Thức ăn thủy sản là những sản phẩm mà vật nuôi ăn, được bổ sung vào môi trường nuôi
Tầm quan trọng của thức ăn thủy sản
Thức ăn thủy sản (Aquatic feed) là những sản phẩm mà vật nuôi ăn, được bổ sung vào môi trường nuôi ở dạng tươi sống hoặc đã qua chế biến và bảo quản. Bao gồm thức ăn dinh dưỡng và thức ăn chức năng ở các dạng: Nguyên liệu, thức ăn đơn, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung, phụ gia thức ăn và các sản phẩm bổ sung vào môi trường nuôi nhằm tạo thức ăn tự nhiên, ổn định môi trường nuôi tăng hiệu quả sử dụng.
Các chất dinh dưỡng như protein, carbohydrate, lipid, vitamin và khoáng chất chứa trong thức ăn thủy sản giúp thúc đẩy quá trình tạo tế bào mới, tăng cường cơ bắp, xương và cấu trúc sinh học khác của thủy sản. Các thức ăn giàu chất chống oxy hóa, vitamin C và E có thể giảm nguy cơ bị bệnh và tăng cường khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Việc cung cấp đủ và chất lượng thức ăn có thể tăng tỷ lệ sống sót, tốc độ tăng trưởng, chất lượng thịt và năng suất của các loài thủy sản nuôi, giúp bà con có một vụ nuôi hiệu quả và thành công.
Việc cung cấp đủ và chất lượng thức ăn có thể tăng tỷ lệ sống sót, tốc độ tăng trưởng, chất lượng thịt của các loài thủy sản nuôi. Ảnh: GreenBiz
Dinh dưỡng dồi dào
Các phương pháp công nghệ sinh học như lên men bằng vi sinh để xử lý chất thải ngày càng phổ biến. Trong số các vi sinh này, tế bào nấm men và vi khuẩn lactic được sử dụng để lên men và chuyển hóa phụ phẩm thủy sản thành sản phẩm có giá trị hơn như thành phần thức ăn chăn nuôi. Chẳng hạn như nấm men, được xem như phụ gia rất có hiệu quả cho nhiều vật nuôi trong việc tăng cường sức khỏe, trong nấm men có chứa các hợp chất kích thích miễn dịch gồm axit nuleic, mannan oligosaccharides,… giúp thúc đẩy tăng trưởng của nhiều loại cá, rất có lợi cho thủy sản nuôi.
Quá trình chế biến phụ phẩm thủy sản thành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng phương pháp trên không cần bất kỳ bước xử lý thủy phân bằng nhiệt hay enzyme nên có thể đáp ứng được các vấn đề về môi trường và tiết kiệm chi phí. Do đó, nhiều nơi trên thế giới đang khuyến khích ngành thủy sản tận dụng phụ phế phẩm làm thức ăn chăn nuôi.
Sau khi mô cá bị hóa lỏng, phụ phẩm cá lên men biến thành dạng dịch lỏng. Các chất độn tự nhiên như phụ phẩm nông nghiệp cũng được thêm vào chất nền. Ví như vỏ cam, quýt, có vai trò như nguồn prebiotic hay có thể sử dụng làm chất độn suốt quá trình lên men. Đã có nhiều nghiên cứu từ các chuyên gia, chứng minh lợi ích của prebiotic trong việc nâng cao sức đề kháng của cá đối với mầm bệnh, cải thiện hiệu suất tăng trưởng, kích thích phản ứng miễn dịch thông qua điều hòa hệ vi sinh vật đường ruột.
Lên men bằng vi sinh để chuyển hóa phụ phẩm thủy sản thành sản phẩm có giá trị hơn như thành phần thức ăn chăn nuôi
Lên men kết hợp với vỏ chanh
Một nhóm các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm sản xuất thức ăn từ phụ phế phẩm của cá chẽm châu Âu (đầu, nội tạng, da và xương) lên men cùng vỏ chanh. Sử dụng hệ thống lên men 5 lít, xay hỗn hợp phụ phẩm cá và vỏ chanh theo tỷ lệ 2:1 trong thời gian 5 phút cùng với 20 ml vi khuẩn S. cerevisiae (mật số tế bào 108/mL) và 20 ml vi khuẩn L. reuteri (mật số tế bào 108/mL).
Toàn bộ quá trình lên men diễn ra trong 120 giờ cho đến khi không quan sát thấy sự phát triển thêm của vi sinh vật đã được Iựa chọn. Nghiên cứu không sử dụng bất cứ quy trình khử trùng nào, cũng như không sử dụng kiềm để kiểm soát pH suốt quá trình lên men. Do không thực hiện quá trình khử trùng nào nên pH giảm nhanh, vấn đề duy trì vệ sinh an toàn và chất lượng của sản phẩm khi dùng làm thức ăn thủy sản là rất cần thiết.
Nguồn giống vi sinh vật khởi động có khả năng phát triển ở môi trường pH thấp là nhờ bổ dung vỏ chanh vì polysaccharides đã phát huy hiệu lực bảo vệ trên vi khuẩn axit lactic. Khả năng này đạt được khi lên men phụ phế phẩm cá bổ sung bằng vỏ chanh đã được ghi nhận thông qua mức độ protein tăng lên trong suốt quá trình, lên tới 48,55%, khiến những phụ phẩm này trở thành nguyên liệu thô tuyệt vời để sản xuất thức ăn thủy sản giàu thành phần L. reuteri và S. cerevisiae.
Tiềm năng
Nhiều sản phẩm phụ đến từ ngành công nghiệp thủy hải sản - chẳng hạn như nội tạng, da, vảy và xương, chiếm tới 30 đến 80% trọng lượng cơ thể cá - bị loại bỏ dưới dạng phụ phẩm rắn bởi các hoạt động chế biến cá công nghiệp. Tuy nhiên, do thành phần của chúng, chúng có tiềm năng lớn được sử dụng làm chất bổ sung protein trong thức ăn nuôi trồng thủy sản.
Nghiên cứu đã tìm ra phương pháp hiệu quả để tận dụng phụ phế phẩm từ quá trình sản xuất thủy sản làm thành phần thức ăn thủy sản. Sản phẩm cuối cùng sau quá trình lên men được cho là có chứa ít vi sinh vật gây hại và giàu lợi khuẩn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sản phẩm lên men thành dạng viên và hiệu quả đối tăng trưởng, miễn dịch của cá vẫn cần được nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.