|
  • :
  • :

Tổng quan về ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam giai đoạn 2018-2023: Một số mô hình liên kết

Trong những năm vừa qua, các trang trại chăn nuôi đã liên kết nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất như: hỗ trợ vốn sản xuất; mua vật tư đầu vào khối lượng lớn và giá rẻ; gắn sản xuất chăn nuôi với giết mổ, chế biến và tiêu thụ hình thành chuỗi sản phẩm… đã làm cho giảm giá thành sản phẩm, chăn nuôi có hiệu quả hơn.

Các mô hình chăn nuôi gia công của các doanh nghiệp nước ngoài (CP, Japfa Comfeed, ….) và một số doanh nghiệp trong nước như: Dabaco, Ba Huân, San Hà, ĐTK, Ánh Kim (Cây Thị), Trần Nguyễn Hồ, Hương Việt…..

Các mô hình liên kết HTX/THT  như: HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Hà Nội) đã liên kết nhiều hộ chăn nuôi cùng mua giống, thức ăn, lập quỹ hỗ trợ cho vay vốn trong hợp tác xã và xuất bán sản phẩm, tham gia quảng bá, xây dựng thương hiệu tại các hội chợ… HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công – Tiền Giang sản xuất theo quy trình chuỗi, truy xuất được nguồn gốc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mô hình hợp tác sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế –  Bắc Giang với quy mô 800 hội viên tổ chức tốt mối liên kết 4 nhà trong chăn nuôi gà đồi; tuyên truyền, vận động đầu tư phát triển sản xuất gà đồi. 

Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi gà cụ thể như sau:

Liên kết với doanh nghiệp (chăn nuôi gia công):  Với hình thức liên kết này các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. Các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi gia công như: Công ty C.P Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed, Công ty Emivest, Công ty TNHH MTV Bình Minh… Hình thức liên kết này được triển khai rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước.

 Liên kết theo chuỗi chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm: Liên kết giữa các trang trại chăn nuôi gia cầm (giống, thịt, trứng gia cầm) và thị trường tiêu thụ là các siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể.

Điển hình là liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi của 4 doanh nghiệp để xuất khẩu thịt gà đi Nhật Bản: De Heus cung cấp thức ăn – Bel gà cung cấp con giống – Hùng Nhơn chăn nuôi – Koyu giết mổ và chế biến để xuất khẩu.

Tại Tiền Giang, Tổ hợp tác Trần Nguyễn Hồ với 22 hộ chăn nuôi chim cút, xuất khẩu trứng chim cút đóng hộp. Công ty Anh Kim (nhãn hiệu sản phẩm là Cây Thị) liên kết với các hộ chăn nuôi gà ác, thu mua, giết mổ, chế biến xuất khẩu đi Hoa Kỳ.Tại Hà Nội đã xây dựng nhiều chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; gà Mía Sơn Tây; vịt Vân Đình, Đại Xuyên; trứng vịt Liên Châu; trứng gà Tiên Viên; trứng sạch 729.

Hình thức tiêu thụ của các chuỗi liên kết này chủ yếu là bán lẻ và một số bao tiêu theo hợp đồng (trứng sạch 729), chuỗi GreenFood Hà Nội và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F. Tại Vĩnh Phúc, mô hình liên kết chuỗi trứng gà được hình thành liên kết giữa Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt với hai hộ chăn nuôi gà đẻ trứng. Công ty đã tổ chức kênh tiêu thụ sản phẩm (cửa hàng bán thực phẩm an toàn cho người dân). Công ty San Hà (TP. Hồ Chí Minh) liên kết với Công ty TNHH gà giống Cao Khanh thu mua, giết mổ, chế biến sản phẩm theo chuỗi để nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/tong-quan-ve-nganh-chan-nuoi-gia-cam-viet-nam-giai-doan-2018-2023-mot-so-mo-hinh-lien-ket/
Tin liên quan
Chưa có thông tin