|
  • :
  • :

Thực hiện nhiều giải pháp để vụ lúa Thu đông thắng lợi

Ngoài tận dụng những điều kiện thuận lợi trong sản xuất thì ngành chức năng và người dân trên địa bàn huyện Châu Thành A đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến vụ lúa Thu đông đạt thắng lợi trên các mặt.

 

Nông dân huyện Châu Thành A chủ động thực hiện tốt các giải pháp trong sản xuất để hướng đến vụ lúa Thu đông đạt thắng lợi.

Vào thời điểm này, bên cạnh việc nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành A thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ thì trên nhiều cánh đồng, bà con cũng đang tất bật vệ sinh đồng ruộng và khẩn trương xuống giống vụ lúa Thu đông (lúa vụ 3) cho kịp thời vụ, trong đó có không ít diện tích đã gieo sạ được hơn 10 ngày. Tuy đang vất vả trong công việc, nhưng trên khuôn mặt của mỗi người nông dân đều thể hiện sự quyết tâm cho mùa vụ mới.

Đang rải phân bón cho 1,2ha lúa Thu đông của gia đình đã xuống giống được hơn 15 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Giàu, ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, thông tin: “Vụ lúa Thu đông năm nay, tôi và bà con ở cánh đồng này đều chọn canh tác giống lúa OM 18 vì có thời gian sinh trưởng ngắn, từ đó giúp bà con thu hoạch sớm trước khi mùa lũ về. Mặt khác, đây còn là giống lúa có đặc tính kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn tốt nên giúp nông dân giảm được chi phí trong phòng trừ dịch hại. Ngoài ra, qua nhiều năm canh tác ở vụ lúa Thu đông thì tôi thấy giống lúa OM 18 thường cho năng suất cao, chất lượng hạt gạo tốt nên dễ bán và được thương lái thu mua với giá cao”.

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A, vụ lúa Thu đông năm nay, nông dân trên địa bàn huyện sẽ xuống giống 7.100ha (tương đương cùng kỳ), đến thời điểm này, bà con đã gieo sạ được hơn 6.500ha. Hiện có 2 loại giống lúa được nông dân ưu tiên chọn canh tác là OM 5451 (chiếm khoảng 70% diện tích), còn lại là giống OM 18. Theo chia sẻ của nhiều nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện Châu Thành A thì ngoài việc chọn giống lúa phù hợp cho vụ Thu đông, bà con còn thực hiện tốt nhiều giải pháp trong quá trình canh tác theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện. Chẳng hạn như việc đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa từ 15-20 ngày; thực hiện cày vùi rơm rạ, vệ sinh kỹ đồng ruộng trước khi xuống giống; đồng thời chọn giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ nhằm hạn chế dịch hại tấn công, đảm bảo chất lượng hạt lúa khi thu hoạch.

Ông Huỳnh Văn Dễ, hộ vừa xuống giống hơn 5ha lúa Thu đông (giống OM 5451) của gia đình ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho hay: “Trong điều kiện mọi chi phí đầu tư cho cây lúa đều tăng như hiện nay thì nông dân càng phải kỹ hơn trong các khâu canh tác để cây lúa có thể phát triển tốt, giúp bà con thu lại hiệu quả. Trường hợp nông dân chỉ chủ quan ở một khâu nào đó thì có thể gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng hạt lúa, từ đó rất dễ dẫn đến thua lỗ do chi phí đầu tư tăng cao. Đặc biệt, thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện, nhiều vụ lúa vừa qua và ngay vụ lúa đang canh tác, tôi và hầu hết nông dân ở cánh đồng lớn nơi đây đều áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để có thể hạ giá thành sản xuất lúa ở mức thấp nhất, từ đó tăng nguồn lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác”.

Bên cạnh áp dụng tốt các kỹ thuật trong sản xuất thì một điều khá quan trọng để giúp nông dân an tâm canh tác trong vụ lúa Thu đông là qua nhiều năm đầu tư, hiện 100% diện tích đất sản xuất lúa trên địa bàn huyện Châu Thành A đều có hệ thống đê bao khép kín, trong đó có không ít diện tích còn được đầu tư hệ thống cống, bọng kết hợp với trạm bơm. Từ đây, giúp nông dân chủ động được nguồn nước trong sản xuất, hạn chế rủi ro thiệt hại do nước lũ.

Ông Huỳnh Văn Dễ, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, chia sẻ thêm: “Nhờ có hệ thống đê bao khép kín kết hợp với trạm bơm điện nên bà con ở cánh đồng này luôn sản xuất tốt cả 3 vụ lúa/năm, qua đây góp phần mang lại sản lượng lúa không nhỏ cho địa phương. Ngoài yếu tố đê bao thì bà con còn tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện là chủ động xuống giống sớm vụ lúa Thu đông, từ đó nông dân thường thu hoạch lúa trước khi mùa lũ về, đồng thời đảm bảo thời gian để xuống giống kịp thời vụ lúa Đông xuân hàng năm”.

Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành A, cho biết: Mặc dù các diện tích lúa Thu đông đã xuống giống hiện nay trên địa bàn huyện Châu Thành A đều nằm trong những vùng có hệ thống đê bao khép kín; tuy nhiên, theo dự báo của ngành chức năng thì mực nước lũ năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ về sớm và ở mức cao hơn so với cùng kỳ. Do đó, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A đang phối hợp cùng chính quyền địa phương trong huyện thực hiện gia cố, nâng cấp lại các tuyến đê bao bị xuống cấp, cũng như kiểm tra lại hệ thống trạm bơm luôn trong tư thế sẵn sàng hoạt động; đồng thời khuyến cáo bà con chủ động kiểm tra lại các đoạn đê bao, cống đập trên phần đất của mình để kịp thời phát hiện những sự cố để có giải pháp khắc phục hiệu quả nhằm bảo vệ tốt cho cây lúa trong điều kiện nước lũ về sớm và ở mức cao. Bằng nhiều giải pháp được ngành chức năng và người dân đã, đang triển khai quyết liệt như trên thì tin rằng vụ lúa Thu đông năm nay, nông dân huyện Châu Thành A sẽ đạt thắng lợi trên các mặt. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi chung về sản xuất lúa cả năm cho huyện nói riêng và của tỉnh nói chung...

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/thuc-hien-nhieu-giai-phap-de-vu-lua-thu-dong-thang-loi-112850.html