|
  • :
  • :

Thực hiện nhiều mô hình khuyến nông về an toàn thực phẩm

Xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ngày càng cao và đòi hỏi khắt khe về sản phẩm an toàn, phải truy nguyên được nguồn gốc nên những năm gần đây, từ các nguồn kinh phí, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (KN&DVNN) tỉnh tổ chức xây dựng và thực hiện thành công, có hiệu quả nhiều mô hình giúp nông dân tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. 

Nhiều nông dân trong tỉnh thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu an toàn theo hướng dẫn của Trung tâm KN&DVNN tỉnh. 

Điển hình là mô hình “sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm” với diện tích chứng nhận gần 30ha. Theo đó, khi nông dân tham gia mô hình sẽ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm để doanh nghiệp xuất khẩu sang nước ngoài, trong đó giá bao tiêu cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg, nhờ vậy giá trị lợi nhuận tăng thêm gần 20 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó là xây dựng và thực hiện mô hình “Tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nấm rơm trong nhà và phân hữu cơ theo chuỗi giá trị”. Kết quả của mô hình mang lại là tận dụng phụ phẩm trong canh lúa để người dân trồng nấm rơm theo kỹ thuật tiên tiến là trồng trong nhà có gắn thiết bị cảm biến nhiệt độ, phun sương và kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, qua đây giúp gia tăng thêm nguồn thu nhập cho nông hộ. Ngoài ra, khi phụ phẩm là rơm rạ sau chất nấm được tận dụng để ủ phân hữu cơ và bón lại cho cây trồng, tránh lãng phí, góp phần bảo vệ môi trường. Mặt khác, sản phẩm nấm rơm làm ra được liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết giúp ổn định đầu ra, nông dân an tâm canh tác. Mô hình đã mang lại thu nhập cho nông dân trên 100 triệu đồng/năm/100m2 nhà trồng nấm.

Không dừng lại ở đó, Trung tâm KN&DVNN tỉnh còn xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu an toàn, nổi bật là mô hình trồng dưa lưới với quy mô 1.000m2 tại xã Phú Hữu, huyện Châu Thành; đồng thời thực hiện mô hình xây dựng nhãn mác, bao bì; xúc tiến, quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực cho người dân.

 Đặc biệt là từ đầu năm đến nay, Trung tâm KN&DVNN tỉnh đã và đang hỗ trợ nông dân trong tỉnh thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm như: Mô hình trồng mít, quy mô 20ha tại huyện Châu Thành; mô hình trồng chanh không hạt, quy mô 10ha tại huyện Châu Thành A; mô hình trồng mãng cầu xiêm, quy mô 10ha tại huyện Phụng Hiệp; mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, quy mô 180ha tại thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ và huyện Châu Thành A... Ngoài ra, các trạm khuyến nông ở huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức xây dựng nhiều mô hình canh tác áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/thuc-hien-nhieu-mo-hinh-khuyen-nong-ve-an-toan-thuc-pham-115169.html