|
  • :
  • :

Tối ưu khả năng tiêu hóa rơm rạ và giảm phát thải khí mê tan trong chăn nuôi bò thịt

Khóa huấn luyện “Xử lý rơm rạ và bổ sung dưỡng chất thực vật để tăng cường hoạt động lên men dạ cỏ và giảm thải khí mê tan trong chăn nuôi bò thịt” vừa được Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 16/6/2023, tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đây là một trong những hoạt động do Ban Thư ký Trung Quốc hợp tác Lang Thương – Mê Kông tài trợ về “Tái sử dụng cỏ khô và phụ phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi bò thịt”. Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh là một trong những đối tác tại Việt Nam tham gia thực hiện dự án, cùng với các Viện, Trường Đại học của các quốc gia khác như Trung Quốc, Lào, Cam – pu – chia, Thái Lan và Miến Điện.

Thông qua việc thực hiện dự án, người chăn nuôi bò thịt tại các quốc gia nói trên có cơ hội được tiếp cận với các kỹ thuật xử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho bò, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo và giảm phát thải khí mê tan gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Phương pháp ủ rơm rạ để tối ưu khả năng tiêu hóa và giảm phát thải khí mê tan đã được Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ (Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh) nghiên cứu thành công và đưa vào áp dụng là sử dụng vôi, u rê với khối lượng 2 kg/mỗi loại, hòa tan trong 15 lít nước, sau đó tưới vào túi đựng cuộn rơm khoảng 15 – 17 kg/cuộn, bịt kín và sử dụng cho bò sau 7 ngày ủ.

Tổng diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh khoảng 24.000 ha, tổng khối lượng rơm rạ có thể thu được sau khi thu hoạch lúa là 120.000 tấn. Với khối lượng rơm rạ thu được đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu xử lý làm thức ăn cho đàn bò trên địa bàn tỉnh (53.349 con trâu, bò).

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh: “Trong thời gian tới, bên cạnh việc chuyển giao kỹ thuật ủ rơm rạ đến người chăn nuôi bò tại Việt Nam thì Trung tâm tiếp tục triển khai nghiên cứu kỹ thuật xử lý đối với phụ phế phẩm nông nghiệp khác như vỏ trái cây, vỏ mỳ, thân bắp để làm thức ăn cho bò, đáp ứng mục tiêu xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi”.

Theo định hướng phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì bò là đối tượng vật nuôi được xác định ổn định quy mô đàn khoảng 40 đến 45 nghìn con và ưu tiên phát triển tại các địa phương có điều kiện về nguồn thức ăn như Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và một phần thị xã Phú Mỹ./.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/toi-uu-kha-nang-tieu-hoa-rom-ra-va-giam-phat-thai-khi-me-tan-trong-chan-nuoi-bo-thit/
Tin liên quan
Chưa có thông tin