mắt. Ông Nguyễn Hữu Hùng- Bí thư Chi bộ kiêm trưởng ấp An Hưng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp An Hưng, cho biết: Những năm gần đây, đời sống người dân thay đổi rất nhiều.

Trong đó, thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Nổi bật là nhờ chuyển lúa sang màu và bán được giá nên nhiều hộ vươn lên khấm khá, nông dân có điều kiện cất nhà, mua xe...

Sắp tới đây, khi tuyến đê bao ngăn mặn kết hợp giao thông nông thôn đi qua ấp An Hưng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh với mặt đan rộng 3,5m sẽ mở ra điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong phát triển kinh tế- xã hội. 

Nông dân xã Mỹ An thu hoạch củ cải trắng.

Nông dân xã Mỹ An thu hoạch củ cải trắng.

Với gần 10 công trồng màu, trong đó 6 công trồng củ cải trắng, còn lại là trồng hành lá, anh Lê Văn Minh, ở ấp An Hưng, đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động, tạo thuận lợi cho việc canh tác. Anh Minh cho biết, vụ này củ cải cho năng suất 2,5 tấn/công, giá bán 5.000 đ/kg; hành lá khoảng 1,6 tấn/công, giá bán 10.000 đ/kg. Chi phí đầu tư chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/công, tuy giá không cao nhưng vẫn có lời. 

Vừa thu hoạch xong, anh Minh ban đất chuẩn bị trồng 6 công dưa hoàng kim cho vụ mùa Tết. Anh Minh cho biết, nhờ được bao tiêu đầu ra nên anh mạnh dạn trồng. Phần diện tích còn lại anh tiếp tục trồng củ cải trắng và hành lá. 

Cạnh phần đất rẫy của anh Minh, anh Lê Văn Nghĩa đang thu hoạch củ cải trắng. Anh Nghĩa cho biết, anh đã gắn bó với cây màu được hơn chục năm nay. Thời gian qua, được địa phương hỗ trợ hạt giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo chuẩn VietGAP nên sản phẩm làm ra chất lượng hơn, lời khoảng 70-100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy mà “gia đình làm ăn phát triển được”- anh Nghĩa nói. 

Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, diện tích trồng củ cải trắng của xã Mỹ An tập trung chủ yếu ở ấp An Hưng với khoảng 200 công. 3 năm qua, có 50 công được trồng theo chuẩn VietGAP với 10 hộ tham gia. Mới đây, UBND huyện đã có quyết định phê duyệt, đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm củ cải trắng của HTX Nông nghiệp An Hưng đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Giúp nông dân nâng thu nhập

Ông Nguyễn Hữu Hùng cho biết, HTX có 36 thành viên với tổng diện tích 270 công trồng củ cải, hành lá, khoai mỡ, lúa. Hiện, củ cải trắng là cây trồng chủ lực của xã. Thời gian qua, HTX hợp đồng liên kết phân bón đầu vào cho xã viên. Sắp tới, HTX sẽ phối hợp cung ứng sản phẩm củ cải trắng và hành lá cho bếp ăn ở TP Hồ Chí Minh. 

Ông Phạm Văn Hội- Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An, cho hay, thời gian qua hội phối hợp với ngành nông nghiệp tuyên truyền, vận động thành lập 2 mã số vùng trồng nội địa và 1 mã số vùng trồng quốc tế trên cây sầu riêng; phối hợp xây dựng mô hình trồng hành lá trên giá thể sinh học với diện tích 22.500m2.

Đồng thời, vận động nông dân trồng màu theo chuẩn VietGAP trên củ cải, khoai mỡ... Hiện, các mô hình này đang cho hiệu quả kinh tế cao. Các hộ sản xuất đều ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Để giúp người dân nâng thu nhập, năm 2023 xã Mỹ An tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ nông sản; xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, giúp người dân giảm nghèo. Đồng thời, xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài và đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động trong độ tuổi tham gia làm việc ở các công ty, xí nghiệp... 

Theo BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Mỹ An, với sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của các ngành chuyên môn, xã đã xây dựng được nhiều mô hình nổi bật như: nuôi vịt thương phẩm chuyên trứng, trồng hành lá trên giá thể vi sinh, cải tạo vườn, màu xen vườn, màu chuyên canh... Nhờ làm ăn có hiệu quả nên đời sống người dân ngày càng được nâng lên. 

Qua thống kê, thu nhập bình quân đầu người của xã Mỹ An đạt 56,48 triệu đồng/năm, vượt 480.000đ so quy định. Tổng kinh phí thực hiện tiêu chí thu nhập của xã gần 77 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh gần 37 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 32 tỷ đồng, vốn dân hơn 6,7 tỷ đồng, còn lại là vốn tài trợ.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả giúp nông dân nâng thu nhập.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả giúp nông dân nâng thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Vũ- Chủ tịch UBND xã Mỹ An, cho biết thêm, điểm nổi bật là nông dân trong xã rất cần cù lao động. Để thực hiện tốt tiêu chí thu nhập, xã phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, triển khai mô hình VietGAP, OCOP trên củ cải trắng, xây dựng mã số vùng trồng trên cây sầu riêng và hướng tới sản xuất theo chuẩn VietGAP trên cây sầu riêng.

Bên cạnh, tập trung làm đê bao thủy lợi nội đồng giúp nông dân chủ động nước tưới tiêu. Đồng thời, chủ động giúp nông dân tìm đầu ra nông sản và hướng dẫn quy trình canh tác đạt hiệu quả. 

UBND huyện Mang Thít vừa có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Theo đó, cấp giấy chứng nhận OCOP cho 8 sản phẩm đạt hạng 3 sao của 8 chủ thể tham gia chương trình, gồm: bưởi da xanh của Tổ hợp tác Bưởi da xanh Tân Long Hội, củ cải trắng của HTX Nông nghiệp An Hưng, snack nấm bào ngư xám của Công ty TNHH Thực phẩm sạch An An... Các sản phẩm này được sử dụng logo OCOP 3 sao in, dán trên bao bì sản phẩm theo quy định của Chương trình OCOP và các quy định hiện hành.

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202312/tham-vung-chuyen-canh-cu-cai-trang-xa-my-an-3178704/