Trang trại lợn của Công ty TNHH Chăn nuôi H&Q Việt Nam có hệ thống xử lý chất thải tuần hoàn nên khá thân thiện với môi trường.
Hướng tới kinh tế chăn nuôi
Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi Bắc Giang luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước, sản phẩm không chỉ phục vụ cho tiêu thụ nội tỉnh mà còn xuất bán 60% ra thị trường các tỉnh, thành phố lân cận. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 156 nghìn cơ sở chăn nuôi và được chia thành 2 loại hình gồm hơn 154 nghìn cơ sở chăn nuôi nông hộ và hơn 2,2 nghìn trang trại. Bên cạnh 4 đối tượng vật nuôi chủ lực là lợn, gia cầm, trâu, bò, Bắc Giang còn phát triển các đối tượng vật nuôi đặc trưng tùy theo lợi thế từng địa phương như: Nuôi ong mật, ngựa bạch, dê…
Một trong những điểm sáng của lĩnh vực chăn nuôi tại Bắc Gang là đang hình thành nhiều trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho nhiều lao động. Ví như trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Chăn nuôi H&Q Việt Nam tại xã Tam Tiến (Yên Thế) có quy mô 2 ha, nuôi 2,4 nghìn lợn nái, mỗi tháng Công ty xuất chuồng 5- 6 nghìn lợn con. Ông Thân Văn Hùng, Giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi đang liên kết chăn nuôi gia công với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nên từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến đầu ra cho tiêu thụ… đều được phía đối tác cung cấp, giá cả ổn định. Trang trại tạo việc làm cho 60 lao động”.
Quy trình chăn nuôi được Công ty vận hành bằng hệ thống máy móc tự động, đội ngũ kỹ sư, công nhân được đào tạo chuyên nghiệp và tuân thủ đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch bệnh để hạn chế rủi ro khi dịch bệnh xảy ra. Đáng nói là Công ty đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải tuần hoàn khép kín bằng công nghệ tách phân hiện đại, bể biogas có sức chứa 6 nghìn mét khối nên xử lý gần như triệt để chất thải chăn nuôi. Trang trại được đặt ở vị trí tác biệt khu dân cư, toàn bộ hệ thống nước thải được xử lý qua 7 hồ chứa điều hòa và dùng máy bơm tuần hoàn nên không chảy ra môi trường. Nguồn chất thải chăn nuôi được dùng để sản xuất điện nên khá thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh những đợt nắng nóng và mất điện luân phiên hồi tháng 6 vừa qua, trang trại đã chủ động được nguồn điện nên hoạt động sản xuất, chăn nuôi diễn ra ổn định và tiết kiệm nhiều chi phí.
Tại xã Việt Lập (Tân Yên) có 21 hộ trang trại được cấp giấy chứng nhận. Ông Giáp Văn Hành, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Kinh tế trang trại trên địa bàn xã đã khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn và khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi”. Đơn cử như xã đã hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi lợn và gia cầm kết hợp với thủy sản tập trung tại các thôn như Trong Giữa, Đông Am Vàng, Um Ngò, Nguyễn, Đồng Sen tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Mỗi năm các trang trại có doanh thu bình quân gần từ 1- 3 tỷ đồng. Hiệu quả của kinh tế trang trại trên địa bàn xã đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn, nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ở các vùng nông thôn xuất hiện không ít những triệu phú, tỷ phú nông dân xuất phát từ làm kinh tế trang trại.
Còn theo anh Ngô Văn Vượng ở thôn Lục Liễu, xã Hợp Đức (Tân Yên) – chủ trang trại với quy mô mỗi lứa hơn 30 nghìn con gà thương phẩm, mặc dù dịch bệnh trên đàn gà những năm gần đây diễn biến phức tạp, song do được chăn nuôi theo quy trình bảo đảm an toàn dịch bệnh nên đàn gà của gia đình anh luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Do liên kết với doanh nghiệp nên đã chủ động được con giống, thức ăn, thuốc thú y cũng nhe đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy chăn nuôi gà đã mang lại lợi nhuận lớn cho gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết của hộ ông Nguyễn Văn Nguyệt tại xã Thượng Lan (Việt Yên) với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.
Bảo đảm an toàn dịch bệnh, gắn với bảo vệ môi trường
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong tương lai chăn nuôi nông hộ sẽ ngày càng bị thu hẹp vì khó bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ tái phát, nhất là là các bệnh nguy hiểm gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Việc phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo chuỗi liên kết sẽ khắc phục được hạn chế trên và dần hình thành lực lượng lao động mới có tư duy phát triển nông nghiệp hàng hóa, gắn với quy luật thị trường.
Theo đánh giá của ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang: Thời gian qua, Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến trong hoạt động chăn nuôi, cụ thể là chăn nuôi quy mô lớn, tập trung đang phát triển mạnh mẽ nhằm thay thế phương thức chăn nuôi nông hộ, giúp giảm chi phí sản xuất. Do bị ảnh hưởng liên tiếp bởi dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, từ năm 2020 đến nay toàn tỉnh giảm 50 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và tăng 115 trang trại. Nhiều hộ chăn nuôi đã phải treo chuồng, cho thuê chuồng trại, thậm chí có hộ phá sản hoặc chuyển sang liên kết với các doanh nghiệp mới trụ vững. Trong tương lai, số hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ tiếp tục giảm mạnh bởi đây là xu thế, phù hợp với sự phát triển chung.
Căn cứ quyết định phê duyệt các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng trên địa bàn tỉnh, đến năm 2030, Bắc Giang xác định ổn định 21 vùng chăn nuôi lợn, 33 vùng chăn nuôi gà, 23 vùng chăn nuôi trâu, bò, 18 vùng chăn nuôi dê, 4 vùng chăn nuôi ngựa, 12 vùng nuôi ong. Tuy vậy, hiện nay chăn nuôi theo quy mô nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong số hơn 2,2 nghìn trang trại, có hơn 1,8 nghìn trang trại quy mô nhỏ; 339 quy mô vừa và còn lại là 58 trang trại lớn. Cùng đó, chăn nuôi theo chuỗi liên kết chưa nhiều, còn thiếu bền vững, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước, chưa đạt yêu cầu xuất khẩu. Cùng đó, hiện nay chăn nuôi trang trại ở Bắc Giang còn một số khó khăn, hạn chế, nhất là liên quan đến thủ thục chuyển đổi đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường, một số trang trại hoạt động khi chưa có giấy phép…
“Nhằm hướng tới nền chăn nuôi chuyên nghiệp, bền vững, ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi tư duy từ sản xuất chăn nuôi sang phát triển kinh tế chăn nuôi, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thân thiện và bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, tổ chức liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín, tuần hoàn. Cùng đó, tạo thuận lợi cho các DN đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nhằm hình thành các vùng chăn nuôi tập trung cách biệt khu dân cư, bảo đảm điều kiện về môi trường, kết hợp với vùng sản xuất nguyên liệu chế biến thức ăn tại chỗ”, ông Lương Đức Kiên cho biết.