Các phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật từ cơ sở giết mổ đều là phương tiện chuyên dùng, có thiết bị bảo ôn và dàn móc treo quầy thịt; xe máy vận chuyển thịt phải có thùng chứa đựng (inox) đảm bảo vệ sinh. Hàng năm, Thành phố tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ quá trình chăn nuôi, giết mổ, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm động vật. Kết quả, tỷ lệ vấy nhiễm vi sinh, Salmonella trên sản phẩm thịt được lấy tại các CSGM có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đạt tăng dần đến 90- 95%; tình trạng tồn dư hóa chất, kháng sinh trong động vật, sản phẩm động vật giảm 10% mỗi năm; từ năm 2017 đến nay, không phát hiện trường hợp sử dụng chất cấm nhóm Beta-agonist (Salbutamol và Ractopamin) trong chăn nuôi.
Tp. Hồ Chí Minh: Có 07 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
Trên địa bàn Thành phố hiện còn 07 cơ sở giết mổ (trong đó có 05 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp và 01 cơ sở giết mổ tại huyện Cần Giờ phục vụ người dân trong khu vực, 01 Trung tâm giết mổ gia cầm) thực hiện đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, quy trình kiểm soát giết mổ động vật. Lượng gia súc, gia cầm giết mổ bình quân hàng đêm hiện nay là 5.500 – 6.000 con heo, 07 con bò và 74.000 – 75.000 con gà; (trong đó, lượng giết mổ heo chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt heo trên thị trường Thành phố; giảm khoảng 10-15% so với lượng giết mổ trước đây).