|
  • :
  • :

Trang trại gà ‘độc nhất vô nhị’ ở Tây Ninh

Biến mái điện năng lượng mặt trời thành trang trại nuôi gà an toàn sinh học là mô hình ‘có 1 không 2’, cho hiệu quả cao của chị Trần Thị Hạnh ở Tây Ninh.

Trang trại gà an toàn sinh học dưới mái điện năng lượng mặt trời của chị Trần Thị Hạnh ở xã biên giới Thành Long, huyện Châu Thành (Tây Ninh) là những hệ thống điện năng lượng mặt trời thẳng tắp rộng hơn 3ha nằm giữa cánh đồng bằng phẳng được bao quanh bởi những cánh rừng cao su xanh mướt.

Trang trại gà dưới mái điện năng lượng mặt trời nằm giữa cánh đồng bằng phẳng của chị Trần Thị Hạnh ở xã biên giới Thành Long (Tây Ninh). Ảnh: Trần Trung.

Bên trong khu sản xuất điện mặt trời, một không gian khác lại mở ra. Đập vào mắt chúng tôi là những dãy chuồng nuôi gà công nghiệp theo hướng an toàn sinh học khang trang, sạch sẽ, không hề có mùi hôi. Từng nhóm công nhân được phân công công việc rõ ràng, người pha chế các chế phẩm sinh học cho gà uống, người thu hoạch trứng, người thu hoạch gà thương phẩm tới lứa… phá tan không gian yên ắng của vùng quê biên giới đầy nắng và gió.

Chị Hạnh cho biết, với truyền thống gia đình chăn nuôi gà thả vườn, trước năm 2014, chị đã sở hữu trang trại gà lông màu thuộc dạng lớn tại địa phương với quy mô trên 10.000 con. Tuy nhiên, thời điểm đó, đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào chợ truyền thống, chị phải vừa tập trung chăn nuôi vừa phải lo về thị trường tiêu thụ sản phẩm nên khi bán hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, dịch cúm gia cầm bùng phát khiến việc chăn nuôi khó chồng khó, có thời điểm chị phải treo chuồng để bảo toàn vốn.

Gà được nuôi trong chuồng lạnh sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Ảnh: Trần Trung.

Sau nhiều đêm trăn trở, với quyết tâm vực dậy nghề nuôi gà của gia đình, trong một lần đi công tác biên giới, chị thấy quỹ đất ở xã biên giới Long Thành còn rộng, hạ tầng cơ sở còn thiếu và yếu nên giá đất tương đối rẻ, dân cư thưa thớt. Đặc biệt, nơi đây có nhiệt độ nền tương đối cao, năm 2020 là năm bùng nổ điện năng lượng mặt trời. Sau khi xin được chủ trương của địa phương, chị quyết định đầu tư vào xây dựng trang trại điện. Cùng với bề dày kinh nghiệm về nuôi gà trước đó, chị kết hợp xây dựng hệ thống trang trại gà quy mô công nghiệp với tổng đàn gần 60.000 con được nuôi trong trại lạnh và hoàn toàn theo chuẩn an toàn sinh học.

Theo chị Hạnh, không giống với những trang trại chị đã đầu tư trước đây, trang trại này vừa sản xuất gà lông màu thương phẩm, vừa nuôi gà Ai Cập lấy trứng. Trang trại được đầu tư theo quy mô công nghiệp với nhiều trang thiết bị tân tiến, hiện đại từ hệ thống làm mát, hệ thống sưởi, chiếu sang đến hệ thống cho ăn, uống đều từ động nên tiêu tốn điện năng rất lớn.

Nhờ nuôi gà theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, trang trại không phát thải mùi hôi và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chị đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất gần 100KW để vừa phục vụ nhu cầu điện sản xuất, vừa đáp ứng sinh hoạt của công nhân. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn (gần 2 tỷ đồng), nhưng trang trại đã giải quyết được cả 3 vấn đề lớn là giảm chi phi xây dựng chuồng trại; không tốn kinh phí bảo trì; không phụ thuộc hoàn toàn vào điện lưới nên đảm bảo chủ động trong sản xuất. Thực tế sử dụng từ đầu năm 2020 đến nay, mỗi tháng chị tiết kiệm được gần 100 triệu đồng tiền điện.

Ngoài ra, cứ sau mỗi lứa, trang trại ngừng chăn nuôi 10 – 15 ngày để khử trùng thì trang trại có thêm một khoản tiền nhờ bán điện cho công ty điện lực. Như vậy, chị đã thu được “lợi ích kép” trong việc giảm chi phí tiền điện, an toàn cho môi trường và tận dụng được khoảng không áp mái. “Tôi đang tiếp tục đầu tư thêm 3 trang trại tương tự để mở rộng quy mô sản xuất”’, chị Hạnh tiết lộ.

Hệ thống cho ăn hoàn toàn tự động. Ảnh: Trần Trung.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, ngoài mô hình trên, hiện điện mặt trời đã được sử dụng ở rất nhiều trang trại khác trên địa bàn tỉnh. Mô hình trang trại này có nhiều ưu điểm vượt trội như chủ động được nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất; thiết kế đẹp, tiện dụng, thay thế hoàn toàn các vật liệu làm mái truyền thống như bê tông, tôn, nhựa…, có khả năng cách nhiệt, giúp chuồng trại mát mẻ hơn, giảm chi phí sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường, giảm áp lực bù tải cho lưới điện quốc gia.

Đến tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 110 dự án điện mặt trời áp mái trên các dự án nông nghiệp, trong đó có 3 dự án điện mặt trời được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019; 107 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2020. Phần lớn các dự án nông nghiệp là dự án trồng nấm, trồng cây đinh lăng; một số ít dự án chăn nuôi heo, gà, bò.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/trang-trai-ga-doc-nhat-vo-nhi-o-tay-ninh/
Tin liên quan
Chưa có thông tin